Với những lợt thế đặc biệt về khí hậu, thổ nhưỡng và địa hình, Cần Thơ hứa hẹn sẽ trở thành vùng trọng điểm nuôi trồng và chế biến thủy sản của cả nước.
Giàu tiềm năng thủy sản
Trên thực tế, địa phương này đang là một trong 4 trung tâm phát triển ngành thủy sản Việt Nam với diện tích nuôi trồng hiện nay là 13.988 ha, có sản lượng 128.021 tấn. Con số này đang không ngừng tăng lên với số liệu ước tính đến cuối năm 2012 là 14.800 ha nuôi trồng, 180.000 tấn sản lượng. Để đáp ứng diện tích nuôi trồng tăng mạnh, diện tích hồ ương cá tra giống cũng được nâng lên thành 2.114 ha, tăng gấp 10 lần so cùng kỳ 2011, chuyển dịch từ phương pháp nuôi ương cá tra thâm canh trên đồng ruộng để thích ứng với yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Hiện toàn thành phố Cần Thơ có 416 hộ nuôi cá tra thâm canh với tổng diện tích thả nuôi 995 ha với sản lượng đạt 109.586 tấn/năm. Năm 2012, giá cá tra biến động có lúc tăng 45 ngàn đồng lên đến 55 ngàn đồng/ký làm người nuôi trồng thủy sản thu lợi nhuận 800 triệu đồng/ha/vụ, tỷ suất lợi nhuận đạt 200%. Điều này trực tiếp giúp diện tích nuôi trồng nhanh chóng mở rộng. Ước tính sản lượng cá tra giống trong 11 tháng đầu năm 2012 là 761 triệu con đủ để cung cấp cho 50% người nuôi trên địa bàn toàn thành phố Cần Thơ, số còn lại bán ra các tỉnh lân cận.
Hướng đến việc trở thành trung tâm cụm nghề cá của cả vùng châu thổ sông Cửu Long, TP. Cần Thơ đã mạnh mẽ triển khai thực hiện 3 dự án khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, xã Thới Hưng, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ; cùng 4 đề án quy mô khác thuộc chương trình “Nông nghiệp công nghệ cao”. Sở NN & PTNT đã chủ động mời Trung tâm Dịch vụ Khoa học Nông nghiệp (Trường Đại học Cần Thơ), Viện Lúa ĐBSCL phối hợp Viện Kiến trúc Quy hoạch Thành phố Cần Thơ làm tư vấn cho các dự án nói trên gồm: Dự án ứng dụng sinh học trong nhân giống, sản xuất các loại rau, củ quả sạch… để phục vụ nội địa; Dự án áp dụng công nghệ sinh học trong nhân giống, nuôi trồng, sản xuất sinh vật cảnh, thiết lập khu sinh vật cảnh; Dự án ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân, sản xuất giống cây con nông nghiệp; Dự án tăng cường cơ giới hóa trong các khâu sản xuất của nền nông nghiệp công nghệ cao. Bằng các chỉ đạo quyết liệt có tính chiến lược và được tính toán cẩn trọng cho dài hạn, Cần Thơ có cơ sở bền vững và khả quan để biến hoạch định thành hiện thực. Điều này không chỉ giúp cho hàng trăm ngàn nông dân, ngư dân có cuộc sống và công việc ổn định, mà còn giúp địa phương tận dụng tối đa nguồn lực hiện hữu, biến ngành nuôi trồng chế biến thủy sản thành mũi nhọn kinh tế của thành phố. Trên thực tế, những năm gần đây, đóng góp của lĩnh vực này vào GDP của Cần Thơ là rất đáng kể. Theo số liệu tạm tính, trong 10 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của địa phương này vào khoảng 400 triệu USD và sẽ còn tăng cao hơn nhiều vào những tháng cuối năm.
Biến tiềm năng thành hiện thực
Tại hội thảo “Ý tưởng quy hoạch TP. Cần Thơ thành Trung tâm Nghề cá vùng ĐBSCL” được tổ chức gần đây, đại diện các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu, đào tạo, các nhà sản xuất đều thống nhất nhận định, Cần Thơ hội đủ các điều kiện để xây dựng thành trung tâm nghề cá của cả vùng ĐBSCL và các ý tưởng nêu trong báo cáo của các đơn vị tư vấn do TS. Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản và PGS. TS. Nguyễn Thanh Phương, Trường Đại học Cần Thơ trình bày, là rất khả thi. Theo TS Võ Văn Dũng, GĐ VCCI chi nhánh Cần Thơ, “khái niệm Trung tâm Nghề cá vùng”.
ĐBSCL nên được tiếp cận theo hướng như là một cụm ngành thủy sản, trong cụm ngành này có trung tâm đặt tại TP. Cần Thơ, có cơ quan điều hành hành chính, đào tạo nguồn nhân lực và kiểm nghiệm hàng hóa. Cần Thơ cũng chỉ nên tập trung vào các việc như phát triển hệ thống hậu cần, đào tạo nguồn nhân lực cao phục vụ cho nghiên cứu chuyển giao công nghệ và xúc tiến thương mại”. Ông Nguyễn Văn Kịch, GĐ Công ty Cafatex cho rằng: “Về góc độ DN, mục đích cuối cùng của việc hình thành Trung tâm Nghề cá là để thúc đẩy thương mại phát triển. Xét theo khía cạnh đó, Cần Thơ hoàn toàn đáp ứng yêu cầu để trở thành Trung tâm Nghề cá của toàn vùng”. Theo thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, việc đầu tư Trung tâm Thủy sản vùng ĐBSCL là hết sức cần thiết và có ý nghĩa đăc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay và quyết định sự phát triển ngành thủy sản trong tương lai. Đây sẽ là “đầu tàu” liên kết với các tỉnh vệ tinh góp phần thúc đẩy phát triển ngành thủy sản toàn khu vực ĐBSCL và cả nước.
Hiện tại, Sở NN & PTNT Cần Thơ cùng các sở ngành liên quan đang tập trung thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng trung tâm sản xuất giống thủy sản. Sở này cũng đề nghị UBND TP. Cần Thơ xem xét tăng mức kinh phí hoạt động khuyến nông gắn với cánh đồng mẫu lớn trong thời gian tới. Cần Thơ phải đầu tư khoảng 12,386 tỷ đồng cho 5 hạng mục công trình để triển khai thực hiện VietGAP trong nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2012 – 2015; Cải tạo, thực hiện công trình kiên cố hóa kênh, mương để khơi thông dòng chảy đem nguồn nước sạch về cho khu vực nuôi trồng thủy sản, nâng cấp các đê bao giáp ranh giữa TP. Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang, nạo vét kênh Đông Pháp, kênh 500 lô 1 – kênh 1; kênh 500 lô 2 chảy thông qua kênh 1; kênh lô 3 chảy qua kênh lô 2… Như thế, ngoài mỹ danh là “thủ phủ miền Tây”, trong vài năm tới đây, Cần Thơ sẽ được biết đến rộng rãi hơn trong tư cách là “vựa thủy sản của Việt Nam”.