Cạn vốn nuôi trồng thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Theo Bộ NN&PTNN, hiện cả nước có hơn 50.000 ha nuôi tôm cần phải nuôi lại, và nhiều ao nuôi cá tra bị “treo” bất chấp giá đang ở mức cao, nguyên nhân vẫn là do người dân cạn vốn. Trên thực tế, Chính phủ đã ban hành những quyết định, thông tư hỗ trợ cho ngành nông nghiệp, tuy nhiên, quyết định thì nhiều nhưng người dân không tiếp cận được vì tài sản duy nhất của họ là sổ đỏ đã nằm tại ngân hàng từ nhiều năm trước.

Chính sách thì nhiều…

Có thể nói, trong những năm gần đây, năm nào ngành nông nghiệp cũng nhận được hỗ trợ từ Chính phủ về chính sách hỗ trợ vốn cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Cụ thể, Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/2010. Theo đó, cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có thể được xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản tối đa đến 50 triệu đồng. Cũng với hình thức cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn được xem xét cho vay tối đa đến 200 triệu đồng; hợp tác xã, chủ trang trại được xem xét cho vay tối đa đến 500 triệu đồng. Các đối tượng trên phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với các đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) hoặc được UBND cấp xã xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp.

Ngày 29/9/2010, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 20/2010/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện các biện pháp điều hành công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng và phát triển dịch vụ ngân hàng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Và ngày 16/5/2011, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 65/2011/TT-BTC hướng dẫn về hỗ trợ lãi suất vay vốn và cấp bù chênh lệch lãi suất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thuỷ sản. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2011.

 

Không tiếp cận được nguồn vốn vay, người nông dân gặp khó        Ảnh: Phan Thanh Cường

… nhưng chưa hiệu quả

Ông Hồ Văn Vàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Vĩnh Long cho biết, để giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn, Chính phủ đã có công văn cho phép doanh nghiệp được vay vốn từ các ngân hàng thương mại thông qua sự bảo lãnh tín dụng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), nhưng thực tế,trong số 20 ngân hàng có văn phòng đại diện tại Vĩnh Long, chỉ có 3 ngân hàng chấp nhận cho doanh nghiệp vay và nguồn vốn vay cũng bị hạn chế. “Nếu những quyết định của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư phát triển sản xuất được thực hiện đúng như tinh thần của chúng thì chúng tôi không phải đối diện với khó khăn về nguồn vốn vay như hiện nay”, ông Vàng cho hay.

Còn một thành viên thuộc Hiệp hội Nuôi tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) cho biết, sau khi 5 ha nuôi tôm sú bị chết do dịch bệnh, Tổng cục Thủy sản đã cho phép chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, sau khi giải quyết được khâu dịch bệnh thì vấn đề tiếp theo của hộ dân này là tìm đâu vốn để thả nuôi. “Mấy năm nay, giá tôm luôn ở mức cao, năm sau cao hơn năm trước nhưng giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng khiến chi phí đầu vào đều tăng, để có vốn để mua thức ăn, trả công người làm, cái sổ đỏ đã được tui cầm ngân hàng để lấy tiền nuôi tôm. Cứ tưởng sau một vài vụ là lấy về nhưng đã mấy năm nay vẫn còn ở ngân hàng”, ông này cho biết.

Hiện, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đầu tư song song vùng nuôi riêng và vùng nuôi gia công. Cách làm này vừa tận dụng tốt ưu thế về quản lý, tiết kiệm vốn đầu tư, vừa phát huy được kinh nghiệm nuôi trồng của nông dân. Chính vì vậy, thời gian gần đây, diện tích nuôi cá tra gia công của Đồng Tháp không ngừng gia tăng.

Theo tính toán ông Nguyễn Tôn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thì 1.000 ha nuôi cá tra giá trị kinh tế thu về bằng 100.000 ha trồng lúa. Do đó, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có quy hoạch phát triển 3.000 ha nuôi cá tra, thay vì 1.000 ha nuôi như hiện  nay.

UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, nếu so với trước đây, đề án quy hoạch nuôi cá tra đạt con số 3.000 ha khó thực hiện được vì sự liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến chưa chặt chẽ. Tuy nhiên, sau khi mô hình nuôi gia công được hình thành đã triệt tiêu những nhược điểm nói trên thì Đồng Tháp tăng diện tích nuôi cá tra lên gấp 3 lần hiện tại là có cơ sở thành công. Cách làm này giúp người nuôi và nhà chế biến phải có trách nhiệm với nhau. Hai bên hợp tác phát triển bền vững vì lúc này lợi ích được chia đều.

Trước thành công của mô hình nuôi gia công của con cá tra, nhiều nông dân nuôi tôm tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau cũng đang tính đến chuyện liên kết với doanh nghiệp để nuôi gia công. Đây cũng là cách làm cần thiết để ngành nuôi tôm phát triển bền vững hơn và quan trọng hơn là người dân có thể sống được với nghề thay vì trắng tay sau mỗi khi gặp dịch bệnh.

>> Trong khi chính sách hỗ trợ thì nhiều nhưng hiệu quả đem lại chưa như ý muốn của người làm chính sách lẫn người dân thì cách giải quyết thích hợp cho vấn đề này là nuôi gia công. Cái lợi của nuôi gia công là người dân có đất, có công còn doanh nghiệp có vốn, sự kết hợp này sẽ giúp ngành nuôi trồng thủy sản phát triển tốt hơn, bền vững hơn. Và phần nào thể hiện được tinh thần của Quyết định 80 về liên kết 4 nhà, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà băng.

Nguyễn Khởi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!