Cạnh tranh thị trường tôm ngày càng gay gắt

Chưa có đánh giá về bài viết

Đánh giá từ nhiều góc độ của các chuyên gia thị trường, doanh nghiệp trong và ngoài nước cho thấy, thị trường tôm thế giới hiện nay đang diễn ra sự cạnh tranh lớn.

Tôm thẻ chân trắng vẫn “nóng”

Theo VASEP, sản lượng tôm thẻ chân trắng đang tăng siêu tốc. Năm 2014, sản lượng từ 2,7 triệu tấn đã tăng lên 3,05 triệu tấn. Trong khi đó sản lượng tôm sú giảm từ 743.000 tấn xuống còn 643.800 tấn. Việt Nam vẫn là nước sản xuất tôm sú lớn nhất với sản lượng 300.000 tấn, tuy không sút giảm nhưng cũng không có dấu hiệu tăng sản lượng.

Năm 2014, tôm đạt mức 10 USD/kg, trong khi đó giai đoạn 2010 – 2013 giá chỉ 6 – 8 USD/kg. Một trong những nguyên nhân đó là Thái Lan đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh tôm. Bên cạnh đó, nhu cầu về tôm có xu hướng ngày càng tăng trên khắp các thị trường.

Tuy vậy, năm 2015 ngành tôm thế giới gặp nhiều khó khăn, đặc biệt giá tôm giảm mạnh, thậm chí thấp hơn giá thành. Giám đốc một công ty xuất khẩu tôm cho rằng nguyên nhân chính là do năm ngoái tôm được giá nên việc nuôi thả tôm thẻ chân trắng tăng đột biến, dẫn đến hậu quả tôm cũ chưa tiêu thụ hết mà tôm vụ mới đã tràn thị trường. Bên cạnh đó, do biến động tỷ giá ngoại tệ mạnh cũng làm cho xuất khẩu nhiều nước gặp khó.

Tôm Việt Nam hiện có giá bán cao hơn so với các nước khác – Ảnh: Huy Hùng

 

Bão hòa nhu cầu tiêu thụ?

 Thị trường tôm thế giới ngày càng được mở rộng, song lượng tiêu thụ tôm ở các thị trường chính hầu như không biến động nhiều.

Năm 2014, Nhật tiêu thụ 19%, Mỹ 27%, EU 17% Trung Quốc 10%, Úc 4%, Hàn Quốc 8%, các thị trường khác chỉ 15%. Sang đầu năm 2015 thì thị trường Nhật có xu hướng ổn định chiếm 20%, trong khí Mỹ chỉ còn chiếm 20%, EU tăng nhẹ chiếm 19%, Trung Quốc cũng tăng lên 12%.

Mỗi thị trường có sự tham gia xuất khẩu của nhiều nước và sản lượng cạnh tranh mạnh, đơn cử thị trường Nhật có Việt Nam, Thái Lan, Indonesi, Ấn Độ và Trung Quốc cùng tham gia xuất khẩu. Hay thị trường Mỹ thì có thêm Ecuador, Thị trường EU có thêm Argentina, Bangladesh. Mỗi thị trường này đều có nhiều mức độ phân cấp sản phẩm với nhiều mức giá khác nhau. Bởi vậy, việc tiêu thụ phụ thuộc khá nhiều vào tình hình kinh tế cũng như uy tín thương hiệu.

Nhìn chung, giới nghiên cứu lưu ý thị trường đang dần bão hòa. Nghiên cứu của Phạm Hữu An cho thấy tổng nhập khẩu tôm của Nhật năm 2014 đã giảm 100.000 tấn so với một thập kỷ trước đó và nhập khẩu tôm chế biến của Nhật trong năm 2014 giảm 20% so với năm 2013. Tuy vậy nét lạc quan là thị trường Mỹ vẫn hấp dẫn ngành tôm với nhập khẩu năm 2014 tăng 12% về khối lượng và 26% về giá trị so với trước đó. Xuất khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ tăng 28% so với năm 2013.

 

Thế mạnh của Việt Nam

Giám đốc thu mua thủy sản của Công ty Uhrenhlt nhận xét rằng ngành tôm Ấn Độ đang thiếu công nhân lành nghề cũng như vấn đề kiểm nghiệm và điều này chắc chắn đòi hỏi họ phải đầu tư nâng cấp hạ tầng. Dĩ nhiên, giá thành tôm Ấn Độ cũng sẽ phải tăng dần lên theo thời gian. Tôm Trung Quốc gặp trở ngại về thuế khi khả năng ký FTA của họ không cao, do đó xu hướng sẽ là giảm nhập khẩu nhiều hơn là tăng trưởng xuất khẩu. Thái Lan thì vẫn vướng vào dịch bệnh và quá trình đàm phán FTA chậm chạp. Tổng quan lại thì tôm Việt Nam vẫn chiếm ưu thế về mặt thị trường với lợi thế 3.000km bờ biển, nhân lực lao động trình độ cao, hệ thống quản lý chất lượng ngày càng tốt, lực lượng trí thức công nghệ dồi dào. Có thể nói, Việt Nam luôn có khả năng đáp ứng được hầu hết những yêu cầu khắt khe mà các thị trường đề ra. Điều này giúp tôm Việt Nam nhanh chóng vượt qua những thời điểm khó khăn.

Hạn chế của ngành tôm Việt Nam hiện nay, theo các nhà nghiên cứu quốc tế, thì chủ yếu làm nằm ở khâu quản lý. Đơn cử như việc bơm tạp chất vào tôm sú, tuy xảy ra chỉ trên tôm sú và rất ít khi xảy ra nhưng ảnh hưởng nhiều đến uy tín thương hiệu. Vấn đề dư lượng kháng sinh cũng vậy, chỉ xảy ra ở những vùng nuôi trồng thiếu kiểm soát và sản phẩm được cung cấp bởi các thương lái nhỏ. Song hậu quả của nó lại khiến cả ngành tôm phải hứng chịu.

Theo các nhà nghiên cứu thị trường thì Việt Nam rất cần siết chặt quản lý việc thu gom và cung ứng tôm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Việc đầu nậu thao túng và tham gia vào công đoạn cung cấp tôm nguyên liệu, qua đó tuồn vào nhà mày những sản phẩm không đủ chất lượng là điều không thể chấp nhận. Nhà nước Việt Nam cũng đang đưa ra những dự thảo về việc làm rõ các vùng tôm nguyên liệu của từng nhà máy cũng như quy trình cung cấp tôm nguyên liệu cho các nhà máy. Nếu những quy trình này được thực hiện thì vấn đề xuất xứ tôm nguyên liệu của các nhà máy sẽ được quản lý chặt chẽ hơn nhiều.

>> Tôm Việt Nam hiện đang bán có giá cao hơn các nước khác 1 – 2 USD/kg, chủ yếu nhờ vào uy tín thương hiệu của mình. Hiện, trên thế giới chỉ Việt Nam có 13 doanh nghiệp được chứng nhận BAP 4 sao, trong khi Trung Quốc chỉ có 2 doanh nghiệp, còn Indonesia, Bangladesh hay Ecuador thì chưa có doanh nghiệp nào.

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!