T2, 06/07/2020 09:47

Cần sửa đổi luật phù hợp với thực tiễn nghề cá Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

(Tạp chí Thủy sản VN) – Luật Thủy sản ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý hoạt động thủy sản. Với những bất cập hiện hành, để luật thực sự đi vào cuộc sống cần nhanh chóng có Luật Thủy sản bổ sung, sửa đổi. Tuy nhiên, việc tham gia đóng góp ý kiến của người dân, đơn vị, doanh nghiệp, các cấp ngành có vai trò quan trọng trong quá trình hoàn chỉnh luật. Đó cũng là nhận định của bà Nguyễn Thị Kim Anh (ảnh) – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ NN&PTNT khi trao đổi với Tạp chí Thủy sản Việt Na

Sau 6 năm đi vào thực tiễn, xin bà cho biết Luật Thủy sản đã mang lại những ý nghĩa như thế nào đối với ngành Thủy sản Việt Nam?

Luật Thủy sản được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2004, là khung pháp lý cao nhất và toàn diện nhất cho việc quản lý các hoạt động thủy sản bằng pháp luật, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của Luật Thủy sản với các luật khác có liên quan, phù hợp với thông lệ quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập. Luật Thủy sản cũng góp phần dịch chuyển cơ cấu kinh tế, từ tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp trở thành ngành sản xuất hàng hóa với sản phẩm đa dạng, tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là những ngư dân nghèo.

Chúng tôi đánh giá Luật Thủy sản là văn bản khá hoàn chỉnh, điều chỉnh hầu hết các hoạt động thủy sản. Các địa phương cũng đã tiến hành phổ biến, tuyên truyền luật cho các đối tượng tham gia hoạt động thủy sản (HĐTS). Điều này giúp cho các đối tượng tham gia HĐTS hiểu biết pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, giúp cho việc thực thi pháp luật về thủy sản có hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, Luật Thủy sản năm 2003 là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tham gia đàm phán về thủy sản, cũng như ký kết hoặc gia nhập các điều ước quốc tế về thủy sản. Đạo luật này cũng góp phần giúp Việt Nam trong việc gia nhập "sân chơi chung" của WTO.

 

Giao, cho thuê mặt nước biển để NTTS – một trong những vấn đề mới được quy định             Ảnh: Dương Hùng

Xin bà cho biết những bất cập đang cần phải thay đổi trong Luật hiện hành?

Nghề cá Việt Nam là nghề cá quy mô nhỏ. Khi nghiên cứu ban hành luật, chúng tôi căn cứ vào thực tiễn của Việt Nam nhưng cũng có sự tham khảo luật, kinh nghiệm quản lý của các nước có ngành thủy sản phát triển như Australia, Na Uy, Nhật… và các nước có nghề cá tương đồng với Việt Nam như Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc… Chúng tôi cố gắng chuyển tải kinh nghiệm quản lý của họ vào Luật Thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những nội dung phù hợp, thì luật cũng gặp những bất cập, hạn chế.

Trong hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản, chúng tôi đánh giá cao về tầm quan trọng của công tác thống kê thủy sản, điều tra nguồn lợi thủy sản, xây dựng bản đồ nguồn lợi thủy sản… nhưng công tác này chưa được thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả.

Vấn đề đăng ký, đăng kiểm tàu cá cũng cần phải được phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương. Hiệp hội, Hội có vai trò cần thiết, trong quản lý hoạt động thủy sản nhưng trong luật chưa quy định rõ về vấn đề này.

Thêm đó, vấn đề truy xuất nguồn gốc trong hoạt động thủy sản cũng là một trong những vấn đề sống còn đối với hàng hóa thủy sản, để quản lý chất lượng thủy sản đến tay người tiêu dùng nhưng trong luật hầu như chưa quy định rõ nội dung này.

Giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản cũng là một trong những vấn đề mới được quy định trong luật. Tuy nhiên, khi triển khai thực thi cũng gặp không ít khó khăn về thẩm quyền, thời hạn giao, cho thuê… Có một số nội dung còn chưa thống nhất giữa Luật Đất đai và Luật Thủy sản về vấn đề giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, thực sự chúng tôi đang lúng túng trong việc hướng dẫn nội dung này về trình tự, thủ tục giao, cho thuê mặt nước biển; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản.

Hoặc bất cập khác về chợ thủy sản đầu mối, khi mà đến thời điểm này, Bộ NN&PTNT vẫn chưa ban hành được quy chế mẫu để quản lý chợ thủy sản đầu mối. Một số chợ thủy sản đã được xây dựng ở một vài địa phương, nhưng hầu hết các chợ này chưa hoạt động theo hình thức bán buôn, bán đấu giá. Trong khi đó, các nước khác trong khu vực cũng như trên thế giới đã triển khai rất hiệu quả loại hình chợ đầu mối này.

 

Liệu sẽ có giải pháp chung cho những vấn đề trên để Luật Thủy sản thực sự đi vào cuộc sống, nhằm phát triển ngành Thủy sản bền vững, thưa bà?

Khó khăn nhất để luật đi vào cuộc sống là công tác triển khai thực thi. Do vậy, cần có sự phối hợp của các cấp, các ngành trong việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về thủy sản. Bên cạnh đó, việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân là hết sức cần thiết. Một trong những yếu tố giúp việc tuân thủ, thực thi pháp luật có hiệu quả là phải có biện pháp đủ mạnh để xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có những chính sách phù hợp, kịp thời để cụ thể hóa các quy định trong luật. Có như vậy, luật cũng như các chính sách của Nhà nước mới thực sự đi vào cuộc sống, có tính khả thi cao .

 

Việc ban hành những văn bản như Thông tư 25/2010/TT-BNNPTNT, Thông tư 51/2010/TT-BNNPTNT, 53/2010/TT–BNNPTNT… trong thời gian vừa qua đã gây ra nhiều tranh cãi, bức xúc đối với các DN thủy sản về thủ tục giấy tờ. Bà đánh giá như thế nào về sự việc này, khi thông tư mới ban hành đã gặp nhiều phản ứng cho DN như vậy?

Thực tế hiện nay, ngay khi văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đã thu hút sự quan tâm của các đối tượng chịu sự tác động của các văn bản, đặc biệt là doanh nghiệp. Chúng tôi coi đây là hiện tượng đáng mừng vì như vậy, các doanh nghiệp đã thực sự quan tâm và có những ý kiến phản hồi ngay khi văn bản quy phạm pháp luật vừa được ban hành. Căn cứ vào đó, các cơ quan có thẩm quyền sẽ nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa ngay văn bản, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Chúng tôi hi vọng trong thời gian tới tiếp tục nhận được những phản biện từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có liên quan để chúng tôi tiếp thu, hoàn thiện các văn bản ngay từ khâu xây dựng.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

 

Triển khai Luật Thủy sản qua hội thi

Để Luật Thủy sản đi vào cuộc sống, Hội thi “Nông dân tìm hiểu Luật Thuỷ sản" mới được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hội nông dân tỉnh Thừa Thiên- Huế vừa tổ chức. Có 50 thí sinh đến từ 10 chi hội ND xã Lộc An (huyện Phú Lộc) tham gia. Qua 4 phần thi, chào hỏi, giải đáp pháp luật, xử lý tình huống và tài năng… đã giúp bà con nông dân nâng cao ý thức chấp hành Luật Thuỷ sản, đồng thời biểu dương những nông dân, ngư dân chấp hành tốt, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật. Theo nhận định của ông Hoàng Thăng Long – Trưởng phòng Tư pháp huyện Phú Lộc: “Đây không chỉ đơn thuần là Hội thi mà qua đó, mỗi cán bộ, hội viên nông dân đã trang bị cho mình những kiến thức pháp luật nói chung và Luật Thuỷ sản nói riêng. Mỗi thí sinh là những tuyên truyền viên xuất sắc Luật Thủy sản trong cộng đồng dân cư. Hội thi đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của hội viên ND, góp phần ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội vùng ven biển”.

 

Ngọc Hà

(Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!