Cấp thiết bảo vệ nguồn nguyên liệu sản xuất nước mắm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngày 15/12/2021, tại Hà Nội, Hiệp hội Nước mắm Việt Nam đã phối hợp với Hội Nghề cá Việt Nam, Viện Nghiên cứu hải sản tổ chức Hội thảo “Bảo vệ nguồn cá để phát triển bền vững ngành sản xuất nước mắm ở Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, nước mắm đã là một loại gia vị đặc biệt, luôn hiện hữu trong món ăn hàng ngày của người Việt. Cùng với tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ giúp nước mắm Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng và sử dụng hàng ngày. Theo thống kê, hiện nay Việt Nam có 783 cơ sở sản xuất nước mắm; 1.500 hộ nông dân tham gia sản xuất nước mắm và 35 cơ sở sản xuất nước mắm xuất khẩu. Nguồn nguyên liệu sản xuất nước mắm chủ yếu là loại cá thuộc nhóm cá nổi nhỏ như cá biển (gồm các loài cá cơm, nục, trích…) và cá đồng (chủ yếu cá linh ở ĐBSCL). Nguồn cá biển có thể thu được từ các ngư trường dọc các tỉnh duyên hải từ Vịnh Bắc bộ, miền Trung đến vịnh Thái Lan. Nguồn cá đồng như cá linh thì tập trung nhiều ở tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An. Tuy nhiên, nguồn lợi thủy sản Việt Nam, trong đó có nguồn cá làm nước mắm đang có dấu hiệu suy giảm mạnh theo thời gian. Do đó, Thứ trưởng yêu cầu Hiệp hội nước mắm Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam, Viện Nghiên cứu hải sản, cùng các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và đại diện các doanh nghiệp đánh giá kỹ nguồn lợi và các biện pháp bảo vệ, phát triển bền vững nguồn nguyên liệu cá làm nước mắm ở Việt Nam.

Theo TS Vũ Việt Hà, Trưởng phòng Nghiên cứu nguồn lợi (Viện Nghiên cứu hải sản) để bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi hải sản, cần sử dụng các loài cá có giá trị dinh dưỡng khác để làm nguyên liệu sản xuất nước mắm, thay thế cho nguồn lợi cá cơm đang bị suy giảm. Đặc biệt là nghiên cứu đặc điểm sinh học của các loài hải sản, xác định vị trí các bãi đẻ, bãi giống hải sản, xác định mùa sinh sản để làm cơ sở cho việc bảo vệ nguồn lợi (cấm hoặc hạn chế khai thác có thời hạn). Áp dụng nhật ký khai thác, truy xuất nguồn gốc điện tử trong khai thác, bảo quản và sản xuất cá…

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng cần có yêu cầu về áp dụng nhật ký khai thác, truy xuất nguồn gốc điện tử trong khai thác, bảo quản và sản xuất cá. Đặc biệt, cấm nghề và ngư cụ khai thác mang tính hủy diệt, hỗ trợ chuyển đổi sang nghề khác phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế của địa phương. Thường xuyên tổ chức các hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi, bù lại nguồn lợi đã bị mất trong quá trình khai thác.

Cũng tại Hội thảo, Hội Nghề cá Việt Nam và Hiệp hội Nước mắm Việt Nam đã công bố ký kết kế hoạch phối hợp hành động về tăng cường trao đổi thông tin, nâng cao ý thức trong việc đảm bảo sản xuất đưa ra thị trường các sản phẩm nước mắm đạt tiêu chuẩn an toàn chất lượng; triển khai phong trào “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; nghiên cứu ứng dụng các biện pháp ngăn ngừa, phòng chống hàng giả, góp phần bảo vệ thương hiệu Việt Nam; hỗ trợ ngư dân, hội viên nghề cá sản xuất, chế biến, kinh doanh nước mắm…

Trần Tiến

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!