(TSVN) – Nhiều quan điểm cho rằng, đại dương rất rộng và sâu nên những tác động của việc xả thải xuống biển sẽ chỉ gây hậu quả rất nhỏ. Nhưng điều này đã được chứng minh là không đúng.
Cả bốn đại dương đều phải gánh chịu những hậu quả từ con người trong hàng nghìn năm nay, tốc độ tàn phá đại dương đã tăng mạnh trong vài thập kỷ gần đây. Cuộc sống của đại dương đang “hấp hối” và hậu quả là toàn bộ hệ sinh thái biển đang bị đe dọa chỉ đơn giản bởi các nguồn ô nhiễm bên cạnh sự nóng lên toàn cầu. Đến nay, ô nhiễm môi trường biển và đại dương đang được báo động đỏ, bởi tình trạng ô nhiễm nguồn nước thải ra biển đang tiến triển rất nhanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sống dưới biển, bên cạnh việc xả rác, chất thải rắn, thì còn có hiện tượng rò rỉ dầu hay các sự cố tràn dầu của các tàu thuyền chiếm 50% nguyên nhân gây ra ô nhiễm biển. Đó chính là những rào cản, những thách thức to lớn để nền kinh tế biển có thể chuyển từ “nâu sang xanh lam”.
Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành đã chỉ rõ những thách thức đặt ra khi chúng ra chỉ chú trọng vào khai thác trong suốt thời gian dài trước đó. Nghị quyết cũng khẳng định ý nghĩa chiến lược sống còn và đường lối phát triển kinh tế biển của nước ta trong thế kỷ này. Điều này đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII vừa qua khẳng định. Song, chiến lược cần được cụ thể hóa bằng chính sách thích hợp, vì vậy, Quốc hội Khóa XV cần có thêm nhiều đại biểu của giới khoa học và công nghệ về biển nhằm góp phần cụ thể hóa chiến lược này để đạt được những mục tiêu mà Nghị quyết đề ra.
Mới đây, Chính phủ cũng đã ra Nghị quyết số 26/NQ-CP ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW. Kế hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra 6 nội dung, giải pháp về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ; về phát triển kinh tế biển, ven biển; về nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; về khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển; về môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.
NC