Cẩn trọng nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo số liệu báo cáo từ các địa phương, hiện nay diện tích NTTS bị dịch bệnh tăng rất nhanh, gây tổn thất hàng trăm tỷ đồng. Để hạn chế tối đa thiệt hại, ngành nông nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp mạnh.

Theo Bộ NN&PTNT, từ đầu năm 2021 đến nay, tổng diện tích NTTS bị thiệt hại vượt hơn 8.300 ha, trong đó, trên 8.000 ha tôm nuôi, hơn 250 ha cá tra, và một số loài thủy sản khác, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. 

Kết quả giám sát cho thấy nhiều loại bệnh nguy hiểm tiếp tục xuất hiện và nguy cơ lan rộng. Trong đó, bệnh trên tôm nuôi như: đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính, hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô, vi bào tử trùng; các bệnh trên cá tra như: xuất huyết, gan thận mủ… Tuy nhiên, vẫn còn trên 6.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại nhưng không được các cơ quan chuyên môn của địa phương lấy mẫu xét nghiệm, không xác định được nguyên nhân.

Mặt khác, công tác thống kê, báo cáo số liệu dịch bệnh còn nhiều bất cập; công tác điều tra dịch tễ, giám sát chủ động dịch bệnh, quan trắc cảnh báo môi trường chưa được triển khai đồng bộ để kịp thời cảnh báo, ứng phó và phòng chống dịch bệnh có hiệu quả.

Để khắc phục tình trạng này và nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh thủy sản, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương khẩn trương tổ chức triển khai “Kế hoạch quốc gia phòng chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021 – 2030”; tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung và cấp kinh phí bảo đảm triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản; chỉ đạo cơ quan chuyên môn thú y, thủy sản của địa phương, phối hợp với chính quyền cơ sở chủ động bám sát địa bàn, theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh, tổ chức thống kê, báo cáo, đánh giá đúng thực trạng; chấn chỉnh công tác thống kê, báo cáo số liệu dịch bệnh thủy sản.

Cùng với đó, tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống dịch bệnh thủy sản cho người nuôi, đặc biệt là về chất lượng con giống, xử lý nguồn nước, lấy mẫu giám sát xét nghiệm bệnh trong cơ sở nuôi, các biện pháp tiêu độc, khử trùng và xử lý khi có dịch bệnh trong cơ sở, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh…

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!