Vừa qua, trong lúc tham gia khai thác thủy sản, ngư dân Lê Anh Dũng bất ngờ gặp nạn và được các cán bộ, nhân viên y tế tàu KN 267, Chi đội Kiểm ngư số 2, cấp cứu kịp thời; sau khi sức khỏe ổn định đã tiếp tục trở lại tàu cá.
Tổ cứu thương Tàu KN 267 đang tiến hành cấp cứu cho ngư dân Lê Anh Dũng.
Trước đó vào lúc 18 giờ ngày 14/6, tại vùng biển giáp ranh đường phân định thềm lục địa Việt Nam – Indonesia, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tàu cá BV 92555 TS có 1 lao động bị dây cáp văng vào miệng trong quá trình làm việc. Khi nhận được tin báo, 30 phút sau tàu KN 267 đã nhanh chóng cập mạn và đưa ngư dân bị nạn sang sơ cứu, khâu vết thương. Lúc 22 giờ cùng ngày, ngư dân Dũng sức khỏe ổn định được đưa trở lại tàu cá để tiếp tục mưu sinh.
Tàu cá BV 92555 TS do ông Hồ Thanh Phi làm thuyền trưởng, trú tại thôn Phước Tân, xã Phước Tĩnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trên tàu có 12 ngư dân hành nghề giã cào. Tàu cá BV 92555 TS hiện vẫn tiếp tục khai thác tại vùng biển của Việt Nam, tàu KN267 thường xuyên liên lạc, hướng dẫn ngư trường đánh bắt và cách điều trị cho ngư dân.
Tương tự anh Dũng, năm 2018, Chi đội Kiểm ngư số 2 đã kịp thời cứu giúp nhiều ngư dân bị nạn trong quá trình đánh bắt trên biển. Gần đây nhất, sáng 30/11, tàu KN 267 thuộc Chi đội Kiểm ngư số 2 đã đưa ngư dân Nguyễn Văn Dũng (29 tuổi, là thuyền viên tàu cá) bị nạn trên biển về TP.Vũng Tàu an toàn. Trước đó, ngày 28/11, khi đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát ngư trường trên vùng biển phía Nam, tàu KN 267 nhận được thông tin cứu nạn của tàu cá BV 5325 TS về việc thuyền viên Nguyễn Văn Dũng bị dây cua roa cuốn làm rách nách, vết thương ăn sâu vào cơ thể. Tàu KN 267 đã nhanh chóng tiếp cận tàu cá và tiến hành sơ cứu, sau đó đưa ngư dân Nguyễn Văn Dũng vào bờ tiếp tục điều trị vết thương. “Gắn bó với nghề biển gần 7 năm, đây là lần đầu tiên tôi bị tai nạn nặng như vậy. Thật may mắn, tôi được nhân viên y tế của tàu Kiểm ngư có mặt kịp thời băng bó vết thương và tận tình chăm sóc trong quá trình đưa vào bờ”, ngư dân Nguyễn Văn Dũng nói.
Bà Nguyễn Thị Tý (ngụ xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền), chủ tàu cá BV 5325 TS bày tỏ: “Mỗi lần đánh bắt trên biển, thấy tàu của lực lượng kiểm ngư, chúng tôi cảm thấy rất yên tâm. Không chỉ tàu kiểm ngư, nhiều lực lượng khác cũng luôn sát cánh, hỗ trợ kịp thời ngư dân trong quá trình bám biển mưu sinh, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.
Ngoài vụ việc trên, tính trong tháng 11/2018, khi đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát ngư trường tại khu vực vùng biển phía Nam, 3 tàu của Chi đội Kiểm ngư số 2 gồm: KN 209, KN 266 và KN 268 đã cứu chữa 5 ngư dân của 4 tàu cá bị nạn trong quá trình đánh bắt trên biển. Trong đó, riêng tàu KN 268 trong ngày 20/11 đã tiếp nhận và điều trị cho 2 ngư dân tàu cá BV 92756 TS gồm: ông Võ Văn Dinh (52 tuổi, ngụ tại xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, bị gẫy xương đòn và vết thương hở ở lông mày trái) và ông Nguyễn Văn Lấn (43 tuổi, ngụ tại xã Phước Hưng, huyện Long Điền, bị vết thương hở trên gò má trái). Đồng thời, khám và cấp thuốc uống miễn phí ông Nguyễn Văn Thiết (ngụ tại tỉnh Bình Thuận), thuyền viên tàu cá KG 60661 TS bị viêm răng cấp tính, sưng phù hai mắt.
Chia sẻ về nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn phương tiện, ngư dân trên biển, ông Nguyễn Hữu Hà, Thuyền trưởng tàu KN 267 cho biết, công việc này thường diễn ra trong điều kiện thời tiết hết sức phức tạp, sóng to, gió lớn và trong đêm tối, chỉ sơ sảy một chút là có thể mất an toàn cho bản thân người cứu hộ cũng như tàu, ngư dân bị nạn. Nhiều trường hợp thuyền viên bị thương nặng không thể tự đi lại được, nhân viên y tế phải sử dụng cáng hoặc cõng từ tàu cá sang tàu kiểm ngư để được cấp cứu, chăm sóc, phục hồi sức khỏe hoặc đưa vào bờ tiếp tục điều trị, đòi hỏi các thao tác phải vô cùng cẩn trọng.