T2, 06/07/2020 09:53

Cần công bằng với tôm thẻ chân trắng

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Du nhập vào Việt Nam đã trên dưới 10 năm, tôm thẻ chân trắng (TTCT) trở thành đối tượng nuôi chủ lực của ngành thủy sản, nhưng vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường lại đưa vào danh sách loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại. Mặc dù tại cuộc gặp mới đây, Bộ TN&MT đã nhất trí với Bộ NN&PTNT xem xét đưa loài này ra khỏi danh sách trên. Tuy nhiên, đối với những người trong ngành, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần được nhìn nhận lại.

T.s Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hội Nghề cáViệt Nam

Nếu có đóng góp lớn thì phải tôn trọng

 

Chủ trương nào khi đưa ra cũng phải xem xét lại thời điểm ban hành. Văn bản pháp lý đã thực hiện như thế nào, bởi việc cho nuôi và mở rộng nuôi, quy hoạch vùng nuôi… Bộ NN&PTNT đã thực hiện theo đúng lộ trình, nghiên cứu thử nghiệm rồi mới phát triển. Nói TTCT là vật ngoại lai là đúng, nhưng khi chưa biết thì có thể vậy, nhưng đã biết, đã nghiên cứu thì phải công nhận vì nó được chứng minh qua thời gian dài, vì nếu nói là xâm hại thì cũng đã xâm hại rồi. Hơn nữa, bệnh của con TTCT là bệnh đã được biết trước và chúng ta đã đưa ra điều kiện để buộc tuân thủ và giờ đây TTCT  đã trở thành đối tượng nuôi đạt hiệu quả cao. Mặt khác, bệnh nguy hiểm phát triển ở nước ngoài nhưng lại không phát triển ở Việt Nam. Do vậy, cần phải xem xét lại một cách cụ thể xem có phù hợp hay không. Vì nếu nó thực sự có đóng góp lớn thì phải tôn trọng.

 

Ông Phạm Văn Tình – Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quốc gia

Phải cân đối lại giữa mặt lợi và hại

 

Nói sinh vật ngoại lai thì Việt Nam rất nhiều, tôm, cá cũng nhiều, nhưng xếp TTCT như ốc bươu vàng là không đúng. Vì khi đưa ra xem xét phải xem các mặt lợi – hại của nó như thế nào. TTCT không giống những loài khác nên không thể xếp chung như vậy, bởi dù cũng là động vật ngoại lai nhưng lợi ích mà nó mang lại là rất lớn. Hơn nữa, hơn 10 năm du nhập và nuôi ở Việt Nam, chưa có một công trình nghiên cứu nào về sự xâm hại của loài này, trong khi đó, TTCT cũng chỉ nuôi trong quy hoạch, chưa ai bắt được TTCT bên ngoài môi trường. Mặt khác hiện nay, sản lượng TTCT được nuôi ở Việt Nam trung bình là 15 tấn/ha và một năm 2 vụ, lợi nhuận lớn như vậy nên cần phải có sự cân nhắc.

 

Ảnh: Thanh Nhã

 

 

TS Nguyễn Thanh Tùng – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản

Tôm thẻ chân trắng cứu cánh người nuôi

 

TTCT đã cứu cánh cho người nuôi tôm ĐBSCL khi con tôm sú bị dịch bệnh tàn phá nặng nề. Việc Bộ NN&PTNT cho phép nuôi TTCT là rất kịp thời. Nếu không, với tình hình dịch bệnh trên tôm sú trong thời gian qua, đã có rất nhiều ao tôm bị bỏ không rồi.

Nhìn chung, các tỉnh ven biển ĐBSCL đều đã coi trọng con TTCT và coi nó là một loài nuôi chủ lực, không chỉ bây giờ mà cả trong tương lai. Một số tỉnh đã bắt đầu chú ý tới việc quy hoạch riêng cho sự phát triển loài tôm này. Đến nay, Bến Tre là tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL đã có quy hoạch chi tiết về phát triển TTCT đến 2020 và đưa TTCT vào danh sách 5 loài thủy sản chủ lực cùng với tôm sú, nghêu, cá tra và tôm càng xanh.

 

Ông Trường Đình Hòe – Tổng Thư ký VASEP

Tôm thẻ chân trắng sẽ chiếm một nửa giá trị xuất khẩu tôm

 

Dù xuất khẩu chưa lâu nhưng TTCT Việt Nam đã thuyết phục được khách hàng nước ngoài. Các thị trường nhập khẩu tôm đã chấp nhập mua TTCT Việt Nam, bắt đầu từ cỡ nhỏ rồi tới cỡ trung, cỡ lớn. Ngay cả các thị trường trước đây chỉ mua tôm sú (tiêu biểu là Nhật Bản), giờ cũng chuyển sang mua TTCT của Việt Nam nhằm thay thế dần cho con tôm sú vốn không ổn định về sản lượng và giá cao. Có thể khẳng định TTCT đang là một mặt hàng thủy sản của Việt Nam được khách hàng nước ngoài đánh giá cao. Hầu hết các thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam đều đã mua TTCT.

Năm nay, ước tính xuất khẩu TTCT sẽ đóng góp tới 50% giá trị, tương đương với khoảng gần 1 tỷ USD. Vì thế, vấn đề hiện nay và trong thời gian tới là nên phát triển TTCT theo lộ trình như thế nào để giữ được hiệu quả kinh tế, giá trị xuất khẩu và giảm thiểu rủi ro, chứ không phải là cấm đoán.

 

Ông Nguyễn Văn Nhiệm – Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh

Vẫn luẩn quẩn như vậy thì quá khổ

 

Hiện nay, sản lượng TTCT đang ngày càng tăng, đóng góp cho xuất khẩu cũng không nhỏ. Nếu giờ đưa TTCT vào danh sách động vật có nguy cơ xâm hại thì sẽ gây nhiều khó khăn. Sản lượng sản xuất và xuất khẩu tôm sẽ sụt giảm, ảnh hưởng đến nhà máy và rất nhiều người nuôi. Trước khi TTCT được nuôi đại trà như hiện nay thì đã có quá trình nuôi thử nghiệm, rồi nuôi thử nghiệm từ tôm thẻ sang tôm sú và ngược lại, nhưng cũng không thấy ảnh hưởng gì, vì đến nay bệnh Taura chưa có biểu hiện lây sang tôm sú. Hiện nay, rất nhiều nước trong khu vực đã nuôi đại trà TTCT, Thái Lan đến gần 95% diện tích, Trung Quốc, Indonesia… và gần đây nhất là Ấn Độ cũng đã bắt đầu cho nuôi. Việt Nam giờ lại luẩn quẩn như vậy thì quá khổ. Hơn nữa nếu tính ra, diện tích nuôi tôm công nghiệp của Thái Lan không lớn hơn diện tích nuôi tôm của Sóc Trăng, nhưng sản lượng lại gấp đôi, chúng ta chưa làm được điều này, nay lại có chủ trương như vậy thì lại thua hơn nữa.

 

T.s Bùi Quang Tề – Nguyên trưởng phòng Sinh học thực nghiệm – Viện Nghiên cứu NTTS I:

Chưa thấy TTCT gây bệnh cho loài bản địa

TTCT được nhập vào nước ta hơn 10 năm qua theo nhiều đường khác nhau, chủ yếu bằng hình thức nuôi thâm canh ở các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh miền Trung. Bộ Thủy sản (cũ) đã có đề tài nghiên cứu “Điều tra, nghiên cứu bệnh Taura và một số bệnh thường gặp ở tôm chân trắng nuôi tại Việt Nam và khả năng lây nhiễm”, đã được nghiệm thu cấp Bộ năm 2006. Bằng thực nghiệm đã xác định bệnh Taura có khả năng lây nhiễm nhẹ sang tôm sú, nhưng qua theo dõi nhiều năm từ 2003 đến nay chưa phát hiện tôm sú nuôi nhiễm bệnh Taura. Như vậy, nguy cơ xâm hại của TTCT đối với các loài bản địa về lây truyền bệnh Taura là không cao. 

Thu Hồng – Thanh Sơn – Quốc Minh

 

            (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!