(TSVN) – Ngành xuất khẩu tôm hùm tươi sống trị giá 454 triệu USD của Canada tại thị trường Trung Quốc đang lên phương án ứng phó với các yêu cầu hải quan mới của Trung Quốc trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang bùng phát tại quốc gia này.
Các biện pháp truy xuất nguồn gốc bổ sung của Trung Quốc, được gọi là Nghị định 248 và 249, chính thức có hiệu lực vào tháng 1/2022 đối với tất cả các loại thực phẩm đông lạnh nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc. Đối với các hãng tôm hùm Canada, chính sách mới này thực sự là một trở ngại khiến họ phải đau đầu tìm giải pháp ứng phó.
Theo đó, các biện pháp mới yêu cầu ghi nhãn sản phẩm bằng tiếng Trung Quốc và mã nhận dạng bên ngoài cũng như bên trong bao bì, đồng thời đăng ký trực tuyến trên Hệ thống đăng ký doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm Trung Quốc (CIFER) của Hải quan Trung Quốc.
Tôm hùm sống không bắt buộc phải đăng ký trên hệ thống CIFER; tuy nhiên nhiều chuyên gia dự báo Trung Quốc sẽ sớm thực hiện yêu cầu này trong tương lai. Ảnh: MSC
Trong cuộc họp báo ngày 25/5, Cơ quan kiểm tra thực phẩm Canada (CFIA) cho biết ngành công nghiệp thực phẩm nước này đang ghi nhận hàng loạt vấn đề liên quan đến chứng từ thông quan hàng hóa tại thị trường Trung Quốc. Một số doanh nghiệp Canada gặp sự cố tại cửa khẩu hoặc cảng biển tại Trung Quốc do khâu đăng ký của họ thiếu thông tin hoặc họ có nhiều tài khoản và đăng kí khiến thủ tục giấy tờ không khớp với thông tin trên hệ thống của CIFER. Nhiều doanh nghiệp Canada đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình cập nhật tài khoản và thông tin đăng ký.
Cho đến nay, những quy định mới chỉ áp dụng cho thủy sản chế biến như sản phẩm chín hoặc đông lạnh. Tuy nhiên vào tuần trước, Hiệp hội Tôm hùm Canada đã phải khẩn cấp thông báo tới toàn bộ thành viên của Hiệp hội về thực trạng cũng như giải pháp ứng phó với những vướng mắc khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Chủ tịch Hiệp hội tôm hùm Canada, ông Geof Irivine cho rằng các hãng xuất khẩu sản phẩm tôm hùm sống không bắt buộc phải đăng ký trên hệ thống CIFER; tuy nhiên ông dự báo Trung Quốc sẽ sớm yêu cầu các hãng xuất khẩu sản phẩm tươi sống phải đăng ký trên hệ thống CIFER trong tương lai và yêu cầu các thành viên của Hiệp hội tôm hùm Canada phải sẵn sàng ứng phó nếu tình huống này xảy ra.
Cũng theo ông Irvine, hầu hết các công ty chế biến và vận chuyển tôm hùm sống tại Canada đã thuê người giải quyết các vấn đề kỹ thuật này. Thực tế vẫn có trục trặc xảy ra; tuy nhiên, cho đến nay, các hãng tôm hùm Canada đang điều chỉnh dù còn lo ngại nguy cơ bị giữ hàng tại Trung Quốc do không đáp ứng được yêu cầu của Hải quan.
Ông Osborne Burke, Chủ tịch Hiệp hội thủy sản Nova Scotia, kiêm Tổng giám đốc Hợp tác xã Victoria – đơn vị xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ chế biến sang Trung Quốc, cho biết gần đây Công ty ông đã hủy 2 lô hàng mua từ một nhà chế biến khác vì đơn vị này chưa bổ sung nhãn sản phẩm bằng tiếng Trung Quốc bên trong bao bì trong khi việc mở từng gói hàng để dán nhãn lại là điều không thể. Theo ông Osborne Burke, khi gặp phải vấn đề này thì hàng hóa sẽ bị hải quan Trung Quốc giữ lại. Đây cũng là một trong những mối lo ngại lớn nhất mà các chủ doanh nghiệp thủy sản như Osborne Burke đang phải đối mặt. Ông cho biết các quy định mới của Trung Quốc rất khó hiểu và khiến doanh nghiệp Canada rối tung bởi họ cũng không nắm rõ Hải quan Trung Quốc đang thực sự yêu cầu những gì.
Trong khi đó, hãng xuất khẩu tôm hùm sống Tangier Lobster tại Nova Scotia cũng đang lo ngại tác động của các đợt phong tỏa COVID-19 vẫn đang diễn ra ở Trung Quốc và nguy cơ hủy chuyến bay từ Halifax. Ông Stewart Lamont, nhân viên xuất nhập khẩu của công ty cho biết các quy định mới của Hải quan Trung Quốc khiến công ty phải thận trọng và dè dặt hơn trong các quyết định bán và giao hàng. Theo ông Irvine trong cuộc họp với quan chức CFIA mới đây, Cơ quan kiểm tra thực phẩm Canada chưa nhận được bất kỳ chi đạo rõ ràng nào từ phía Hải quan Trung Quốc, đặc biệt là với hàng thủy sản tươi sống.
Dũng Nguyên
Theo Seafoodnews