T2, 06/07/2020 10:36

Cần theo dõi diễn biến thị trường

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong khi doanh nghiệp cho rằng đang thiếu cá tra nguyên liệu thì người nuôi lại khẳng định là không. Ông Võ Hùng Dũng (ảnh), Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Đặc san Vietnam’s Tra, Basa về vấn đề này.

Hiện, có tình trạng thiếu cá tra nguyên liệu không, thưa ông?

Từ đầu năm 2013 đến hết 30/7/2013, diện tích thả nuôi cá tra của Việt Nam đạt 3.568 ha (bằng 84% so cùng kỳ năm 2012); diện tích thu hoạch 1.794 ha (bằng 70,6%); sản lượng 667.803 tấn (bằng 97,6%); năng suất bình quân 372 tấn/ha (năm 2012 là 269 tấn/ha). Diện tích nuôi trồng năm 2013 giảm nhưng năng suất cao hơn nhiều so với năm 2012, khiến nguồn cung trong nước nửa đầu năm 2013 ở mức cao.

Vấn đề ở đây là có thiếu hay không? Các doanh nghiệp vẫn đang giữ cá tồn đọng ở vùng nuôi của mình, ráo riết mua ngoài nhưng với giá không cao. Bên ngoài, người dân không dám bán do doanh nghiệp mua nợ, kéo dài thời gian trả nợ, dẫn đến tình trạng người nuôi cho rằng cá còn nhiều nhưng doanh nghiệp lại kêu thiếu. Mấy tháng nay, diện tích nuôi cá tra đã thu hẹp, sản xuất chững lại, trong khi doanh nghiệp tăng xuất khẩu sang Mỹ, nên nguồn cung bị thiếu và xuất khẩu giảm theo.

Theo Tổng cục Thủy sản, hiện không có hiện tượng tồn đọng cá trong dân. Một số doanh nghiệp có hàng tồn kho nhưng không nhiều. Dù vậy, trong số hơn 70 doanh nghiệp có nhà máy chế biến cá tra, một số doanh nghiệp đang thiếu vốn, hoạt động cầm chừng; có doanh nghiệp giảm 2/3 công suất và 30 – 50% lao động. Xuất hiện hiện tượng mới, đáng báo động: Một số doanh nghiệp tăng xuất khẩu cá tra nguyên con, cá chỉ cắt đầu và nội tạng bán với giá rẻ; một số doanh nghiệp hạ giá bán sản phẩm xuất khẩu rồi quay lại ép giá mua cá nguyên liệu trong nước.

 

Theo ông, vì sao có thông tin trái chiều giữa doanh nghiệp và người nuôi?

Nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp và người nuôi chưa thống nhất và chưa sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro khi giá thị trường biến động. Trong quá trình hợp tác, mâu thuẫn thường xuyên xảy ra làm giảm lòng tin giữa hai bên, ảnh hưởng đến giá trị chuỗi ngành hàng. Khi cá được giá, người nuôi sẵn sàng bán cho công ty nào trả giá cao hơn thay vì thực hiện hợp đồng. Hay ngược lại, khi thừa nguyên liệu, giá cá xuống thấp, doanh nghiệp viện cớ cá không đạt chất lượng, buộc người nuôi phải hạ giá bán. Ngoài ra, trong trường hợp thực hiện được hợp đồng đã ký kết thì việc doanh nghiệp chậm mua hoặc chậm thanh toán cũng gây khó không ít cho người nuôi.

 

Cần hình thành chuỗi liên kết chặt giữa người nuôi, nhà máy chế biến xuất khẩu và sản xuất thức ăn – Ảnh: Lê Hoàng


Thông tin mâu thuẫn như vậy ảnh hưởng thế nào đến người nuôi, thưa ông?

Giá cá tra nguyên liệu không ổn định nên khi thị trường khan hiếm, doanh nghiệp tranh nhau mua, đẩy giá lên cao. Doanh nghiệp không có lãi vì đã ký hợp đồng xuất khẩu với giá thấp nhưng phải mua nguyên liệu giá cao. Sau đó người nuôi chịu thiệt vì mức giá cao này làm cho họ tin sẽ có lợi nhuận, khiến diện tích nuôi tăng, cung vượt cầu.

Trong chuỗi ngành hàng cá tra, những người nuôi nhỏ lẻ luôn thiệt và khó tồn tại lâu dài. Người nuôi cá nhỏ lẻ chỉ hưởng lợi khi nhu cầu nguyên liệu trên thị trường tăng; còn khi nhu cầu thị trường thừa, họ sẽ gặp khó về đầu ra. Bên cạnh đó, việc tiếp cận vốn ngân hàng để đầu tư ao nuôi, chi phí thức ăn hay ký hợp đồng bao tiêu cũng là những trở ngại lớn đối với người nuôi nhỏ lẻ.

 

Tại sao nguyên liệu thiếu nhưng giá cá không tăng và người nuôi không muốn tái đầu tư?

Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đều có vùng nuôi trồng riêng hoặc liên kết với các hộ nông dân nhằm đảm bảo nguồn cung cho mình. Điều này đã gây khó cho những hộ nuôi nhỏ lẻ, vì doanh nghiệp thường giải quyết nguyên liệu của mình trước; nguyên liệu không đủ thì doanh nghiệp mới mua của hộ nuôi. Và người dân bán cá phải liên kết với doanh nghiệp thì doanh nghiệp mới mua, nếu hộ nuôi không bán sẽ mất tiền đầu tư thức ăn hằng ngày nên người nuôi thường chấp nhận lỗ và “bán tống bán tháo”, dẫn đến tình trạng giá cá tra thấp khiến người nuôi thua lỗ kéo dài. Bên cạnh đó, người nuôi không vay được vốn, dù lãi suất đã giảm, nên thời gian tới diện tích nuôi cá tra có thể bị thu hẹp, người nuôi không muốn tái đầu tư.

 

Sản lượng cá tra ĐBSCL 8 tháng đầu năm 2013 giảm mạnh – Ảnh: An Đăng

Như vậy, biện pháp để bình ổn nguyên liệu, để người nuôi yên tâm tái đầu tư vào lúc này, theo ông là gì?

Ngoài việc rà soát lại diện tích, cần khuyến cáo người nuôi chỉ nuôi khi đã có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt là khuyến khích người nuôi và doanh nghiệp thiết lập cơ chế chia sẻ lợi nhuận, chia sẻ rủi ro, hỗ trợ nhau trong sản xuất. Theo tôi, nên có định hướng cụ thể mang tính tổng thể. Hiện nay vấn đề khó là quy hoạch sản xuất cá tra, kiểm soát tổng sản lượng là yêu cầu số một; đồng thời phát triển thị trường để tăng mức cầu. Giải pháp bảo đảm cân đối cung – cầu, có thể đề xuất quota (hạn mức) cho từng tỉnh sản xuất cá tra. Người nuôi cần theo dõi diễn biến thị trường, cung cấp số liệu rõ ràng với UBND tỉnh và Hiệp hội, để thông tin giữa hai bên luôn chính xác, kịp thời, giúp định hướng sản xuất cho cả người nuôi lẫn doanh nghiệp. Ngoài ra, đối với Ngân hàng Nhà nước, đề nghị chính sách cho vay có địa chỉ đối với người nuôi cá và doanh nghiệp xuất khẩu.

 

Với người nuôi cá tra, ông có lời khuyên gì thêm?

Để vực dậy và phát triển bền vững nghề nuôi cá tra, cần hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ giữa người nuôi cá, nhà máy sản xuất thức ăn và nhà máy chế biến xuất khẩu, cùng chia sẻ rủi ro và lợi nhuận trong chuỗi sản xuất. Nếu nông dân nuôi đơn lẻ, giá thành cá nguyên liệu sẽ khoảng 23.000 đồng/kg, nhưng nếu nhà máy cho nuôi gia công hoặc liên kết với nhau thì giá thành chỉ khoảng 21.000 đồng/kg, phù hợp thị trường hiện tại. Các doanh nghiệp này lúc nào cũng có cá nguyên liệu và đáp ứng được nhu cầu thị trường. Đồng thời phải kiểm soát chặt chất lượng con giống, địa điểm, diện tích nuôi cá thương phẩm phải phù hợp quy hoạch nuôi cá tra đã được UBND tỉnh phê duyệt; trước khi thả nuôi, cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải đăng ký diện tích nuôi, thời gian nuôi và sản lượng cá nuôi; đến ngày 31/12/2014 các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải đạt chứng nhận quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt VietGAP hoặc đạt chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế tương đương được Bộ NN&PTNT công nhận.

Vấn đề đặt ra cho ngành cá tra hiện nay là còn thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa người nuôi với doanh nghiệp chế biến, chưa có biện pháp chế tài khi một trong hai bên không thực hiện đúng hợp đồng đã ký.

Trân trọng cảm ơn ông!

>> Sản lượng cá tra ĐBSCL 8 tháng đầu năm 2013 giảm mạnh so cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, Cần Thơ chỉ đạt 62.914 tấn (-23,13%), Đồng Tháp 216.008 tấn (-14,4%), Vĩnh Long 69.016 tấn (-12,3%), Bến Tre 119.000 tấn (-7,8%)…

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!