THỨ BA, ngày 28/1/2025

Cấp bách giảm thiểu rác thải nhựa đại dương

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ô nhiễm rác thải nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn của thế kỷ đối với môi trường toàn cầu. Những dự báo cho thấy, đến năm 2050, đại dương sẽ có thể có nhiều rác thải nhựa hơn cá. Việc giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đang trở thành vấn đề cấp bách ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Vì vậy, cần có giải pháp, lộ trình và hành động cụ thể.

Đại dương đang bị “tổn thương” nghiêm trọng

Theo Báo cáo của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) về thực trạng rác thải nhựa đại dương, mỗi năm có khoảng từ 19 – 23 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển, trong đó, phần lớn là sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Rác này chiếm tới 60% nguyên nhân gây ô nhiễm đại dương. Ô nhiễm nhựa trên đại dương cũng bắt nguồn từ ngành đánh bắt cá, các hoạt động hàng hải và nuôi trồng thủy sản. Dưới tác động của bức xạ tia cực tím, gió, dòng chảy và các yếu tố tự nhiên khác, nhựa bị phân hủy thành các hạt nhỏ được gọi là hạt vi nhựa hoặc nano nhựa. Kích thước nhỏ khiến chúng dễ dàng bị các sinh vật biển vô tình ăn phải. Ô nhiễm nhựa đại dương đã tác động đến sự sống của các loài sinh vật biển như rùa biển, cá voi, chim biển, cá, rạn san hô và vô số loài sinh vật biển và môi trường sống khác.

Báo cáo của WWF cho biết, 88% các loài sinh vật biển mà tổ chức này nghiên cứu bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm nhựa rất nghiêm trọng. Ít nhất có 2.144 loài phải sống trong môi trường ô nhiễm nhựa. Báo cáo cũng dự đoán sản lượng nhựa sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040, khiến lượng rác thải nhựa trên đại dương tăng gấp 4 lần. Hiện mỗi năm có khoảng 14 triệu tấn rác thải nhựa trôi ra đại dương.

Chu trình sản phẩm nhựa và nơi công nghệ bức xạ có thể cải thiện hiệu quả thu hồi. Nguồn: Cục Năng lượng nguyên tử

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định, biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Tuy vậy, biển và đại dương hiện nay đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng; điển hình nhất là ô nhiễm rác thải, chiếm tỷ trọng lớn và phân hủy lâu nhất là rác thải nhựa. Do đó, ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, đã trở thành vấn đề cấp bách ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Giảm thiểu chất thải từ nhựa đã trở thành yêu cầu cấp bách ngay lúc này.

Hành động của Việt Nam

Năm 2017, Việt Nam chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc về chất thải nhựa và vi nhựa đại dương. Năm 2018, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở Canada, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào chống chất thải nhựa trên toàn quốc, nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp và các cá nhân đã có nhiều hành động thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả để chống, giảm thiểu chất thải nhựa.

Theo Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký phê duyệt, mục tiêu đến năm 2025, sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh. Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp sản xuất, phân phối các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy chuyển sang sản xuất, phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường; đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi xả rác thải nhựa, ngư cụ, sản phẩm nhựa thải bỏ ra môi trường biển và đại dương đối với các doanh nghiệp, cư dân ven biển, ngư dân, thủy thủ, khách du lịch biển.

Thông tin từ Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, qua rà soát một số mô hình kiểm soát rác thải nhựa ra biển tại một số quốc gia trên thế giới và các tỉnh/thành của Việt Nam, có thể thấy; việc xây dựng mô hình kiểm soát rác thải nhựa ra biển phải phù hợp với thực tế phân loại, thu gom rác thải tại địa phương (cấp xã, huyện) và phụ thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị thu gom, phân loại; thực tế xử lý chất thải trên địa bàn xã, huyện; năng lực (nhân lực và nguồn lực tài chính) của địa phương. Để mô hình kiểm soát đi vào hoạt động trong thực tế, cần có sự phối hợp tham gia của các cấp chính quyền tại địa phương (huyện, xã), có sự tham gia của tổ, đội thu gom và nhận được sự ủng hộ, sẵn sàng tham gia các hoạt động đồng quản lý rác thải của người dân. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa, chung tay phòng chống và giảm thiểu rác thải nhựa; vận động người dân tích cực phân loại rác tại hộ gia đình; thực hiện các biện pháp thu gom, tái sử dụng, tái chế các sản phẩm từ nhựa và túi nilon khó phân hủy; thay đổi thói quen sử dụng túi nilon bằng các vật liệu hữu cơ thân thiện môi trường trong việc mua bán sản phẩm, hàng hóa trong đời sống hàng ngày.

Ứng dụng công nghệ hạt nhân xử lý rác thải nhựa

Năm 2020, Sáng kiến ứng dụng công nghệ hạt nhân trong kiểm soát ô nhiễm rác thải nhựa (NUTEC Plastics) của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã được khởi xướng; nhằm nâng cao hiểu biết về tác động của ô nhiễm rác thải nhựa đại dương và đưa ra giải pháp ứng dụng công nghệ hạt nhân trong xử lý chất thải nhựa. IAEA đã xây dựng các phương pháp tiếp cận chiến lược theo 4 giai đoạn cho các giải pháp xử lý rác thải nhựa. Một trong những cách tiếp cận chiến lược đó là ứng dụng công nghệ hạt nhân, đặc biệt là công nghệ bức xạ để cải tiến việc tái chế chất thải nhựa và hỗ trợ phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, có thể phân hủy sinh học thay cho các sản phẩm nhựa có nguồn gốc từ dầu mỏ. Đây là cách tiếp cận nhằm giảm khối lượng chất thải nhựa trên toàn thế giới và ngăn không cho chúng tiếp cận với môi trường biển. Bên cạnh đó là chiến lược ứng dụng kỹ thuật hạt nhân để định lượng ô nhiễm vi nhựa biển cũng như để đánh giá tác động đối với các hệ sinh thái biển. Cách tiếp cận chiến lược khác là phát triển mạng lưới giám sát nhựa toàn cầu, trong đó có mục tiêu nâng cao năng lực các phòng thí nghiệm hàng hải.

Kể từ khi được khởi xướng, Sáng kiến NUTEC Plastics đã huy động được gần 4,5 triệu EUR từ các quốc gia thành viên IAEA để hỗ trợ 78 quốc gia. Hiện nay, đã có 55 Phòng thí nghiệm trong Mạng lưới giám sát của NUTEC Plastics trên toàn cầu.

Theo thông tin từ Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ, những lợi thế chính trong tái chế chất thải nhựa mà công nghệ bức xạ mang lại bao gồm: (1) Tăng cường các đặc tính cơ học và hiệu suất của vật liệu hoặc hỗn hợp vật liệu thu hồi, chủ yếu thông qua liên kết chéo hoặc thông qua sửa đổi cấu trúc bề mặt của các pha khác nhau được kết hợp với nhau; (2) Tác động hoặc tăng cường sự phân hủy polyme, đặc biệt là thông qua quá trình cắt chuỗi, dẫn đến thu hồi hỗn hợp hoặc bột có trọng lượng phân tử thấp có thể sử dụng làm nguyên liệu hoặc phụ gia hóa học; (3) Sản xuất vật liệu cao phân tử tương thích với môi trường.

Các nghiên cứu và thực tế chứng minh rằng, công nghệ bức xạ có thể áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực vật liệu xây dựng thông qua việc sửa đổi cấu trúc và tính chất của polyme, điều chỉnh hiệu suất khối hoặc bề mặt vật liệu. Bằng cách phá vỡ các polyme nhựa không đủ chất lượng thành các thành phần nhỏ hơn, công nghệ bức xạ tạo ra các sản phẩm nhựa mới từ chất thải nhựa, kéo dài vòng đời sử dụng, giúp giảm thiểu chất thải công nghiệp. Chính vì vậy, ứng dụng công nghệ bức xạ để xử lý chất thải nhựa ngày càng được quan tâm trên thế giới và được đánh giá là lựa chọn tối ưu đối với Việt Nam.

>> Trong Kế hoạch Hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu cắt giảm 50% rác thải nhựa đại dương vào năm 2025 và 75% vào năm 2030. Một số biện pháp đã được đưa ra như lệnh cấm sẽ được áp dụng đối với việc sản xuất và nhập khẩu túi nilon sử dụng trong nước vào năm 2026 và hầu hết các sản phẩm nhựa dùng một lần vào năm 2031.

Hải Lý

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!