(Thủy sản Việt Nam) – Là người gắn bó với nghề sản xuất cua giống ở Cà Mau từ những ngày đầu, ông Trần Văn Khắp thấy có nhiều điều khó hiểu rất cần các đồng nghiệp, nhà quản lý, nhà khoa học tìm biện pháp tháo gỡ. Thủy sản Việt Nam trân trọng giới thiệu ý kiến của ông, chỉ nói riêng về lĩnh vực sản xuất cua giống.
Trăn trở từ thực tế sản xuất
Nếu tính từ đầu năm 2004 (khi mẻ cua giống đầu tiên của trại chúng tôi thành công) cho đến hết năm 2008 gần như tôi không thấy cua giống có loại dịch bệnh nào ngoài tầm kiểm soát.
Sau 2008, bắt đầu dịch bệnh xuất hiện nhiều (trên diện rộng) ngoài tầm kiểm soát với những hiện tượng đi kèm như ZO5 trắng lưng, megalop trắng mình làm ấu trùng bỏ ăn chết hàng loạt. Sau đó tới cua, có khi chết 100%… và gần đây lại có hiện tượng: ZO1 khi lấp vào từ 30 đến 40 giờ đồng loạt đứt ruột chết gần như 100%. (Hiện tượng này, tôi đã chụp được hình ảnh và gửi cho nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước; nhưng đến nay, chưa có câu trả lời chính xác và mức độ thiệt hại ngày càng lớn hơn, nghiêm trọng hơn).
Từ tổng kết tình hình thực tế của nhiều năm qua, với các hiện tượng khó hiểu nêu trên, tôi đặt ra một số vấn đề như sau:
1. Hiện nay, trong tự nhiên có khoảng 90% cua bố mẹ là giống nhân tạo. Liệu loài này nhân giống qua nhiều thế hệ: có tình trạng ấu trùng thoái hóa, cấu trúc hệ tiêu hóa không vững chắc, dẫn đến hiện tượng đứt “cơ học” chết đồng loạt sau vài chục tiếng. Hiện tượng này 2 năm qua cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, đến nay chưa có cách giải quyết nào căn cơ mà chủ yếu mong vào sự may rủi và tình hình chung là may ít, rủi nhiều.
2. Chương trình “ngọt hóa” bán đảo Cà Mau: Tức dẫn nước ngọt về và cho thoát ra các cửa biển thuộc 2 tỉnh Cà Mau, Kiên Giang làm cho độ mặn giảm xuống kỉ lục, có lúc trên biển chỉ còn 20‰. Trước đây, khi chưa có chương trình “ngọt hóa”, độ mặn trên biển Tây chưa bao giờ xuống dưới 25‰. Độ muối thấp, tuy không nói lên được nguyên nhân gây dịch bệnh, nhưng một điều chắc chắn, cần lưu ý các chất thải nông nghiệp như: thuốc bảo vệ thực vật và cả chất thải công nghiệp mỗi năm với số lượng báo động thải ra môi trường theo dòng nước ra biển của các tỉnh xung quanh khu vực vịnh Thái Lan (như một túi chứa). Điều đó chắc chắn sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, và nó có phải là nguyên nhân làm cho ấu trùng cua chết hàng loạt không?
3. Sau khi sản xuất đại trà, chất thải của các trại giống nhiều, vi khuẩn kháng thuốc phát tán trên diện rộng, lây lan và phải chăng chúng đã nhờn kháng sinh nên không chữa được?
4. Về nguyên nhân do vi khuẩn lạ thì suốt quá trình sản xuất và xét nghiệm hàng ngày, tôi không thấy hiện tượng bất thường kể cả những tổn thương do vi khuẩn “lạ” gây ra, mà nếu có thì chúng gây ra bằng cơ chế nào?
Ý kiến đề xuất
Từ kinh nghiệm thực tế tôi cũng xin có mấy ý kiến đề xuất như sau:
1. Các nhà khoa học nên biên soạn và phát hành những loại sách giải phẫu sinh lý loài cua xanh một cách rõ ràng, phổ thông, chỉ ra vị trí của từng bộ phận và chức năng cụ thể của các bộ phận ấy để làm cơ sở cho chúng tôi nghiên cứu ứng dụng, chứ không thể nói chung chung và mô tả sơ sài như các sách hiện có.
2. Phát hành sách chuyên về bệnh học thủy sản đã nghiên cứu được (có các tiêu bản màu kèm theo) cung cấp cho những người làm nghề sản xuất giống khi họ có nhu cầu.
3. Nhà nước nên đầu tư kinh phí khảo sát toàn diện vùng biển của các tỉnh xung quanh vịnh Thái Lan và có kết luận rõ những chất thải nông nghiệp trong mùa lũ theo nước ra biển (như tôi trình bày ở trên) và sự ảnh hưởng của nó đối với ấu trùng thủy sản, trong đó có loài cua xanh?
4. Địa phương nên đầu tư một cơ sở sản xuất giống thủy sản, có thể quy mô nhỏ về công suất nhưng phải hiện đại về phương tiện và gần các cơ sở sản xuất để phát hiện dịch bệnh kịp thời và cảnh báo sớm. Đồng thời, đủ điều kiện phân tích làm rõ nguyên nhân giúp chúng tôi những khi gặp khó khăn và những hiện tượng lạ.
>> Ông Trần Văn Khắp: Với tinh thần trách nhiệm và tầm nhìn chiến lược, vì sự phát triển của địa phương, của ngành thủy sản và lợi ích cộng đồng…, mong các vị lãnh đạo, các vị quản lí ngành, các nhà khoa học có sự thấu hiểu, quan tâm, thông cảm và có các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho nghề nuôi, đặc biệt là những người sản xuất giống thủy sản.
Trần Văn Khắp
(Giám đốc Cty TNHH MTV Giống TS Kiều Oanh, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. ĐT: 0918613293)