Cấp bách tháo gỡ vướng mắc trong sản xuất tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong 8 tháng năm 2021, ngành tôm Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu bất thường, đặc biệt tác động của đại dịch COVID-19 đến các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu, người nuôi gặp nhiều khó khăn trong lưu thông hàng hóa phục vụ cho nuôi trồng và chế biến xuất khẩu. Đáng quan tâm nhất là giá bán tôm thương phẩm hiện nay tại nhiều địa phương đang giảm sâu.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, từ đầu tháng 7, tại miền Nam các cơ sở sản xuất tôm đã chủ động giảm sản lượng từ 30 – 40%, đến 15/8 các cơ sở giảm sản lượng 50%, thậm chí tạm dừng hoạt động. Hiện các doanh nghiệp không giảm giá bán tôm giống, thay vào đó hỗ trợ tôm giống từ 50 – 100%. Dự báo với số lượng tôm bố mẹ hiện có thì có thể sản xuất được khoảng từ 7 – 10 tỷ con/tháng. Tại các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc tiêu thụ tôm hiện bị đình trệ. Nguyên nhân do hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiêu thụ phải thực hiện giãn cách hoặc phải đóng cửa; thiếu người, phương tiện vận chuyển, thu mua, cung ứng vật tư sản xuất do yêu cầu kiểm soát người và phương tiện từ các vùng dịch đều bị cách ly, nên rất khó đáp ứng kịp thời và phát sinh tăng chi phí. Một số nhà máy chế biến tôm phải dừng hoạt động hoặc thực hiện “3 tại chỗ” nên công suất giảm. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ đứt gãy sản xuất của ngành hàng này đang hiện hữu trong khi nhu cầu tôm trên thế giới vẫn tăng.

Tại diễn đàn bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn ngành tôm trong tình hình dịch COVID-19 do Tổng cục Thủy sản và Hội Nghề cá Việt Nam phối hợp tổ chức bằng hình thức trực tuyến mới đây, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, hiện việc vận chuyển tôm về nhà máy cũng rất khó khăn. Tiêu thụ khó, bà con sẽ không thả tôm nuôi cho vụ sau. Trong khi tháng 10 – 12 tới là thời điểm có nhu cầu tôm cao trên thị trường, khi hết giãn cách xã hội thì sẽ thiếu hụt nguyên liệu nghiêm trọng. Theo ông Quang, hiện giá tôm lớn bán tốt, nhu cầu cao. Để tăng công suất nhà máy thì tăng cường chế biến tôm cỡ lớn. Cụ thể giá tôm cỡ từ 10 – 30 con/kg tiêu thụ rất tốt, giá cũng tốt nên bà con nên yên tâm, không nên lo ngại; người dân không nên dừng nuôi mà giảm mật độ nuôi, nuôi tôm cỡ lớn, để thu hoạch chậm nhất trong tháng 11, kịp chế biến bán cho thị trường châu Âu cuối năm. 

Ảnh minh họa

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau kiến nghị: “Ngành nông nghiệp 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL đã có đầu mối kết nối để tháo gỡ khó khăn nhưng không giải quyết được nhiều vì liên quan nhiều ngành khác. Tổng cục Thủy sản nên tham mưu Bộ NN&PTNT có văn bản với địa phương có biện pháp phòng, chống dịch, mà vẫn linh hoạt trong sản xuất”. 

Bà Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng thì kiến nghị, cơ quan quản lý cần có giải pháp hữu hiệu hơn trong quản lý giá thức ăn; xem xét, kiến nghị giảm tiền điện cho người nuôi tôm cho phù hợp, từ 10 – 30%, để một phần bù đắp khó khăn cho sản xuất. Đồng thời có các chương trình vay vốn, quỹ tín dụng cho các nhà máy chế biến, nhà cung ứng vật tư đầu vào để có sự hỗ trợ về giá đối với người nuôi.

Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Phạm Anh Tuấn thông tin, hiện nay có hai vấn đề vướng mắc là giao thông và lao động, nếu tháo gỡ được sẽ thích ứng được với dịch bệnh, mở ra cơ hội tiếp tục sản xuất. Đó là, ở từng địa phương, các doanh nghiệp phải chủ động đề xuất cụ thể với chính quyền về những vấn đề của mình, cả về giao thông lẫn lao động. Dựa trên cơ sở đó, Tổng cục Thủy sản có thể đưa ra những kiến nghị chung ở tầm cao hơn. Từ đó, giúp Chính phủ và các địa phương có hướng xử lý phù hợp hơn vì đôi khi chính quyền không nắm rõ được vấn đề chuyên môn. Ngoài ra, Tổng cục có thể thành lập đường dây nóng để tổng hợp, lắng nghe những vướng mắc của các doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, từ đó hỗ trợ giải quyết kịp thời. Ông Tuấn nhận định thêm, nếu nhìn vào góc độ nhu cầu, có thể thấy thị trường đang cần và từ giờ đến cuối năm nhu cầu tiêu thụ tôm sẽ quay trở lại. Do đó, khuyến cáo người dân phải có quy trình nuôi tôm thích hợp để phù hợp với tình hình, ví dụ như trong thâm canh cần thả thưa hơn để giảm rủi ro, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, thời gian tới Tổng cục Thủy sản và Bộ NN&PTNT cần tổng kết lại việc giãn cách để có ứng phó chuyên nghiệp, đầy đủ hơn, từ đó có giải pháp hợp lý hơn cho sản xuất trong thời gian tới. Các giải pháp như “3 tại chỗ”, “1 cung đường – 2 điểm đến”… nên để doanh nghiệp lựa chọn theo tình hình địa phương, điều kiện mới. Không nên để theo hình thức bắt buộc, khiến khó khăn trong hoạt động chung, doanh nghiệp không chủ động, cũng không nâng cao được tinh thần trách nhiệm chống dịch…

An Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!