(TSVN) – Hỏi: Sau cơn mưa lớn trong ngày, buổi tối cá điêu hồng nuôi lồng trên sông có hiện tượng lờ đờ, nổi đầu và chết hàng loạt? Xin hỏi nguyên nhân và biện pháp khắc phục?
(Nguyễn Nhật Huy, xã Phú Tân, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai)
Trả lời:
Mưa lớn kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động nuôi trồng thủy sản. Trong đó, thiếu hụt ôxy hòa tan được xem là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng cá chết sau mưa. Mưa lớn đầu mùa cuốn trôi mùn bã hữu cơ, đất cát trên đất liền làm gia tăng hàm lượng chất rắn lơ lửng (TSS) gây tắc nghẽn cấu trúc mang cá, cản trở hô hấp gây ngạt và chết. Tất cả các yếu tố trên có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thiếu hụt ôxy trầm trọng vào ban đêm khiến cá nổi đầu và chết hàng loạt. Ngoài ra, sự thiếu hụt ôxy dẫn đến quá trình phân hủy thiếu khí tạo thành các khí độc như NH3, H2S, CH4 sẽ dẫn tới tình trạng cá bị sốc, ngộ độc, giảm sức đề kháng và bệnh sẽ phát triển. Nếu quá trình thiếu khí xảy ra trong thời gian dài, cá nuôi sẽ bị chết ngạt do thiếu ôxy.
Để ngăn ngừa hiện tượng cá chết hàng loạt, người nuôi cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, kết quả quan trắc chất lượng nước để ứng phó kịp thời với hiện tượng cá chết hàng loạt. Trước, trong và sau những cơn mưa lớn đầu mùa sục khí cung cấp thêm ôxy cho lồng, bè nuôi, treo túi vôi phòng bệnh cho cá. Các lồng đang có cá chết cần vệ sinh khu vực nuôi, thu gom cá chết ra khỏi khu vực nuôi ngăn ngừa ô nhiễm môi trường và phát sinh mầm bệnh. Dừng thả nuôi mới nhằm giảm thiểu rủi ro do ảnh hưởng xấu của môi trường và có thời gian để cải thiện môi trường nước vùng nuôi. Cần thường xuyên quan sát nước vùng nuôi và cá nuôi, khi thấy nước đục, cá kém ăn hoặc bơi chậm, nhao lên mặt nước cần có biện pháp xử lý kịp thời, tăng cường ôxy.
Ban KHKT