T2, 18/04/2022 11:11

Cần có đột phá trong quy hoạch hệ thống cảng cá

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Xác định quy hoạch hệ thống cảng cá sẽ góp phần thay đổi diện mạo ngành, đồng thời, giúp thủy sản phát triển bền vững theo hướng tăng nuôi trồng, giảm cường lực khai thác; Bộ NN&PTNT đã yêu cầu ngành thủy sản xây dựng một quy hoạch tổng thể, tiến tới ban hành bộ quy định về kinh tế kỹ thuật, cũng như đầu tư dịch vụ công để hướng dẫn cho địa phương.

Còn không ít bất cập

Chia sẻ tại Hội thảo toàn quốc để góp ý dự thảo quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 –  2030, tầm nhìn đến năm 2050; được tổ chức tại TP Đà Nẵng mới đây; Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, hiện nay, cả nước có 92 cảng cá và 87 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá được đầu tư, nâng cấp và đưa vào sử dụng (theo quy hoạch giai đoạn 2016 – 2020 của Chính phủ, cả nước phải có 125 cảng cá và 146 khu neo đậu tránh trú bão). Tuy nhiên, cả nước chỉ có 68 cảng cá và 74 khu neo đậu tránh trú bão đủ điều kiện và được công bố mở theo quy định. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT chủ trì lập quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đơn vị tư vấn đã lập dự thảo quy hoạch với 157 cảng cá và 152 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá ở 28 tỉnh, thành phố ven biển. 

Thực tế hiện nay cho thấy, quy mô, công suất các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá chưa đáp ứng yêu cầu theo quy hoạch ở Quyết định số 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/11/2015, đặc biệt là các quy định mới của Luật Thủy sản năm 2017. Việc đầu tư cho xây dựng cảng cá trong thời gian qua còn thấp so với yêu cầu, đầu tư dàn trải, chưa đồng bộ, dẫn đến số lượng công trình được đầu tư còn hạn chế so với quy hoạch. Ngoài ra, việc duy tu, sửa chữa định kỳ còn hạn chế, một số cảng cá có luồng lạch vào bị bồi lắng nhưng chưa được nạo vét kịp thời làm cho tàu thuyền ra, vào bốc dỡ hàng hóa, neo đậu gặp nhiều khó khăn, không an toàn. Mặt khác, nguồn nhân lực của các tổ chức quản lý cảng cá hiện nay còn thiếu và chưa được đào tạo, điều hành vận hành việc ra vào cảng chưa phù hợp dẫn đến tình trạng có cảng, khu neo đậu bị quá tải theo thời điểm trong ngày và không phát huy được hết công suất. 

Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2030 là 60.150 tỷ đồng; Ảnh: Hiếu Giang

Quy hoạch hệ thống cảng cá trước đây không tương xứng với tốc độ phát triển đội tàu. Có thời điểm, số tàu cá trên cả nước lên tới hàng trăm nghìn. Số lượng này giờ rút xuống còn hơn 91.700, nhưng số tàu khai thác vùng khơi lại có chiều hướng tăng lên khoảng 30%. Tất cả khiến nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng cảng cá trở nên nhỏ bé so với nhu cầu khai thác. Hiện còn tồn tại một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến hạ tầng cảng cá.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, do thiếu nguồn lực tài chính nên suốt 6 năm thực hiện Quyết định 1976, việc đầu tư nâng cấp hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão chưa đáp ứng được yêu cầu. Các địa phương gần như không dành nhiều nguồn lực cho việc đầu tư, nâng cấp cảng cá, khu neo đậu tránh bão. Trong khi, hiện vẫn chưa có chính sách phù hợp để thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư phát triển hệ thống cảng cá và dịch vụ tại cảng. Năng lực của các ban quản lý cảng cá, các cơ quan quản lý thủy sản địa phương cũng còn hạn chế.

Thay đổi diện mạo nghề cá

Theo dự thảo quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đến năm 2030, toàn quốc có 157 cảng cá, gồm 33 cảng cá loại I, 75 cảng cá loại II, 49 cảng cá loại III, đáp ứng bốc dỡ tổng lượng thủy sản qua cảng khoảng 2,7 triệu tấn/năm và 152 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá (gồm 29 khu cấp vùng, 122 khu cấp tỉnh), đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng gần 88.900 tàu thuyền. Tổng nhu cầu sử dụng đất và mặt nước theo quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2030 khoảng 6.700 ha, bao gồm tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 1.133 ha và tổng nhu cầu sử dụng mặt nước khoảng 5.590 ha.

Đến năm 2030, cả nước hình thành những đầu mối giao thương quan trọng trong nước và với quốc tế làm động lực phát triển các khu công nghiệp thủy sản, khu kinh tế ven biển, các Trung tâm nghề cá lớn ở các tỉnh: Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu và Kiên Giang gắn với các ngư trường trọng điểm, tạo sức hút, động lực cho ngành thủy sản phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2030 là 60.150 tỷ đồng, được huy động chủ yếu từ nguồn ngân sách, ngoài ra huy động vốn ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hơp pháp khác. Trong đó, nguồn vốn nhà nước tập trung cho hạ tầng thiết yếu của các cảng cá, khu neo đậu, các trung tâm nghề cá lớn, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư. Dự kiến, trong giai đoạn 2021 – 2025 nguồn vốn đầu tư khoảng hơn 34.600 tỷ đồng và giai đoạn 2025 – 2030 khoảng gần 25.500 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quang Hùng cho rằng, Nhà nước nên khuyến khích, có cơ chế ưu đãi để thu hút khu vực tư nhân đầu tư xây dựng hạ tầng cảng cá và khu neo đậu tránh bão. Đồng thời, bố trí vốn ngân sách thực hiện quy hoạch cần tập trung và đều đặn hàng năm, đặc biệt với các dự án cần được đầu tư dứt điểm.

Tại buổi làm việc với Vụ Kế hoạch, Tổng cục Thủy sản cũng như đơn vị tư vấn quy hoạch hệ thống cảng cá (Công ty CP Tư vấn Xây dựng công trình thủy và Liên danh Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) vào chiều 14/4; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, ngành thủy sản cần xác định rõ và linh hoạt trong hợp tác công – tư, tiến tới thu hút doanh nghiệp đồng hành cùng các ban quản lý cảng cá. Cảng cá trong tương lai phải không đơn thuần chỉ là nơi cho ngư dân mưu sinh, hay neo đậu tàu thuyền, mà còn là không gian sống, không gian phát triển của hàng chục triệu ngư dân. Chúng ta không thể chỉ quy hoạch phần cứng, tính toán số bê tông cốt thép, mà cần biến khai thác tự phát thành chuyên nghiệp, đưa thủy sản thành một ngành công nghiệp.

>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, những tồn tại, hạn chế ở các cảng cá, khu neo đậu hiện nay cần nhanh chóng được khắc phục để đáp ứng được mục tiêu phát triển nghề cá hiện đại, có trách nhiệm. Điều này không chỉ góp phần quan trọng trong việc gỡ “thẻ vàng” của EC mà còn tạo ra được nền tảng tốt cho thế hệ sau, phát triển bền vững ngành thủy sản.

Diệu An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!