Người dân sống dọc đầm Thủy Triều (huyện Cam Lâm) đang rất phấn khởi bởi năm nay, hải sâm tự nhiên phát triển nhiều, góp phần tạo thêm nguồn thu nhập.
Ông Nguyễn Nhành (thôn Thủy Triều, xã Cam Hải Đông) cho biết, trước đây, ông chưa từng nuôi hải sâm. Thời gian gần đây, hải sâm tự nhiên trong khu vực đầm Thủy Triều sản sinh nhiều, lại có nguồn tiêu thụ, nên ông và nhiều người dân ở đây tập trung kinh doanh thêm loại hải sản này, kiếm thêm thu nhập. “Hồ hải sâm của tôi hiện có hơn 15.000 con, trong đó khoảng 6.000 con mua lại của người khác, còn lại do tôi tự bắt về, nuôi đã được hơn 4 tháng và vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Số hải sâm này đã có thể bán, nhưng tôi vẫn chờ lớn hơn chút nữa để bán giá cao hơn” – ông Nhành nói.
Hải sâm của gia đình ông Nguyễn Nhành đang trong giai đoạn phát triển
Những năm trước, công việc chính của anh Nguyễn Thành Trung (thôn Thủy Triều) là lặn bắt tôm, cá, ốc… Đầu năm nay, anh chuyển qua bắt thêm hải sâm, sau đó nuôi tự nhiên bằng cách rào lưới lại, để hải sâm tự phát triển trong đầm. Theo anh Trung, hầu hết các hộ ở Cam Hải Đông và một số hộ ở xã Cam Thành Bắc, thị trấn Cam Đức đều có thêm thu nhập nhờ hải sâm tự nhiên. Hải sâm được người dân bắt về, bán cho các gia đình có nhu cầu nuôi hoặc xuất thẳng cho thương lái với giá 1.000 đồng/con nhỏ, 2.000 đồng/con lớn. “Có hộ đi bắt hải sâm về bán kiếm được gần 1 triệu đồng/ngày. Riêng tôi bắt hải sâm về nuôi, sau đó bán cho các thương lái, từ đầu năm đến nay cũng thu được gần 30 triệu đồng” – anh Trung nói.
Được biết, hải sâm là loài dễ nuôi, chỉ cần thả vào ao, đìa, hoặc rào lại nuôi trong khu vực đầm. Những chất mùn bã hữu cơ có sẵn trong ao, hồ, tự nhiên là thức ăn chính của hải sâm nên người nuôi không tốn nhiều công chăm sóc. Bên cạnh đó, nuôi hải sâm có thể kết hợp nuôi cùng các loại tôm, cá, ghẹ…
Chị Nguyễn Thị Hiền (xã Cam Thành Bắc), chuyên thu mua hải sâm cho biết, những năm trước, chị cùng các bạn hàng khác phải đặt mua hải sâm ở Vạn Ninh. Năm nay, nguồn hải sâm lớn ở Cam Lâm đã giúp thu nhập của chị tăng đáng kể. “Sau khi mua hải sâm về, tôi làm sạch ruột, rửa sạch rồi bán cho các cơ sở chế biến với giá từ 35.000 đến 40.000 đồng/kg. Bình thường hàng không nhiều, tôi cũng lời khoảng 200.000 đến 300.000 đồng/ngày. Thời gian gần đây, hải sâm được thu hoạch nhiều, tôi đi mua gom từng nhà không kịp, có người phải chở đến nhà tôi để bán. Nhờ thế, tôi kiếm lời cả triệu đồng/ngày” – chị Hiền cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị Nhặn – Phó Trưởng trạm Khuyến công – nông – lâm – ngư huyện Cam Lâm, đến nay, diện tích nuôi hải sâm trên địa bàn huyện đã được người dân mở rộng hơn 10ha. Nguyên nhân hải sâm năm nay sản sinh nhiều là nhờ thời tiết thuận lợi, cùng với đó là hoạt động thả con giống tái tạo sinh vật biển hàng năm của tỉnh và huyện, trong đó có hải sâm. “Vì phát triển tự nhiên nên hải sâm có kích cỡ không đồng đều bằng nuôi giống, nhưng cũng góp phần tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân. Chúng tôi khuyến cáo người dân nên thu hoạch hải sâm trước mùa mưa, vì khi mưa xuống, độ mặn của nước bị phân tầng, nước tầng trên sẽ giảm độ mặn, làm nóng phần đáy, khi trời nắng lại kết hợp với việc yếm khí sẽ làm hải sâm chết rất nhanh” – bà Nhặn khuyên.