Cấp bách bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Hiện, tổng trữ lượng hải sản biển của nước ta ước khoảng 5,1 triệu tấn, tương ứng với khả năng khai thác cho phép khoảng 2,1 triệu tấn. Trong khi đó, năng lực đánh bắt của cả nước lên đến 2,27 triệu tấn/năm, vượt quá giới hạn khai thác bền vững.

Vấn nạn khai thác cạn kiệt

Theo Tổng cục Thủy sản, hiện nay, khoảng 80% tàu thuyền tập trung khai thác ở vùng nước ven bờ trong khi vùng này chỉ chiếm khoảng 11% diện tích vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam. Hiện, sản lượng khai thác bền vững ở vùng nước có độ sâu lớn hơn 50m ước tính đạt khoảng 0,6 triệu tấn/năm trong khi sản lượng khai thác ven bờ đạt khoảng 1,1 triệu tấn/năm.

Trong giai đoạn 2001 – 2010, tổng số tàu thuyền máy KTTS tăng từ 74.495 chiếc lên 128.449 chiếc, tốc độ tăng bình quân 6,2%/năm; tổng công suất máy tàu tăng nhanh với tốc độ 7,1%/năm. Nhóm tàu dưới 20 CV tăng khá nhanh, đạt tốc độ 7,7%/năm, điều này càng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi ven bờ. Trong khi tổng sản lượng khai thác chỉ tăng 3,8%/năm. Số liệu tàu thuyền và tổng công suất tăng nhanh, nhưng tổng sản lượng khai thác tăng chậm. Điều đó làm cho NLTS không tái tạo kịp bởi tốc độ khai thác quá lớn dẫn tới việc suy giảm nguồn lợi. Một số đối tượng thủy sản bị khai thác quá mức đã giảm đi đáng kể hoặc hầu như cạn kiệt.

Hiện nay, năng lực đánh bắt của cả nước đã vượt quá giới hạn khai thác bền vững – Ảnh: Hải Đăng

Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp tới NLTS bị khai thác quá mức, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái là phương thức khai thác hủy diệt. Nhiều tàu thuyền của ngư dân dùng phương pháp khai thác có tính chất hủy diệt như dùng nguồn điện cao áp từ 1.000 – 1.500W cho đèn pha sáng dưới mặt nước, sử dụng xung điện, chất nổ trong hoạt động đánh bắt thủy hải sản… số lượng tàu thuyền đánh bắt trong vùng cấm; sử dụng ngư cụ có mắt lưới nhỏ, khai thác vào mùa thủy sản sinh sản… Điều này khiến NLTS có nguy cơ cạn kiệt. Trong khi đó, việc xử phạt chưa đủ sức răn đe.

 

Giải pháp cấp thiết

Trước tình trạng KTTS đã vượt quá giới hạn khai thác bền vững, công tác bảo vệ và gia tăng NLTS càng trở nên bức thiết. Theo Tổng cục Thủy sản, các hoạt động bảo vệ NLTS hiện nay nhằm vào việc: Quản lý và kiểm soát cường lực đánh bắt; thiết lập các khu bảo tồn; tái tạo, phục hồi và phát triển NLTS…

Đối với những vùng có nguy cơ cạn kiệt, sẽ quy định tạm ngừng khai thác. Khu vực cấm khai thác được xác định thông qua nghiên cứu phân bố của trứng cá và cá non trong vùng biển nghiên cứu, có thể là vùng sinh sản hoặc vùng ương nuôi của các loài hải sản.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Vũ Văn Tám nhấn mạnh, để nghề KTTS phát triển bền vững cần đẩy mạnh công tác ngư trường và dự báo ngư trường, các thông tin nghề cá giúp ngư dân khai thác có hiệu quả tránh tình trạng cạn kiệt NLTS.

Cục KT&BVNL đã thực hiện phân tuyến, phân vùng đánh bắt trên các vùng biển, các vùng biển nội địa. Đến nay đã có 80% tổng số tàu cá lắp máy công suất từ 20 CV trở lên được cấp phép khai thác. Bên cạnh đó, hoạt động bảo tồn thủy sản trong 5 năm qua đã thu hiệu quả. Việc thả giống thủy sản vào môi trường tự nhiên cũng góp phần làm tăng mật độ quần thể của các giống thủy sản đã bị khai thác quá giới hạn cho phép. Hoạt động này đã trở thành phong trào mạnh mẽ của Hội Nghề cá Việt Nam và nhiều địa phương trên cả nước.

>> Các cấp ngành quản lý cần đẩy mạnh tuyên truyền, quản lý chất liệu nổ hay tuần tra, xử lý nghiêm các vi phạm, nhằm hạn chế việc khai thác hủy diệt; Tăng cường mở rộng hợp tác khu vực và quốc tế để trao đổi thông tin về khoa học công nghệ và thị trường để phục vụ nghề khai thác.

Vũ Mưa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!