Thay vì chỉ bắt vần công vào mùa thu hoạch, những năm gần đây, khi nhu cầu về nhân công thu hoạch tôm càng xanh càng lớn đã kéo theo sự xuất hiện của dịch vụ thu hoạch tôm càng xanh thuê. Mô hình này đã thể hiện sự sáng tạo, nét riêng của người nông dân xứ tôm – lúa Kiên Giang.
Các thành viên đội bắt tôm càng xanh thuê Lô A đang phân loại tôm cho người dân xã Đông Yên, huyện An Biên.
Số lượng thành viên của mỗi đội bắt tôm càng xanh thường dao động từ 50-100 người, với trang bị đầy đủ máy sục bùn, lưới kéo, bơm nước rửa tôm, liên kết với thương lái để thu hoạch tôm cho nông dân nuôi tôm càng xanh khi có nhu cầu. Các thành viên trong tổ được phân công từng khâu cụ thể, nam thì kéo lưới, cầm máy sục bùn, bắt tôm, vận chuyển, phụ nữ thì lựa tôm, phân loại, kích cỡ theo hợp đồng thu mua với thương lái.
Anh Trần Văn Hoàng, ngụ ấp Kinh IA, xã Ðông Thái, huyện An Biên (Kiên Giang), cho biết: “Với 1,5ha nuôi tôm càng xanh, nhà tôi thu hoạch 1 vụ khoảng 1 tấn tôm càng xanh. Mỗi lần thu hoạch tốn nhiều nhân công do phải tát cạn vuông, khéo lưới, rồi sụt bùn cho tôm ngộp nổi lên mặt nước, sau đó bắt từng con nên mỗi lần bắt tôm tôi phải mượn từ 15-20 người trong xóm bắt vần công”. Theo anh Hoàng, khâu bắt tôm phải nhanh nhằm tránh tình trạng tôm ngộp lâu bị chết, dẫn đến hao hụt. Những năm gần đây, đa phần lao động địa phương đi làm ăn xa nên việc mượn người bắt tôm rất khó. Từ khi có dịch vụ bắt tôm thuê, anh Hoàng không còn nơm nớp lo sợ không mượn được người.
Khác với thu hoạch tôm sú, tôm thẻ chân trắng, chỉ cần đặt lú là chủ vuông có thể tự thu hoạch, trong khi thu hoạch tôm càng xanh không thể bắt bằng lú mà phải tát cạn vuông và bắt từng con nên tốn nhiều công lao động. Tận mắt chứng kiến đội bắt tôm Lô A thu hoạch tôm tại vuông tôm càng xanh 2ha của anh Nguyễn Văn Trường, ngụ ấp Cái Nước, xã Hưng Yên, huyện An Biên mới đây mới thấy được sự chuyên nghiệp và tận tâm của những người nông dân làm dịch vụ. Tờ mờ sáng, 20 thành viên của đội có mặt tại vuông, phân công nhiệm vụ rõ ràng. 2 người phụ trách cầm máy nổ sục bùn, 4 người kéo lưới, 6 người theo sau bắt tôm, 2 người phụ trách vận chuyển, còn 6 phụ nữ phụ trách rửa tôm, phân loại theo kích cỡ thương lái yêu cầu. Công việc rất nhộn nhịp, khẩn trương. Ðến 10 giờ, 1,3 tấn tôm càng xanh đã được phân loại xong chờ chủ vuông bán cho thương lái. Anh Nguyễn Văn Trường cho biết: “Tôi thuê đội bắt tôm được 2 vụ rồi, anh em bắt tôm rất kỹ, tôm sót rất ít, lại bắt rất nhanh, tôm ít bị hao hụt do ngộp, phân loại đúng theo yêu cầu thương lái, mà công thuê lại rẻ. Dù không phải người nhà nhưng thuê đội bắt tôm càng xanh thuê tôi vẫn an tâm vì tất cả các khâu đã có đội dịch vụ lo”.
Theo tìm hiểu được biết, địa bàn huyện Vĩnh Thuận hiện có hơn 20 đội bắt tôm càng xanh hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ nông dân trong và ngoài huyện thu hoạch tôm quanh năm. Khi vuông tôm càng xanh đến kỳ thu hoạch, chủ vuông sẽ thỏa thuận cùng thương lái về kích cỡ, giá bán, cách phân loại, rồi làm hợp đồng mua bán. Nếu chủ vuông có yêu cầu thương lái sẽ giới thiệu đội bắt tôm thuê, chủ vuông chỉ cần gọi cho đội trưởng đội bắt tôm càng xanh thuê để thỏa thuận ngày giờ, số lượng người bắt, giá cả, cách bắt, kích cỡ theo hợp đồng với thương lái. “Tới ngày thu hoạch chủ vuông chỉ cần bơm cạn nước vuông, còn việc bắt tôm, vận chuyển, phân cỡ, chạy oxy giữ tôm tươi sống đã có đội bắt tôm lo. Chủ vuông chỉ cần ra cân ký và tính tiền bán tôm. Việc thu hoạch tôm càng xanh trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều”, bà Võ Thị Anh Muội, ngụ ấp Hòa Thạnh, xã Vĩnh Bình Bắc (Vĩnh Thuận), đội trưởng đội bắt tôm Lô A nói.
Ðội bắt tôm Lô A của bà Muội có 100 thành viên, hoạt động hơn 3 năm nay. Theo bà Muội, các thành viên trong đội đều là nông dân nuôi tôm càng xanh, tranh thủ lúc mùa vụ nông nhàn hành nghề bắt tôm càng xanh thuê. Do cũng nuôi tôm càng xanh nên thành viên trong đội biết cách bắt, lựa tôm, phân cỡ theo đúng hợp đồng thương lái với chủ vuông, ít làm hao hụt tôm, bắt không sót tôm nên bà con tín nhiệm. Từ chỗ chỉ làm dịch vụ trong xóm ấp, theo thời gian, nhu cầu thu hoạch tôm càng xanh của người dân ngày càng lớn, một số thành viên tập hợp lại thành 1 đội chuyên làm dịch vụ thu hoạch tôm càng xanh thuê và mở rộng địa bàn làm dịch vụ sang các huyện lân cận như An Minh, U Minh Thượng, An Biên.
Ðội bắt tôm Lô A hoạt động quanh năm, bình quân mỗi ngày 100 thành viên của đội có thể thu hoạch được 6ha vuông tôm. Tiền công được trả từ 150.000-200.000 đồng/người tùy địa bàn bắt tôm xa hay gần. Công việc bắt tôm càng xanh thuê cũng khá vất vả. 5 giờ sáng là phải xuống vuông bắt tôm, bất kể nắng mưa, đã nhận là phải làm cho nhanh, cho kỹ để tôm càng xanh ít ngộp, ít hao hụt. “Tôi cũng là người nuôi tôm nên hiểu nỗi cực nhọc của bà con suốt 6-7 tháng mới thu hoạch được tôm. Tôi thường nói với anh em trong đội hãy xem vuông tôm đang thu hoạch là vuông nhà của mình mà tận tâm làm việc. Vuông nào mà trúng, bắt tôm tấn, anh em như vui lây với chủ vuông”, bà Muội nói.
Bài, ảnh: Đặng Linh
Nguồn: Báo Cần Thơ