Cẩn trọng với bệnh đốm trắng trên tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong 3 năm (2010 – 2012), Hội chứng hoại tử gan tụy cấp (EMS) được xem là nguyên nhân chính gây thiệt hại trên tôm nuôi. Các nhà khoa học xác định được căn nguyên và cơ bản khống chế thành công dịch bệnh này. Nhưng trong vụ tôm năm 2014, bệnh đốm trắng lại trở thành bệnh chính gây chết tôm.

Thiệt hại lớn

Ngay từ đầu năm, người nuôi tôm ĐBSCL đã phải đối diện khó khăn do thời tiết gây ra. Tháng 4 và 5, nền nhiệt độ tăng cao trong ngày và thường xuyên xuất hiện mưa dông trên diện rộng làm môi trường nuôi dễ bị biến động, gây sốc làm tôm yếu, ăn kém hoặc bỏ ăn, giảm sức đề kháng và dễ nhiễm các mầm bệnh trong ao, gây tình trạng tôm chết.

Tại Sóc Trăng, những ngày qua có nhiều đợt mưa lớn, môi trường ao nuôi có nhiều biến động nên diện tích tôm nuôi bị thiệt hại tăng nhanh. Đến nay, diện tích tôm nuôi toàn tỉnh bị thiệt hại 9.757 ha của 11.488 hộ (chiếm 31,43% diện tích thả nuôi). Nguyên nhân chính là do virus đốm trắng. Ngoài ra, một số ao nuôi bị thiệt hại có triệu chứng của bệnh hoại tử gan tụy cấp và biến động các yếu tố môi trường.

Chi cục Nuôi trồng Thủy sản (NTTS) Kiên Giang cho biết: Từ đầu năm đến nay thời tiết ban ngày nắng nóng làm nhiệt độ nước tăng cao; nhiều vuông nuôi bờ bao không đảm bảo kín nước, mực nước trong vuông thấp làm cho tôm bị sốc môi trường, ảnh hưởng đến quá trình phát triển và bị thiệt hại rải rác. Diện tích tôm nuôi bị thiệt hại do bệnh đốm trắng gây ra lên đến 72,22 ha, trong khi thiệt hại do hoại tử gan tụy chỉ 4,77 ha.

Đến hết tháng 5/2014, diện tích nuôi tôm bị bệnh đốm trắng là 5.000 ha – Ảnh: Máy Cày

Cục Thú y cho biết, đến hết tháng 5/2014, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại khoảng 14.000 ha (do dịch bệnh 10.000 ha, do môi trường 4.000 ha), bao gồm diện tích nuôi tôm bị bệnh đốm trắng 5.000 ha, bệnh gan tụy cấp tính 1.700 ha và một số bệnh khác. Dịch bệnh trên tôm nuôi có xu hướng tăng mạnh, diễn biến phức tạp hơn năm ngoái; bệnh đốm trắng gây thiệt hại lớn nhất, tính đến thời điểm này.

 

Quyết khống chế dịch bệnh

Khi nuôi tôm thâm canh ngày càng phát triển, cùng với diễn biến phức tạp của thời tiết, việc phòng chống dịch bệnh tôm ngày càng khó khăn. Các địa phương đang nỗ lực và tập trung mọi nguồn lực phục vụ phòng chống dịch bệnh tôm.

Sở NN&PTNT Bạc Liêu cho biết, địa phương đã chú trọng áp dụng giải pháp nuôi thưa, nuôi rải vụ, nuôi có thời gian nghỉ và nuôi ghép; đồng thời, thường xuyên tọa đàm những vấn đề khó khăn nhất (như hóa chất, kháng sinh, thời tiết, khí hậu…) tại mỗi thời điểm; còn quản lý con giống, vật tư nông nghiệp…

Chi cục NTTS Bạc Liêu cũng cho biết, những năm gần đây tỉnh tập trung nguồn lực thực hiện tốt công tác kiểm dịch giống, coi đây là công tác trọng tâm, đột phá để phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Ngay từ đầu năm 2014, ngành nông nghiệp tỉnh đã lập tổ kiểm dịch tại đầu mối giao thông các huyện An Biên, Vĩnh Thuận, Kiên Lương. Đến nay, đã kiểm dịch nhập tỉnh 1.485 triệu con giống, kiểm dịch hơn 610 triệu con tôm thẻ chân trắng (TTCT) giống, hơn 97 triệu con tôm sú, 5.000 con tôm bố mẹ.

Bên cạnh đó, tỉnh còn thực hiện quan trắc môi trường định kỳ 2 lần/tháng, thu mẫu phân tích 13 chỉ tiêu môi trường nước tại 23 điểm đầu kênh cấp phục vụ NTTS. Tăng cường thanh tra việc chấp hành pháp luật liên quan sản xuất kinh doanh giống, thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong NTTS. Hướng dẫn, yêu cầu các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và nuôi thủy sản khi phát hiện thủy sản có dấu hiệu bất thường hoặc chết phải báo ngay cho cơ quan thú y gần nhất và thông báo cho các hộ xung quanh để có biện pháp phòng chống dịch.

Tại Trà Vinh, theo Chi cục NTTS, từ đầu năm đến nay tỉnh đã tổ chức 97 cuộc hội thảo kỹ thuật với 2.507 người tham dự. Sở NN&PTNT đã chỉ đạo tăng cường 23 cán bộ Chi cục NTTS, Trung tâm Khuyến nông và viên chức xã xuống địa bàn các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú tiếp tục nắm tình hình và tư vấn cho các hộ NTTS…

>> Đến tháng 5/2014, các tỉnh ven biển Nam bộ thả nuôi trên diện tích 432.841 ha (bằng 104% cùng kỳ năm 2013); trong đó, tôm sú 374.025 ha, TTCT 39.838 ha. Số lượng giống thả khoảng 29,6 tỷ con; trong đó 15,7 tỷ con tôm sú và 13,9 tỷ con TTCT. Sản lượng thu hoạch 164.910 tấn (bằng 275,3% cùng kỳ năm 2013).

Thành Công

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!