Đó là chia sẻ của Chủ tịch Hiệp hội các nhà nhập khẩu thủy sản Australia (SIAA), Norman Grant (ảnh), nhằm giúp các mặt hàng thủy sản Việt Nam nói chung, cá tra, basa nói riêng chinh phục thị trường Australia vốn nổi tiếng khắt khe và khó tính.
Theo Norman Grant, mặt hàng thủy sản có lượng tiêu thụ lớn nhất tại Australia là tôm, tiếp đến là cá hồi Atlantic và đứng thứ 3 là cá tra, basa. Người tiêu dùng thích loài cá này vì giá rẻ, hương vị tự nhiên và không xương. Tuy nhiên, những thông tin sai lệch về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm liên quan tới cá tra, basa, và các loài cá khác từ Đông Nam Á khiến người tiêu dùng có cái nhìn khắt khe về cá tra, basa.
Nhìn chung, người Australia thích đồ biển hơn vì họ cho rằng cá nuôi thường có mùi vị kém hấp dẫn do nuôi trong ao bùn. Cá tra, basa đã thành công ở nhiều thị trường, trong đó có Australia vì hầu hết người tiêu dùng tại đây không biết chúng là cá nước mặn hay nước ngọt.
Người Australia luôn ưu ái những sản phẩm quê nhà, đó là trở ngại đối với tất cả doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Australia, không riêng Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đã tìm được hướng đi. Các doanh nghiệp Việt Nam kiên trì theo đuổi thị trường, chuyển hướng cho thích hợp với thị trường hơn. Vấn đề trước mắt là làm thế nào để sản phẩm thủy sản Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm và an ninh sinh học tại Australia.
Người Australia luôn ưu ái những sản phẩm quê nhà, đó là trở ngại đối với tất cả doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này – Ảnh: Abc.net.au
Thẳng thắn mà nói, vấn đề này chưa hẳn đã “làm khó” được các nhà cung cấp thủy sản Việt Nam bởi tiêu chuẩn đặt ra cho hàng xuất khẩu ở Việt Nam rất cao. Tuy nhiên, những lần liên tiếp phát hiện các chất kháng sinh, dư lượng thuốc diệt nấm trong các sản phẩm thủy sản nuôi trồng đã “hủy hoại” hình ảnh của thủy sản Việt Nam. Nếu vấn đề này không được giải quyết triệt để thì chắc chắn, thủy sản Việt Nam sẽ không có chỗ đứng trên các thị trường quốc tế, trong đó có Australia. Những vi phạm và sai sót của các lô hàng liên quan đến chất lượng hàng hóa khi nhập khẩu vào Australia sẽ do Cơ quan Quản lý Nông nghiệp (tiền thân là AQIS) công bố trên website của Chính phủ, trong đó nêu tên doanh nghiệp vi phạm và quốc tịch của doanh nghiệp. Do vậy, thông tin này có sức lan truyền khắp công chúng Australia.
Còn một vấn đề nữa với thủy sản Việt Nam là đưa nước, phụ gia giữ nước vào thủy sản. Điều này đã hủy hoại danh tiếng của thủy sản Việt Nam. Nó làm giảm giá trị sản phẩm, dẫn tới việc công bố nhãn mác vi phạm, khiến các doanh nghiệp có thể chịu mức phạt rất nặng và làm giảm chất lượng sản phẩm. Có lẽ, hậu quả tồi tệ nhất là giá các mặt hàng thủy sản Việt Nam rơi xuống đáy; khiến các nhà cung cấp Việt Nam dễ bị các đối thủ chuyên cạnh tranh bằng công cụ giá rẻ đánh bật ra khỏi thị trường. Cá tra, basa là mặt hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi vấn đề này.
Nguồn: VASEP
Cách giải quyết tốt nhất cho tất cả những vấn đề trên là mang tới thị trường những sản phẩm chất lượng cao với “lai lịch” đẹp và xây dựng danh tiếng cho sản phẩm sao cho đồng đều với các sản phẩm của Australia. Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều này. Chúng tôi đánh giá cao quần áo từ Italia, xe hơi từ Đức, rượu vang từ Pháp, vậy tại sao không phải là thủy sản từ Việt Nam?
Người Australia bỏ tiền ra mua sản phẩm và cả câu chuyện hay về sản phẩm đó nữa. Tôi xin nhấn mạnh từ “lai lịch” chứ không phải “giá rẻ”, đó mới là cái đích mà các nhà cung cấp nên hướng tới. An toàn thực phẩm, môi trường bền vững, phúc lợi lao động…, tất cả đều phải được cấp chứng nhận bởi các tổ chức độc lập. Để thực sự am hiểu về thị trường, nhà cung cấp cần có những chuyến khảo sát, dành thời gian nghiên cứu thị trường, trực tiếp nắm bắt tâm lý người tiêu dùng, hiểu họ nghĩ gì và tìm hiểu cách vận hành các kênh phân phối bán buôn, bán lẻ tại Australia. Nếu không có kiến thức, nhà cung cấp sẽ gặp trở ngại với các chuỗi cung cấp và giá trị tại Australia.
>> Việt Nam là nhà cung cấp thủy sản lớn thứ ba vào Australia. Do đó, Việt Nam hoàn toàn có lợi thế khi nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Australia ngày càng cao. Nhưng thành công thực sự cho Việt Nam nằm ở việc cung cấp các sản phẩm mới (gồm cả các sản phẩm có thương hiệu) chứ không chỉ đơn thuần là cung cấp các nguyên liệu chế biến giá thấp. Chính điều này sẽ nâng tầm thương hiệu hàng Việt Nam và thay đổi nhận thức của người tiêu dùng vốn dĩ vẫn luôn nghĩ “Việt Nam chỉ có thể cung cấp các sản phẩm rẻ và kém chất lượng”. |