(TSVN) – Thông lệ hàng năm Bộ NN&PTNT phối hợp với TP Cần Thơ, An Giang và Đồng Tháp tổ chức thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm bảo vệ, đa dạng thủy sinh vật.
Sáng ngày 1/9 tại quận Thốt Nốt, Bộ NN&PTNT và UBND TP Cần Thơ chủ trì phối hợp với, UBND tỉnh Đồng Tháp, UBND tỉnh An Giang và ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài ngành thủy sản cùng các tăng ni, phật tử và bà con nhân dân trên địa bàn TP Cần Thơ tổ chức Lễ phát động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản liên tỉnh An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, đã thả hơn 1 triệu con cá giống các loại xuống sông Hậu, tương đương khối lượng là 11.250kg.
Hơn 1 triệu con cá giống các loại đã được thả xuống sông Hậu nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Trong đó có nhiều loài thủy sản bản địa quý hiếm về với thiên nhiên như: Cá tra, cá vồ cờ, cá bông lau, cá cóc, cá rô đồng, cá trê vàng, cá hô, cá chạch lấu, lươn, cá mè hôi, cá lăng nha, cá mè vinh, cá hường, cá linh, tôm càng xanh, cá sặc rằn…
Tổng số tiền đợt thả cá lần này trên 661 triệu đồng, trong đó TP. Cần Thơ vận động 491,8 triệu đồng, Sở NN&PTNT tỉnh An Giang đóng góp 100 triệu đồng, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp đóng góp 69,5 triệu đồng.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) cho biết: Hàng năm Bộ NN&PTNT phối hợp với 3 tỉnh, thành phố gồm: An Giang, Cần Thơ và Đồng Tháp tổ chức thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản xuống sông Hậu nhằm bảo vệ, bảo tồn đa dạng thủy sinh vật. Đặc biệt, là các loài quý hiếm, có giá trị kinh tế và xuất khẩu, bảo vệ cảnh quan môi trường và hệ sinh thái thủy sinh vật, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên ở các thủy vực ở khu vực ĐBSCL cũng như cả nước.
Theo kế hoạch, Lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản liên tỉnh An Giang, Cần Thơ và Đồng Tháp trên sông Hậu sẽ được tổ chức liên tục từ năm 2022 đến năm 2025, trong đó các tỉnh sẽ luân phiên đăng cai chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức. Qua đó, góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và giá trị nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học. Đồng thời xác định vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Nhằm mục tiêu hướng tới quản lý nguồn lợi thủy sản một cách hiệu quả hơn, đảm bảo cho nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản một cách bền vững.
Ông Hùng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện một số nội dung sau: trước nhất là tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn các quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản tới các tổ chức, cá nhân, các tăng ni, phật tử và người dân bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với phong tục, tập quán của người dân địa phương. Thứ 2, tăng cường tuần tra, kiểm tra kiểm soát, vận động người dân không sử dụng xung điện, kích điện để đánh bắt thủy sản trên địa bàn tỉnh, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Thứ 3, là tăng cường hướng dẫn cụ thể về danh mục các loài thủy sản khuyến khích thả phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản phù hợp với từng thủy vực trên địa bàn tỉnh; danh mục các loài ngoại lai xâm hại, có nguy cơ xâm hại; hướng dẫn kỹ thuật thả phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản là hoạt động hết sức có ý nghĩa về thực tiễn và giá trị nhân văn. Từ đó đã góp phần tạo chuyển biến về nhận thức, nâng cao ý thức và trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân trong việc bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản vùng ĐBSCL.
Bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản không những góp phần ổn định đời sống, sinh kế của bộ phận ngư dân miền sông nước, mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với việc bảo tồn nguồn gen, bảo vệ sự đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường thủy sinh; làm cho hệ thống sông ngòi ĐBSCL thêm sức sống, môi trường ngày càng sạch hơn, đời sống tinh thần của người dân ngày càng cải thiện hơn, đáp ứng mục tiêu phát triển hệ sinh thái. Bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản phải là việc làm thường xuyên và lâu dài nhằm đảm bảo tính đa dạng sinh học và giữ gìn nguồn tài nguyên vô giá này không chỉ cho thế hệ hôm nay mà cho cả thế hệ con cháu chúng ta mai sau.
Nhân dịp này, trước sự chứng kiến của Bộ NN&PTNT, UBND TP Cần Thơ đã trao cờ luân lưu đăng cai tổ chức thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản liên tỉnh An Giang – Cần Thơ – Đồng Tháp năm 2024 khu vực sông Hậu cho UBND tỉnh Đồng Tháp.
Một số hình ảnh tại buổi lễ:
Lê Hoàng Vũ