(TSVN) – Ngay sau khi nhận được công điện khẩn của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc chống IUU để đón Đoàn thanh tra EC vào tháng 10/2023, các địa phương đã gấp rút triển khai và thực hiện các biện pháp mạnh để quyết tâm gỡ “thẻ vàng” theo chỉ đạo của Bộ trưởng. Tuy trong quá trình triển khai có nhiều bất cập, nhưng các cơ quan chức năng vẫn đang nỗ lực tìm giải pháp hiệu quả nhất để “thẻ vàng” EC sớm được gỡ bỏ.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh Nguyễn Minh Sơn, tỉnh Quảng Ninh có trên 6.000 tàu cá. Tàu hoạt động vùng khơi đã đăng ký, cấp phép khai thác thủy sản và cấp chứng nhận an toàn thực phẩm đạt 100%. Tất cả tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên được cập nhật thông tin vào phần mềm cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase); 100% tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS).
Lực lượng chức năng kiểm tra tàu cá vi phạm tại Quảng Ninh. Ảnh: ST
Thực hiện chống khai thác IUU, Quảng Ninh đã kiểm tra, kiểm soát tàu cá cập và rời cảng theo đúng quy định. Tính riêng trong 7 tháng, toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 317 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước 4,28 tỷ đồng. Tình trạng đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản và việc kết nối VMS trên tàu đang được gấp rút kiểm tra và xử lý.
Tại Thanh Hóa hiện có trên 6.240 tàu cá tham gia khai thác thủy sản trên biển, trong đó có trên 1140 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên khai thác thủy sản vùng khơi. 6 tháng đầu năm, Chi cục Thủy sản Thanh Hóa đã chủ trì phối hợp với lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát nhiều chuyến trên biển và cửa sông, cửa lạch, cảng cá. Qua kiểm tra có 22 tàu cá vi phạm, đã xử phạt hành chính gần 400 triệu đồng.
Mặc dù các cấp, ngành, địa phương Thanh Hóa đã đẩy mạnh tuyên truyền, yêu cầu ngư dân tuân thủ các quy định của pháp luật trong khai thác thủy sản. Tuy nhiên, qua kiểm tra tại các cảng cá cho thấy nhiều tàu cá vẫn còn vi phạm các lỗi như: không khai báo khi cập cảng và rời cảng, thiếu ghi chép nhật ký khai thác, không bật thiết bị giám sát hành trình, có tới 30% tàu cá quá hạn đăng kiểm… Đặc biệt, sau nhiều năm Thanh Hóa không có tàu cá trong danh sách vi phạm IUU của Bộ NN&PTNT, thì mới đây, đã có tàu cá của ngư dân Thanh Hóa khai thác trái phép tại vùng biển quốc gia khác bị bắt giữ và xử phạt.
Hay như tại Quảng Bình, thời gian qua, Chi cục Thủy sản Quảng Bình đã xử phạt 15 chủ tàu cá vi phạm quy định về giám sát hành trình tàu cá, tổng tiền phạt 360 triệu đồng. Mặc dù lực lượng Thanh tra chuyên ngành thủy sản tỉnh Quảng Bình đã có nhiều cố gắng trong công tác phòng, chống khai thác bất hợp pháp, xử lý vi phạm và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo, nhưng tình trạng vi phạm trong khai thác vẫn diễn ra. Qua theo dõi, đánh giá, tại Quảng Bình, có 3 lỗi IUU trong diện EC đưa ra cảnh báo là vi phạm vùng biển nước ngoài, khai báo chưa đầy đủ nhật ký khai thác và sản lượng qua cảng.
Tại Cà Mau, Chi cục Thủy sản Cà Mau cho biết, hiện trên địa bàn huyện Trần Văn Thời chưa thực hiện đạt yêu cầu đối với hồ sơ số hóa của những tàu cá mất tín hiệu kết nối từ 10 ngày trở lên; vẫn còn tình trạng tàu cá ra biển hoạt động khi hết hạn giấy phép khai thác. Xuất hiện tình trạng mua bán tàu cá nhưng không thực hiện các thủ tục sang tên, đổi chủ. Việc thống kê, khai báo sản lượng thủy sản còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Công tác thực thi pháp luật còn thấp so với số vụ vi phạm, nhất là xử phạt liên quan đến tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài (kể cả phát hiện vượt ranh giới trên biển), tàu cá mất tín hiệu kết nối ngoài khơi từ 10 ngày trở lên do đây là nội dung EC quan tâm nhất để khắc phục tình trạng tàu cá khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài.
Để chuẩn bị cho tiến độ gỡ “thẻ vàng” IUU, một số địa phương có biển đã thực hiện phối hợp trong quản lý tàu cá và chống khai thác bất hợp pháp. Điển hình như UBND tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản thống nhất ký kết quy chế phối hợp giữa tỉnh Bình Thuận và Bình Định trong quản lý tàu cá, chống khai thác IUU.
Theo đó, quy chế này quy định nguyên tắc, nội dung và các mối quan hệ phối hợp giữa UBND hai tỉnh trong quản lý tàu cá, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Nhằm thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên tàu cá của tỉnh này xuất, nhập bến trên địa bàn tỉnh kia và hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp trên các vùng biển.
Thông qua quy chế này, hai tỉnh có nhiệm vụ trao đổi, thông báo tình hình có liên quan như tàu cá, chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên của tỉnh này hoạt động tại tỉnh kia và ngược lại.
Cùng đó, hai tỉnh thông báo cho nhau số lượng tàu cá của tỉnh này hoạt động, kết quả quản lý, đăng kí, đăng kiểm tàu cá, thông tin nghề khai thác, mua bán tàu cá giữa hai tỉnh, chuyển hạn ngạch giấy phép khai thác hải sản, diễn biến, kết quả xử lý vụ việc có liên quan đến tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp, vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.
Ngoài ra, trao đổi về tình hình xử lý số đối tượng, tổ chức, cá nhân có hành vi môi giới đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác. Các vụ việc liên quan đến thiên tai, tai nạn trên biển và tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Tương tự, 6 tỉnh, thành phố: Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh đã thực hiện ký kết quy chế tăng cường phối hợp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm khai thác bất hợp pháp IUU.
Thành lập lực lượng kiểm ngư địa phương là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách. Ảnh: TTXVN
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng còn nhiều vi phạm trong khai thác trên là do tại các địa phương ven biển chưa có một tổ chức chuyên môn thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển như lực lượng Kiểm ngư. Vì vậy, để gỡ thẻ vàng IUU thì công tác chống khai thác IUU và thành lập lực lượng Kiểm ngư là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách hiện nay.
Tại Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định về việc phê duyệt Đề án thành lập Kiểm ngư tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, việc thành lập Kiểm ngư tỉnh Thanh Hóa nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển, vùng nước nội địa thuộc phạm vi quản lý và trên địa bàn tỉnh.
Năm 2023, UBND tỉnh Thanh Hóa thành lập Kiểm ngư tỉnh Thanh Hóa trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại các phòng ban, trạm thuộc Chi cục Thủy sản trực thuộc Sở NN&PTNT, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật Thủy sản 2017 và các quy định của pháp luật có liên quan trong lĩnh vực thủy sản nhằm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và góp phần phát triển thủy sản bền vững và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Đến năm 2030, tăng cường lực lượng Kiểm ngư tỉnh Thanh Hóa mạnh về nhân lực, trang thiết bị, phương tiện hoạt động.
Hay như Sở NN&PTNT Quảng Bình đã xây dựng đề án thành lập Phòng Kiểm ngư thuộc Chi cục Thủy sản và tổ chức lấy ý kiến của các sở, ngành và địa phương liên quan để điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện đề án. Dự thảo đề án thành lập Phòng Kiểm ngư trên cơ sở tách chức năng, nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về khai thác và bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản từ các phòng chuyên môn thuộc Chi cục Thủy sản Quảng Bình, đồng thời bổ sung thêm nhiệm vụ kiểm ngư theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 cũng đã được cơ quan có thẩm quyền trình UBND tỉnh. Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã thảo luận và thống nhất báo cáo xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình về thành lập Phòng Kiểm ngư thuộc Chi cục Thủy sản tỉnh.
Mặc dù đã có chủ trương, đề án thành lập kiểm ngư nhưng việc có đủ nhân sự, phương tiện để đi vào hoạt động tại các địa phương thì còn rất khó. Áp lực gỡ thẻ vàng IUU đang rất lớn, đòi hỏi các tỉnh ven biển cần có những cơ chế phù hợp để cùng cả nước sớm vượt qua.
Anh Vũ
>> Ngày 3/8/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã gửi Công điện khẩn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hành động quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ trước mắt, các giải pháp trọng tâm chống khai thác IUU, chuẩn bị kỹ kế hoạch, nội dung làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4, phấn đấu mục tiêu đến tháng 10/2023 gỡ cảnh báo “thẻ vàng”. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển khẩn trương thành lập Kiểm ngư địa phương; phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng ngăn chặn, xử lý không để tàu cá địa phương vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.