Cần quản chặt thủy sinh vật ngoại lai

Chưa có đánh giá về bài viết

Những năm qua, nhiều loài thủy sinh vật được du nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường với những mục đích khác nhau. Tuy nhiên, việc quản lý các loài thủy sinh vật ngoại lai này vẫn chưa được chặt chẽ.

Hậu quả khôn lường

Số liệu thống kê cho thấy, đến nay đã có khoảng 50 loài thủy sinh vật ngoại lai được nhập vào Việt Nam với mục đích nuôi thương phẩm và khoảng 190 loài cá cảnh được nhập để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là có những trường hợp du nhập những loài thủy sinh vật ngoại lai vào Việt Nam với số lượng lớn nhưng do không được kiểm tra và kiểm soát chặt chẽ đã để xảy ra tình trạng bùng phát trong tự nhiên và gây ra tác hại nặng nề.

Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ trường hợp ốc bươu vàng đã được nhập khẩu vào Việt Nam khoảng 10 năm trước. Khi loài ốc này được nuôi đại trà trong dân thì chúng đã có cơ hội phát tán vào môi trường tự nhiên và nhanh chóng phát triển tràn lan, phá hoại nghiêm trọng lúa, hoa màu của các địa phương từ ĐBSCL ra tận miền Bắc. Để tiêu diệt loài ốc này, nhà nước phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn.

Vài năm trở lại đây, qua những người nuôi cá cảnh, cá tỳ bà (cá lau kiếng) cũng xuất hiện với mật độ dày trong các hệ thống sông ngòi, kênh rạch ở ĐBSCL. Ông Phan Văn Hội, nông dân sản xuất cá giống ở xã Nhị Bình, huyện Châu Thành (Tiền Giang) cho biết, ông thu hoạch được cả chục ký cá tỳ bà trong ao nuôi vỗ cá bố mẹ để sản xuất giống.

Cá tỳ bà đang bùng phát tại các thủy vực tự nhiên gây ra nguy cơ giảm đa dạng sinh học ở ĐBSCL

Một nông dân nuôi cá thịt quy mô gia đình ở xã Bình Đức, huyện Châu Thành (Tiền Giang) cũng cho biết, đầu năm ngoái, anh thả 10.000 con cá giống các loại (cá tai tượng, cá hường) vào ao nuôi để tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho gia đình. Nhưng vụ cá vừa rồi chỉ thu được có 300kg cá, còn lại là mấy chục ký cá tỳ bà. Trước khi thả vụ cá mới, ao nuôi được anh cải tạo rất kỹ, từ sên vét bùn đáy đến bón vôi đến lấy nước qua túi lọc… Vậy mà không biết cá tỳ bà từ đâu vào ao sinh sản.

 

Cần tăng cường quản lý

Việc quản lý đa dạng sinh học, trong đó có thủy sinh vật ngoại lai được quy định trong Luật Đa dạng sinh học năm 2008. Tuy nhiên, nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành trong việc quản lý sinh vật ngoại lai vẫn chưa rõ ràng và phân tán.

Hiện nay, ngành nông nghiệp có thẩm quyền cấp phép nhập khẩu giống thủy sinh vật vào Việt Nam, còn việc quản lý thủy sinh vật ngoại lai trong nước lại do ngành tài nguyên và môi trường. Điều này dẫn tới sự chồng chéo, thiếu thống nhất, kém hiệu quả trong việc thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát đối với các loài thủy sinh vật ngoại lai xâm hại.

Bên cạnh đó, tình trạng nhập khẩu cá cảnh vào Việt Nam ngày càng nhiều về chủng loại cũng như số lượng. Các loài cá cảnh có nguồn gốc nhập khẩu cũng được sản xuất, ương dưỡng và bày bán công khai, rộng rãi tại các cửa hàng trên cả nước. Ngoài việc kiểm dịch theo yêu cầu các nước nhập khẩu của cơ quan Thú y thuộc Bộ NN&PTNT thì gần như không có sự giám sát về chuyên môn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh cá cảnh. Đến nay cũng chưa có danh mục các loại cá cảnh được phép sản xuất, kinh doanh hoặc có quy định phải cam kết đảm bảo an toàn thủy vực tự nhiên hay phải đáp ứng đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh cá cảnh…

>> Theo một chuyên gia ngành nông nghiệp, mặc dù thủy sinh vật ngoại lai là đối tượng quản lý của Luật Đa dạng sinh học năm 2008 nhưng nhiều vấn đề quy định trong Luật này cần phải có các văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện thì vẫn chưa được ban hành.

Thành Công

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!