Cẩn trọng nuôi tôm mùa mưa bão

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thời điểm này, các tỉnh nuôi tôm ở ĐBSCL đang vào cao điểm mùa mưa và theo dự báo, trong các tháng tới sẽ có thêm nhiều đợt bão hay áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng tới khu vực. Do đó, để có vụ nuôi thành công, đòi hỏi người nuôi phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ cũng như phát huy tốt kinh nghiệm đã tích lũy được.

Tin vui từ giá tôm

Về cơ bản, chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là lịch thả giống tôm nước lợ năm 2024 khu vực ĐBSCL sẽ kết thúc. Theo ghi nhận, giá tôm gần đây cũng bắt đầu tăng khá mạnh.

Mùa mưa người nuôi cần bổ sung khoáng đầy đủ cho ao nuôi. Ảnh: XT

Tại tỉnh Trà Vinh, giá TTCT thương phẩm đã tăng thêm 14.000 – 19.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Thẩm, ở xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành, người chuyên thu mua TTCT thương phẩm cho biết, từ cuối tháng 8/2024 đến nay, giá TTCT thương phẩm được mua tại ao đã cao so với tuần trước đó. Cụ thể, tôm sú loại 30 con/kg có giá từ 150.000, tăng 19.000 đồng/kg; loại 40 con/kg có giá 130.000/kg, tăng 14.000 đồng/kg; loại 50 con/kg giá thu mua 110.000 đồng/kg, tăng 8.000 đồng/kg. Đây là mức giá TTCT tăng cao nhất trong vòng 3 tháng qua. Với mức giá này, những ao nuôi thâm canh sẽ có lãi bình quân 15.000 đồng/kg.

Riêng đối với người nuôi TTCT thâm canh ứng dụng công nghệ cao sẽ có lợi nhuận cao hơn, nhờ năng suất đạt đến 50 – 55 tấn/ha. Cụ thể, nếu nuôi TTCT với thời gian từ 5 tháng trở lên đạt kích cỡ 30 con/kg, bán với giá 150.000 đồng/kg như hiện tại sẽ có lãi khoảng 20.000 – 30.000 đồng/kg tôm thương phẩm.

Người nuôi vẫn thận trọng

Giá TTCT cỡ lớn và cỡ trung gần đây đã tăng trở lại, giúp cải thiện đáng kể mức lợi nhuận của người nuôi tôm. Tuy nhiên, giá TTCT cỡ nhỏ chỉ được cải thiện không đáng kể do sức tiêu thụ từ Trung Quốc chưa cao, trong khi đây là thị trường tiêu thụ phần lớn TTCT cỡ nhỏ của Việt Nam. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ chùn tay không dám thả nuôi vụ mới, bởi có quá nhiều thách thức trước mắt để có thể nuôi được tôm về cỡ lớn.

Tại Sóc Trăng, tính đến hết tuần đầu tháng 9, toàn tỉnh chỉ mới thả nuôi trên 44.273 ha, đạt 87% kế hoạch và bằng 96,1% so cùng kỳ; trong đó, diện tích đã thu hoạch là 25.271 ha, với sản lượng ước khoảng 124.238,1 tấn. Hiện Sóc Trăng còn khoảng 16.806 ha tôm nuôi chưa thu hoạch; trong đó, gần 30% là tôm dưới 30 ngày tuổi, trên 40% là tôm trên 60 ngày tuổi và số còn lại tôm giai đoạn 30 – 60 ngày tuổi.

ThS Quách Thị Thanh Bình – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, cho biết: “Hiện chi cục tập trung khuyến cáo người nuôi các giải pháp chăm sóc, để bảo vệ đàn tôm an toàn đến lúc thu hoạch. Đối với 3 tỉnh nuôi tôm trọng điểm trong khu vực là: Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang, do phần lớn diện tích nuôi tôm của 3 tỉnh trên là diện tích nuôi quảng canh, tôm – lúa, tôm – rừng hay quảng canh cải tiến nên đến thời điểm này hầu hết đều đã đạt diện tích thả nuôi theo kế hoạch“.

Thực hiện tốt khuyến cáo

Khó khăn là điều đã được dự báo từ trước, bởi bên cạnh yếu tố bất lợi về thời tiết thì ở vụ nuôi này, người dân phải đối mặt với bệnh do vi bào tử trùng khiến tôm chậm lớn, làm đội giá thành, dễ thua lỗ.

Theo Sở NN&PTNT Sóc Trăng, vụ nghịch rơi vào thời điểm mưa bão nhiều, các yếu tố môi trường ao nuôi sẽ dễ bị biến động, dịch bệnh dễ phát sinh và gây hại tôm nuôi, nhất là bệnh đốm trắng, phân trắng, vi bào tử trùng (EHP) vẫn đang diễn biến rất khó lường. Do đó, muốn thành công, ngoài thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, đòi hỏi người nuôi phải quan tâm, tuân thủ triệt để vấn đề an toàn sinh học, để có những dự báo cũng như biện pháp xử lý phù hợp khi xuất hiện dấu hiệu bất thường.

Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam chia sẻ: “Quan trọng nhất ở vụ nuôi này vẫn là tôm giống vì một khi con giống đã mang mầm bệnh EHP rồi thì dù áp dụng giải pháp gì cũng khó đưa tôm nuôi về đích được. Hiện, bệnh EHP là vấn đề mà người nuôi tôm quan tâm nhất. Bởi bệnh rất dễ xảy ra ở ao đất và cả ao lót bạt, bệnh không làm tôm chết nhanh, chết nhiều, mà làm tôm chậm lớn, tốn kém rất nhiều”.

Trong giai đoạn mùa mưa bão, nắng nóng xảy ra vào buổi sáng, mưa dầm, nhiệt độ hạ thấp vào chiều, tối. Điều này dẫn đến chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm, gây biến động môi trường, rủi ro cao. Ao nuôi thường gặp các hiện tượng tiêu cực như: Sụp tảo, khí độc, giảm pH, thiếu khoáng; các bệnh như hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng, phân trắng, EHP, bệnh đường ruột, mủ đuôi,…

Theo kinh nghiệm của anh Huỳnh Xuân Diện, ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, vào mùa mưa tôm thường hay thiếu khoáng, do đó, người nuôi cần bổ sung hàm lượng khoáng chất thiết yếu cho tôm như canxi, magiê, kali đầy đủ.

Còn theo khuyến cáo của Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, người nuôi nên đo đạc môi trường ao nuôi trước để xử lý hiệu quả, tiết kiệm, tránh tình trạng xử lý mù (xử lý định kỳ) sẽ lãng phí, đôi khi phản tác dụng. Đặc biệt, sau những cơn mưa lớn cần kiểm soát các yếu tố môi trường chặt chẽ, đảm bảo nằm trong ngưỡng sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi như: pH trung bình 7,5, độ kiềm từ 120 mg/L, độ trong 20 – 35 cm, hàm lượng ôxy hòa tan trong nước đảm bảo từ 5 mg/L trở lên. Cần dự trữ các vật tư đầu vào cần thiết trong giai đoạn này như vôi, chế phẩm vi sinh, khoáng lắng tụ, yucca, ôxy viên,… để có thể nhanh chóng xử lý trong các trường hợp cấp bách.

Hiện Chi cục Thủy sản các tỉnh khu vực nuôi tôm ở ĐBSCL tiếp tục chủ động khuyến cáo người dân các giải pháp nhằm quản lý hiệu quả quá trình thả nuôi tôm; triển khai các chương trình giám sát dịch bệnh chủ động và bị động tại vùng nuôi; tăng cường kiểm tra tôm giống nhập tỉnh nhằm xác định tác nhân gây bệnh để thông tin cảnh báo kịp thời đến người nuôi chủ động trong sản xuất. Đẩy mạnh công tác quan trắc môi trường vùng nuôi, khuyến cáo giải pháp ngăn ngừa dịch bệnh trong tôm nuôi.

Về phía người nuôi, cũng nên thường xuyên cập nhật bản tin thời tiết, khí tượng thủy văn, bản tin giá cả thị trường để có thể đưa ra quyết định kịp thời và đúng đắn, nhằm đảm bảo cho vụ nuôi đạt hiệu quả cao nhất.

Theo ông Trần Trường Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT Trà Vinh, ngành nông nghiệp tỉnh luôn khuyến cáo nông dân ở các huyện ven biển không có điều kiện nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao nên chọn giải pháp nuôi tôm rải vụ để hạn chế mức thấp nhất rủi ro thiệt hại do biến đổi thời tiết, môi trường nước diễn biến xấu.

An Xuyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!