(TSVN) – Kế hoạch quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 – 2025 vừa được Bộ NN&PTNT phê duyệt. Mục tiêu của Kế hoạch này là nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản, đồng thời đảm bảo yêu cầu xuất khẩu.
Kế hoạch đặt ra mục tiêu là chủ động quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường 100% vùng nuôi trọng điểm, nuôi các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra), nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế (nhuyễn thể, cá rô phi, tôm hùm, tôm càng xanh), nuôi lồng bè. Cùng đó, thiết lập được cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường thống nhất từ Trung ương đến địa phương; cơ sở dữ liệu thông tin về quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản được hệ thống hóa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản, Thông tư số 24/2018/TT-BNNPTNT.
Trong đó, đối với tôm nuôi nước lợ (tôm thẻ chân trắng, tôm sú) sẽ thực hiện quan trắc ít nhất 408 điểm nuôi của 28 tỉnh ở khu vực nước cấp và ao đại diện. Thời gian quan trắc, giám sát theo lịch mùa vụ thả tôm của Bộ NN&PTNT và các tỉnh.
Đối với cá tra, quan trắc 81 điểm tại 11 tỉnh nuôi cá tra ở cả khu vực nước cấp và ao đại diện. Thời gian quan trắc, giám sát từ tháng 2 đến tháng 12 hàng năm.
Với nhuyễn thể, quan trắc 136 điểm cho các khu vực nuôi nhuyễn thể tại các tỉnh ven biển. Thời gian quan trắc từ tháng 3 đến tháng 12 hàng năm.
Với cá rô phi và cá nuôi lồng nước ngọt, thực hiện quan trắc khu vực nước cấp cho vùng nuôi tại 441 điểm cho các tỉnh trên cả nước. Thời gian quan trắc từ tháng 3 đến tháng 11 hàng năm.
Với tôm hùm, quan trắc khu vực nước biển cho vùng nuôi tôm hùm tại các tỉnh Nam Trung bộ với 23 điểm, thực hiện quan trắc từ tháng 1 đến tháng 11 hàng năm.
Với nuôi biển, quan trắc 66 điểm tại 9 tỉnh gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang. Thời gian thực hiện quan trắc từ tháng 1 đến tháng 11 hàng năm.
Với cá nước lạnh, quan trắc 9 điểm tại 2 tỉnh nuôi cá nước lạnh là Lào Cai, Lâm Đồng, thực hiện quan trắc từ tháng 1 đến tháng 11 hàng năm.
Với tôm càng xanh và các đối tượng nuôi khác: Quan trắc 28 điểm tại 10 tỉnh nuôi tôm càng xanh và ao đại diện; thực hiện quan trắc từ tháng 1 đến tháng 11 hàng năm.
Ngoài ra, sẽ thực hiện quan trắc, giám sát môi trường đột xuất, nhất là khi môi trường có diễn biến bất thường (mưa, nắng nóng kéo dài); khi khu vực nuôi thủy sản xảy ra dịch bệnh; khi môi trường vùng nuôi có dấu hiệu ô nhiễm, tích tụ chất hữu cơ; có hiện tượng tảo nở hoa tại vùng nuôi tôm hùm, nuôi nhuyễn thể; quan trắc môi trường cuối vụ nuôi đối với vùng nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá tra.
Theo Kế hoạch, nguồn kinh phí thực hiện công tác quan trắc, giám sát môi trường trong giai đoạn 2021 – 2025 là 501,390 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương là 170,090 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 331,300 tỷ đồng.