Cấp thiết chuyển đổi nghề giã cào cho ngư dân

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Chuyển đổi nghề cho ngư dân từ khai thác thủy sản tận diệt sang ngành nghề khác, nhằm bảo vệ bền vững nguồn lợi thủy, hải sản là vấn đề được các ngành chức năng nhiều tỉnh nỗ lực thực hiện. Tuy nhiên, do không ít nguyên nhân, việc chuyển đổi nghề đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn.

Nhiều địa phương vào cuộc 

“Lọc nước lấy cá” là cách nói ví von của ngư dân đối với nghề giã cào hay còn gọi là nghề lưới kéo. Kiểu đánh bắt tận diệt này khiến cho sinh vật tầng đáy bị hủy diệt, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt… Từ năm 2014, Bộ NN&PTNT đã cảnh báo về tác hại của nghề giã cào và chỉ đạo các địa phương không cấp phép, cải hoán đóng mới tàu làm nghề lưới kéo, giã cào. 

Chuyển đổi nghề cho ngư dân là việc làm cấp thiết. Ảnh: Nguyễn Trình

Tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 1.600 tàu giã cào. Do ảnh hưởng xấu đến nguồn lợi thủy sản, tỉnh có chủ trương cắt giảm số lượng tàu cá hành nghề giã cào (lưới kéo), xây dựng chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi sang các nghề khác thân thiện với môi trường, tuy nhiên, vấn đề này đang gặp khó khăn. 

Theo Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi, tỉnh đã quyết định tạm dừng triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi sang các nghề do nguồn lực chưa đáp ứng được việc thực hiện chính sách. Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, kém ổn định nên nguồn thu của tỉnh hạn chế. Mặt khác, chính sách này hỗ trợ ngư dân chỉ được một phần để khuyến khích, động viên chuyển đổi nghề; còn phần lớn ngư dân vẫn phải tự mua sắm, cải hoán trang thiết bị cho phù hợp. 

Còn tại Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh có đến 1.414 tàu cá hành nghề giã cào, chiếm hơn 26% tổng số tàu cá của tỉnh. Những năm qua, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp để quản lý hoạt động nghề giã cào trên vùng biển Bà Rịa – Vũng Tàu; tuy nhiên, việc chuyển đổi nghề của ngư dân gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nhưng ngư dân rất khó tiếp cận. “Bất cập lớn nhất của ngư dân là thiếu vốn để có thể chuyển đổi nghề, vì hiện nay để chuyển đổi từ nghề giã cào sang các nghề đánh bắt khác đòi hỏi vốn rất lớn phải thay mới hoàn toàn”, ông Nguyễn Văn Chung, ngụ tại khu phố Hải Tân, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ chia sẻ. 

Quyết tâm thực hiện 

Việc chuyển đổi nghề mặc dù gặp trở ngại nhưng tại nhiều địa phương ven biển đã quyết tâm thực hiện. Điển hình như tỉnh Quảng Ngãi đã định hướng quy hoạch phát triển khai thác thủy sản theo hướng bền vững thông qua việc đẩy mạnh phát triển lượng tàu khai thác xa bờ, cắt giảm lượng tàu giã cào xuống còn 25%. Cùng đó, tập trung quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá và khu neo đậu tàu thuyền; quy hoạch cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá; quy hoạch cơ sở hạ tầng phục vụ NTTS tập trung; quy hoạch cơ sở hạ tầng sản xuất giống thủy sản và hạ tầng khác. 

Ngoài ra, ngành nông nghiệp Quảng Ngãi sẽ chú trọng xây dựng các cơ chế, chính sách mới về khai thác, bảo vệ nguồn lợi, nuôi trồng, chế biến, dịch vụ, hạ tầng thủy sản theo hướng mở rộng xã hội hóa. Qua đó, thu hút nguồn vốn từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước vào phát triển thủy sản. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường các giải pháp về tổ chức bộ máy, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về khoa học công nghệ; giải pháp bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản và ứng phó với biến đổi khí hậu; cũng như các giải pháp về tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, vốn đầu tư. 

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và chuyển đổi nghề cho ngư dân, tỉnhBàRịa-VũngTàuđãcóquy hoạch phát triển nghề khai thác thủy, hải sản theo hướng giảm dần những nghề xâm hại đến nguồn lợi và môi trường sinh thái, duy trì, phát triển nghề có tính thân thiện với môi trường như lưới vây khơi, rê khơi, nghề câu khơi kết hợp chụp mực… Cùng đó, khuyến khích ngư dân nâng cấp, cải hoán tàu cá công suất lớn để vươn ra khai thác tại các ngư trường xa bờ; tìm kiếm các nguồn lực khác hỗ trợ cộng đồng trong đào tạo nghề, hỗ trợ lãi suất ngân hàng để ngư dân có điều kiện chuyển đổi nghề. 

Để quản lý chặt chẽ hoạt động của nghề giã cào bay, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương, sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của ngư dân để bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tiếp tục vận động ngư dân chuyển đổi nghề phù hợp từ giã cào sang ngành nghề khai thác thủy sản khác; tăng cường phối hợp với lực lượng Biên phòng, Cảnh sát Biển… tổ chức tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm. 

Với sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, hy vọng việc chuyển đổi nghề cho ngư dân sớm được giải quyết, tạo sinh kế ổn định, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hướng đến phát triển bền vững ngành đánh bắt, nuôi trồng hải sản. 

>> Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái đặt mục tiêu đến năm 2025: Không cấp giấy phép khai thác thủy, hải sản cho tàu cải hoán, đóng mới khi không có văn bản chấp thuận. Không cấp giấy phép khai thác thủy, hải sản cho tàu vi phạm ở vùng biển này chuyển sang vùng biển khác. Đồng thời, chuyển đổi nghề cá trong đầm phá, ven bờ, ven đảo sang nghề cá giải trí gắn với hoạt động du lịch ẩm thực và được tập huấn, chỉ dẫn, đào tạo về nghề. 

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!