Năm 2010, cảng cá Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) được Chính phủ đầu tư kinh phí xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền trong khu vực và phát triển hạ tầng nghề cá địa phương. Nhưng hiệu quả đầu tư còn hạn chế, bởi nhiều bất ổn đang diễn ra.
Theo Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, tổng số tàu thuyền toàn huyện có 2.395 chiếc với 455.931 CV; các tàu thuyền của địa phương chủ yếu hành nghề khai thác cá ngừ đại dương, câu mực hoặc lưới vây ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, DK1. Sản lượng hải sản mua bán thông qua cảng cá Tam Quan trung bình trên 10.000 tấn/năm. Vì vậy, hằng ngày lưu lượng tàu cá có nhu cầu ra vào cảng neo đậu, trung chuyển hàng hóa, sản phẩm và tiếp nhiên liệu rất lớn. Trong khi đó, sức chứa của khu neo đậu tàu thuyền Tam Quan chỉ khoảng 1.200 chiếc, khiến cảng luôn trong tình trạng quá tải.
Tàu thuyền neo đậu chen chúc tại cảng cá Tam Quan
Khó khăn nhất là thời điểm đầu hoặc giữa mỗi tháng âm lịch, thời điểm thủy triều lên, do lượng tàu thuyền chen chúc nhau xuất bến ra khơi đánh bắt cũng như lượng tàu cá vào khu neo đậu để bán sản phẩm, tiếp nhiên liệu đông đúc; trong khi, khu neo đậu quá chật hẹp dẫn đến nhiều chủ tàu tranh chấp vị trí neo đậu rồi xảy ra cãi vã, xô xát nhau. Nguy hại hơn, khi ra khơi, trên mỗi tàu cá chuẩn bị hàng ngàn lít dầu diezel cùng một số vật dụng khác rất dễ bén lửa như gas, bình ắc quy, xốp…, nhưng công tác phòng cháy chữa cháy tại khu neo đậu chưa được chủ tàu quan tâm đúng mức nên nguy cơ hỏa hoạn rất cao.
Một khó khăn khác đang diễn ra tại cảng cá Tam Quan là mỗi ngày có hàng trăm lượt tàu cá địa phương và các vùng phụ cận vào bán hải sản, tiếp nhiên liệu và lấy vật tư. Thế nhưng hệ thống dịch vụ hậu cần (như cơ sở chế biến, kho lạnh…) tại khu neo đậu vừa thiếu vừa không đảm bảo nên mỗi lần tàu thuyền về bán sản phẩm thì xe vận chuyển, thu mua sản phẩm ra vào cảng đều thực hiện luôn việc sơ chế, ướp đá tại chỗ. Tất cả đồ thải đọng tạo thành những vũng nước đen đặc, bốc mùi hôi tanh rất khó chịu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Theo thống kê của ngành chức năng, dọc theo hai bên khu neo đậu tàu thuyền của cảng cá Tam Quan hiện có 9 cơ sở thu mua cá ngừ đại dương (trong đó có 3 doanh nghiệp và 6 cơ sở thu mua nhỏ của tư nhân); trên 30 cơ sở sản xuất đá lạnh nhưng hầu hết đều không có bể xử lý nước thải. Do vậy, tất cả rác thải, nước thải chưa qua xử lý đều được xả trực tiếp xuống khu neo đậu càng khiến môi trường cảng cá ô nhiễm.
Ông Phạm Văn Chung, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Trước tình trạng quá tải ở khu neo đậu và vấn nạn cát bồi lấp cửa biển ra vào cảng cá Tam Quan, UBND huyện Hoài Nhơn đã báo cáo UBND tỉnh và các ngành chức năng có biện pháp giúp địa phương khảo sát, nghiên cứu đầu tư xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá tại Tam Quan, tạo thuận lợi cho ngư dân an tâm sản xuất”.
>> Do biến đổi khí hậu nên cửa biển, luồng lạch ra vào cảng cá Tam Quan thường xuyên bị cát bồi lấp khiến tàu thuyền ra vào khó khăn. Cùng đó, hệ thống dịch vụ hậu cần không đảm bảo, thiếu nơi tập kết thủy sản… đang gây nhiều khó khăn cho ngư dân. |