T5, 16/05/2024 01:50

Cần thêm chính sách hỗ trợ ngư dân

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo chia sẻ của nhiều ngư dân tại tỉnh Quảng Ngãi, những năm gần đây, hoạt động khai thác thủy sản gặp nhiều bất lợi do nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, giá nhiên liệu cao, lợi nhuận sau mỗi chuyến biển giảm, nên thu nhập của thuyền viên thấp và không ổn định, lực lượng lao động khai thác thủy sản ngày càng thiếu hụt… Chính vì vậy, hơn bao giờ hết ngư dân rất cần những chính sách hỗ trợ kịp thời và hiệu quả hơn nữa, giúp ngư dân vững tin bám biển làm giàu.

Nhiều khó khăn

Thị xã Đức Phổ là một trong những địa phương có đội tàu khai thác thủy sản hùng hậu của tỉnh Quảng Ngãi. Toàn thị xã hiện có gần 1.950 tàu cá, trong đó có 1.319 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên, trong đó có 68 tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU. Có 32 tàu có chiều dài từ 15 m trở lên chưa lắp thiết bị giám sát hành trình. Đây chủ yếu là các tàu hoạt động kém hiệu quả, đang nằm bờ và tàu cá hoạt động ở ngoài tỉnh, nhiều năm không về địa phương. Theo phản ánh của ngư dân địa phương, trong quá trình tham gia khai thác thủy sản, ngư dân cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức.

Cụ thể như: Khi thực hiện Quyết định 48/2010/QĐ-TTg, việc sử dụng cùng lúc 2 loại thiết bị (mới được hưởng hỗ trợ) là VX-1700 và Giám sát hành trình trên tàu cá gặp nhiều khó khăn, quá trình hành nghề nhắn tin nhắn VX-1700 thường xuyên xảy ra các lỗi như: Cháy phối (do nhắn quá nhiều lần), tổng đài không nhận được tin nhắn (thiếu tin đi và tin về), hư hỏng bình Ắc quy do máy VX-1700 tiêu thụ rất nhiều điện, máy VX-1700 hiện nay không bán mới khi xảy ra hỏng hóc sửa chữa chi phí rất lớn.

Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có khoảng 4.240 tàu, thuyền đánh bắt hải sản trên khắp vùng biển của cả nước. Ảnh: Như Đồng

Luồng lạch ra vào cảng, vũng neo đậu tàu thuyền và cửa biển Sa Huỳnh, Mỹ Á hiện nay rất cạn gây khó khăn và nguy hiểm cho việc ra vào cảng cá của các phương tiện, neo đậu không đảm bảo trật tự (cửa biển Sa Huỳnh hiện đang thực việc thi công dự án Đê chắn cát, giảm sóng và nạo vét thông luồng vào khu neo đậu tránh trú bão). Khi về các cửa, cảng biển ở các tỉnh khác ngư dân bị các chủ nậu ép giá cá, tăng tiền nhu yếu phẩm, xăng dầu… ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của địa phương.

Cảng cá nhỏ, lưu lượng tàu cá cập cảng để bán hải sản lớn, vũng neo đậu tàu thuyền Sa Huỳnh chưa bố trí các ụ neo đậu tàu cá, việc sắp xếp neo đậu tàu cá tại cảng Sa Huỳnh hiện nay lộn xộn, dễ xảy ra va chạm giữa các tàu tìm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự tại khu vực cảng. Một số hộ ngư dân nuôi trồng thủy sản tự phát (không đăng ký) tại vũng neo đậu ảnh hưởng đến luồng lạch, vị trí neo đậu tàu cá sau chuyến biển. Tàu cá hoạt động không đúng vùng cho phép (tàu lớn hoạt động trong vùng bờ, lộng) gây ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt của các ngư dân có thuyền thúng máy nhỏ ven bờ. Ngoài ra, tình hình sử dụng chất nổ để đánh bắt, khai thác thủy sản của một số tàu cá ngoài địa phương trên vùng biển ven bờ còn xảy ra gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản của địa phương.

Các tàu cá có chiều dài từ 6 m đến dưới 15 m hoạt động trong ngày liên tục nhưng khi cập cảng đều phải đóng lệ phí hằng ngày. Các chủ tàu cá trên làm ăn không đạt năng suất, chi phí cho chuyến biển cao, mong muốn Ban Quản lý cảng cá thu lệ phí mức giá thấp đỡ chi phí cho ngư dân.

Bên cạnh đó, theo các ngư dân, về thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản cho các loại tàu cá “3 không”, tàu cá gắn máy bộ (Hino), tàu cá chưa đảm bảo các loại giấy tờ thủ tục trên địa bàn không thể đăng ký, đăng kiểm được. Trong khi, chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn còn nhiều hạn chế (chỉ vay được số tiền thấp) không đủ cho ngư dân đóng mới, sửa chữa tàu cá với số tiền lớn (ngư dân hiện nay vay theo diện thế chấp tài sản gia đình tại các ngân hàng).

Kiến nghị tháo gỡ

Trước những khó khăn, bất cập đó, ngư dân kiến nghị cần sử dụng thiết bị giám sát hành trình thay cho việc sử dụng cùng lúc 02 thiết bị VX-1700 và giám sát hành trình tàu cá hiện giảm bớt thủ tục cho ngư dân quá trình hành nghề trên biển được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa.

Có kế hoạch nạo vét, thông luồng cửa biển Mỹ Á để thuận tiện cho tàu cá ra vào cảng và phát triển kinh tế của địa phương. Mở rộng diện tích Cảng cá Sa Huỳnh (nhà phân loại cá) đáp ứng yêu cầu phục vụ cho tàu cá địa phương. Quan tâm, đầu tư sửa chữa hệ thống phòng cháy chữa cháy tại các cảng cá (Mỹ Á, Sa Huỳnh) đảm bảo an toàn cho tàu thuyền về neo trú. Đồng thời, ngư dân cũng đề nghị lắp đặt đèn báo hiệu, bố trí phao luồng từ đê chắn sóng vào trong cảng cá tại các cảng cá Mỹ Á, Sa Huỳnh. Bố trí các ụ neo đậu tàu cá tại cảng Sa Huỳnh và vũng neo đậu Sa Huỳnh để tàu cá sau khi bán cá xong sẽ di chuyển ra khỏi cảng neo đậu.

Đối với các tàu cá hoạt động trên địa bàn có chiều dài từ 6 m đến dưới 15 m (hoạt động trong ngày liên tục) đề nghị Ban Quản lý các Cảng cá thu lệ phí mức giá thấp đỡ chi phí cho ngư dân. Cùng đó, kiến nghị cấp thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản cho các loại tàu cá “3 không”, tàu cá gắn máy bộ (Hino), tàu cá chưa đảm bảo các loại giấy tờ thủ tục trên địa bàn.

Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí lắp đặt thiết thị giám sát hành trình, hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ ngư dân vay vốn nuôi trồng thủy sản, đóng mới, sửa chữa tàu tiếp tục vươn khơi bám biển; có chính sách ổn định giá hải sản cho ngư dân. Các ngành chức năng tăng cường tuần tra và xử lý nghiêm trường hợp tàu cá ngoài địa phương đến sử dụng chất nổ để khai thác thủy sản ở vùng biển ven bờ. Thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra xử lý tàu cá hoạt tàu cá hoạt động trái nghề, tàu cá mất kết nối, vượt ranh giới trên biển và không đảm bảo thủ tục giấy tờ quy định; hỗ trợ ngư dân trong công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn để ngư dân an tâm tiếp tục vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển.

Hải Lý

Tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi với ngư dân diễn ra mới đây, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc mà ngư dân gặp phải trong hoạt động khai thác thủy sản thời gian qua. Các ý kiến, kiến nghị đều rất thiết thực, xác đáng, thể hiện đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của ngư dân. Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận tất cả các ý kiến này, từ đó, tiếp tục kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền Trung ương sớm xem xét, tháo gỡ, ban hành chính sách mới.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!