(TSVN) – Khai thác thủy sản gắn liền chặt chẽ với hoạt động của tàu cá, ngư dân. Tuy nhiên, trong suốt những năm qua, quy hoạch và quản lý tại nhiều cảng cá, bến cá không theo kịp quá trình phát triển, chưa kể là những vấn đề phát sinh tại đây. Liệu có cần một cuộc “cải tổ” mới trong quản lý cảng cá.
Những năm vừa qua, Chính phủ và các địa phương đã có nhiều quan tâm, nỗ lực phát triển cảng cá. Hệ thống cảng cá đã hình thành và phát triển rất nhanh, mang đến cho nghề cá sự thay đổi lớn.
Cảng cá Bình Thuận. Ảnh: ST
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2023, Bộ đã tổng hợp và công bố 76 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn 28 tỉnh, thành phố ven biển. Trong đó, 19 khu neo đậu cấp vùng; 57 khu neo đậu cấp tỉnh; với sức chứa khoảng 50.000 tàu cá. So với chỉ tiêu quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì số khu neo đậu xây dựng mới đạt 56,85%, công suất neo đậu tàu thuyền đạt 52,56% quy hoạch và 53,48% tổng số tàu cá. Tính đến hết năm 2022, cả nước có 125 cảng cá, 68 cảng đủ tiêu chuẩn công bố gồm: 3 cảng loại 1, 54 cảng loại 2, và 11 cảng loại 3.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì phiên họp của Hội đồng thẩm định “Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Dự thảo Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, toàn quốc có 173 cảng cá, trong đó có 39 cảng cá loại 1 còn lại là các cảng cá loại 2, loại 3. Vùng biển miền Trung (từ Quảng Trị đến Bình Thuận) sẽ là nơi tập trung nhiều cảng cá nhất cả nước, với 82 cảng; vùng biển Vịnh Bắc bộ 45 cảng, vùng biển Đông Nam bộ 33 cảng cá và vùng biển Tây Nam bộ 13 cảng cá.
Cả nước cũng sẽ có 160 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, gồm 30 khu cấp vùng và 130 khu cấp tỉnh, đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng trên 90.000 tàu cá. Đến năm 2050, dự kiến nâng tổng số cảng cá trên toàn quốc lên 180.
Bộ NN&PTNT cho biết, quy hoạch sẽ phải giải quyết những vấn đề thuộc về hiện trạng và phải tính đến những vấn đề thuộc về xu thế, định hướng cho tương lai như: chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu hay góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” về chống khai thác IUU.
Tại đối thoại giữa Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cùng cộng đồng ngư dân và các hội đoàn thủy sản, nghề cá với chủ để “Thúc đẩy đồng quản lý vì ngành thủy sản bền vững và có trách nhiệm” vừa qua; TS Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, đã giới thiệu mô hình quản lý cảng tại Nhật Bản.
Cụ thể, Nhật Bản khuyến khích doanh nghiệp và cộng đồng tham gia đầu tư, vận hành và khai thác chợ đầu mối thủy sản tại các tỉnh; Nhà nước tạo quỹ đất, xây dựng hạ tầng cơ bản. Chợ đầu mối là nơi tập trung và kết nối với nguyên tắc “bán giùm”, “mua giùm” sao cho cả bên mua – bán được lợi. Chợ chỉ nhận hoa hồng theo quy định công khai, không có hình thức mua đứt bán đoạn, đầu nậu/chủ vựa thao túng, điều hành giá cả. Đơn vị vận hành chợ đầu mối là doanh nghiệp, ban quản lý, HTX sẽ ký hợp đồng với chính quyền. Sau đó, chia ra nhóm người mua gồm người mua sỉ thì sản lượng lớn, giá thấp, phải cam kết mua hết sản phẩm cá của mỗi tàu. Người mua lẻ chỉ được mua lại hàng của nhóm bán sỉ. Nhóm người bán (ngư dân) phải là thành viên chính thức (có góp vốn) của tổ chức cộng đồng hay thành viên liên kết. Nhóm này có thể đăng ký nhiều chợ nhưng chỉ được bán tại 1 chợ trong 1 tháng; ngoài ra, phải đăng ký ngư trường khai thác, thông tin đầy đủ về tàu cá để cộng đồng quản lý về khai thác IUU.
Cũng theo TS Trần Minh Hải, khả năng áp dụng cao mô hình này tại Việt Nam. Nếu thực hiện được sẽ giúp ngư dân tăng “chất lượng sản phẩm”, tăng sơ chế và chế biến nhỏ; đồng thời, gắn kết “cò, đầu nậu, lái…” cùng hợp tác với HTX và chính quyền. Ngư dân, thành viên HTX cùng đóng góp, nuôi, khai thác. Ngân sách nhà nước đầu tư hạ tầng một số cảng cá và tạo cơ chế cho HTX vận hành.
Ở nước ta, một trong những mô hình đồng quản lý được thành lập sớm nhất là ở huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và hiện vẫn duy trì hoạt động. Thành công của mô hình được đánh giá là nhờ vào sự triển khai bài bản theo Luật Thủy sản; xây dựng các cơ chế phối hợp; phương án khai thác, nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi; phương án phát triển sinh kế, thành lập quỹ tổ cộng đồng và quỹ quay vòng phát triển sinh kế…
Bảo Hân