Protein thực vật đang ngày càng được dùng nhiều trong thức ăn của tôm, cá, do nguồn cung cấp protein động vật ngày càng ít và giá cao; nhưng chúng lại có nhiều rủi ro bởi độc tố nấm mốc (Mycotoxin) trong thức ăn. Việc cung cấp protein thực vật cho ngành sản xuất thức ăn thủy sản đòi hỏi phải được đánh giá rủi ro cũng như chiến lược bảo vệ thích hợp cho vật nuôi.
Độc tố nấm
Mycotoxin là hợp chất hóa học độc hại được tạo ra bởi nấm mốc bao gồm Aflatoxin, Ochratoxin A, Trichothecenes (DON; T-2; độc tố), Zearalenone, Fumonisin và Moniliformin. Nấm mốc có thể lây nhiễm từ ngũ cốc và hạt có dầu, trong giai đoạn trồng, thu hoạch, chế biến và bảo quản. Trong thời gian sản xuất và sử dụng thức ăn, nếu nhiệt độ và độ ẩm thuận lợi, nấm mốc sẽ phát triển và sinh ra độc tố. Mỗi quần thể nấm phát triển ở những điều kiện khác nhau sẽ sinh ra nhiều loại độc tố.
Độc tố nấm mốc có cấu trúc đa dạng dẫn đến một loạt triệu chứng ảnh hưởng đến vật nuôi. Tác động của độc tố nấm mốc theo ba cơ chế là thay đổi trong hấp thụ, chuyển hóa chất dinh dưỡng; thay đổi nội tiết, chức năng thần kinh và quan trọng nhất là làm suy giảm hệ thống miễn dịch vật nuôi. Tác động của độc tố nấm mốc lên hệ miễn dịch làm cho vật nuôi mắc bệnh truyền nhiễm, dẫn đến giảm năng suất.
Triệu chứng độc tố nấm mốc gây ra ở tôm cá có nhiều nguyên nhân nên rất khó chẩn đoán đúng. Triệu chứng chung, được nhìn thấy khi vật nuôi bị nhiễm độc vừa phải. Biểu hiện sẽ rõ ràng và cụ thể hơn khi bị nhiễm độc tố cao. Ngoài ra, việc chẩn đoán độc tố nấm mốc có thể dựa vào triệu chứng phụ do bệnh cơ hội liên quan sự suy giảm miễn dịch sau khi tiếp xúc độc tố. Để chẩn đoán chính xác tác hại của độc tố đối với tôm cá thì việc dựa vào kinh nghiệm và kết hợp với phân tích mô là rất quan trọng.
Độc tố Aflatoxin
Aflatoxin là chất độc nguy hiểm nhất gây ung thư có trong nấm mốc Aspergillus flavus, được sinh ra cả trong sản xuất và thời gian bảo quản thức ăn, nó có mặt khắp nơi, nhất là vùng khí hậu ẩm ướt.
Dư lượng Aflatoxin ở mức thấp sẽ tích trữ ở mô của vật nuôi, gây độc không chỉ cho vật nuôi mà còn cho người tiêu thụ sản phẩm. Ở một số nước, cơ quan quản lý đã thiết lập giới hạn Aflatoxin trong thức ăn và sản phẩm từ động vật. Quy định các thành phần hoặc chế độ ăn với Aflatoxin vượt quá giới hạn phải được loại bỏ và phá hủy. Aflatoxin là độc tố đầu tiên được điều tra trong nuôi trồng thủy sản. Cũng như ở các loài động vật khác, Aflatoxin gây ung thư trên cá. Theo các kết quả nghiên cứu đã công bố, khi cá ăn thức ăn chứa Aflatoxin B1< 1 ppb (1 phần tỷ) trong thời gian dài có thể gây ra ung thư gan. Tuy nhiên, rất khó xác định mức độ an toàn của độc tố nấm mốc trong thức ăn, vì mức độ gây độc của nó không chỉ phụ thuộc hàm lượng Aflatoxin mà còn phụ thuộc thời gian tiếp xúc, thành phần loài, độ tuổi, chế độ dinh dưỡng và sức khỏe của tôm cá.
Các chất độc khác
Ochratoxin A chưa được nghiên cứu như Aflatoxin trong nuôi trồng thủy sản. Ochratoxin có mặt trong hạt ngũ cốc, hạt có dầu và thường được hình thành trong sản xuất hoặc lưu trữ thức ăn. Ochratoxin A gây tổn thương thận ở vật nuôi và thường được tìm thấy trong vùng khí hậu ấm.
Trichothecenes và Zearalenone được sinh ra ở vùng khí hậu ôn đới từ các loài nấm Fusarium graminearum và Fusarium culmorum. Những độc tố được sinh ra khi trồng, thu hoạch nguyên liệu và trong quá trình lưu trữ thức ăn. Trichothecenes được nghiên cứu sâu do có cấu trúc dạng hợp chất deoxynivalenone (DON); T2; độc tố. Thức ăn có chứa DON làm giảm tăng trọng của cá hồi vân giống và cá tra. Trong tôm nuôi, nồng độ DON 0,2 ppm sẽ giảm tốc độ tăng trưởng đáng kể. Với nồng độ 1 ppm trở lên sẽ gây độc hại cho cá hồi và tôm.
Fumonisin hiện nay là mối quan tâm lớn, bởi nó có trong nấm mốc của ngô. Hơn 25 quốc gia đã có báo cáo ảnh hưởng Fumonisin trong thức ăn và thực phẩm. Fumonisin làm giảm khả năng miễn dịch ở tôm cá, nhất là tôm cá con. Tuy nhiên, do việc kiểm tra và phân tích không được nhanh chóng nên nó ít được phát hiện. Ngoài ra, Moniliformin ngăn cản sự sinh trưởng phát triển của cá tra và mức độ độc sẽ tăng khi thức ăn chứa cả Moniliformin và Fumonisin.
Sử dụng thức ăn có nguyên liệu bị nhiễm nấm mốc ảnh hưởng đến chất lượng thủy sản – Ảnh: Phan Thanh Cường
Cách phòng chống
Một trong những phương pháp hiệu quả trong việc giảm phát tác của độc tố nấm mốc là chất kết dính và hấp phụ. Việc này chỉ thực hiện được nếu nồng độ độc tố dưới giới hạn cho phép. Chất hấp phụ phải kết dính cô lập độc tố, ngăn cản chúng liên kết trong đường tiêu hóa của vật nuôi và đào thải an toàn ra ngoài qua phân. Chất kết dính và hấp phụ độc tố phải đặc, có thể kết dính và hấp thụ được các độc tố khác nhau mà không hấp thu khoáng chất, vitamin và thuốc. Đồng thời, phải không chứa chất gây ô nhiễm và có tính ổn định ở các giá trị pH khác nhau.
Lời kết
Nghiên cứu độc tố nấm mốc trong các loài thủy sản đã chứng minh rằng chúng gây nguy hiểm cho cá tôm về sinh trưởng và phát triển. Cá tôm sẽ tăng nguy cơ tiếp xúc độc tố nấm mốc khi sử dụng nguyên liệu thức ăn từ thực vật. Với sự gia tăng sử dụng nguyên liệu thực vật thì việc đánh giá rủi ro độc tố nấm mốc cũng như các chiến lược phòng chống, nên được áp dụng trong toàn bộ hệ thống sản xuất thủy sản; đặc biệt là các dây chuyền sản xuất từ hệ thống canh tác để chăn nuôi động vật.
>> Ô nhiễm thức ăn và nguyên liệu do độc tố nấm mốc là một thực tế đang gia tăng trên toàn cầu. Chúng là những chất độc vô hình, không mùi, không vị, gây tác hại lớn đến sức khỏe vật nuôi; sự hiện diện của chúng trong thức ăn là một mối đe dọa thường trực cho hoạt động nuôi trồng thủy sản. |
Dương Tử
Theo Daniel Fegan, Allaboutfeed.net
>> Sổ tay “Nuôi cá gia đình” Là tài liệu được tác giả Nguyễn Duy Khoát biên soạn trên cơ sở các quy trình kỹ thuật, các kết quả nghiên cứu thực nghiệm đã được ứng dụng thành công trong sản xuất đại trà, kết hợp với những kinh nghiệm thực tế sáng tạo của phong trào nuôi cá ao và cá lồng tại nhiều gia đình. Cuốn Sổ tay “Nuôi cá gia đình” mang đến cho bạn đọc những kiến thức và hiểu biết, cách phân biệt 12 loại cá dễ nuôi, hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với hình thức nuôi gia đình. Những kỹ thuật được đề cập như: kỹ thuật ương từ cá bột lên cá hương, cá hương lên cá giống; lựa chọn ao ương, kỹ thuật ương… Đặc biệt là kỹ thuật ương cá bằng nước thải (không có chứa chất độc), để tận dụng những nguồn nước thải, vừa giúp giảm ô nhiễm vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Sách do Nhà xuất bản Nông nghiệp phát hành. Tuấn Tú |