(TSVN) – Thời gian tới nguy cơ dịch bệnh thủy sản bùng phát cao, cần tăng cường công tác phòng chống, đặc biệt chú trọng các biện pháp an toàn sinh học. Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tại Hội nghị phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2021 khu vực phía Bắc.
Theo báo cáo của Cục Thú y, năm 2020, trong tổng diện tích tôm bị thiệt hại; diện tích tôm bị dịch bệnh chiếm tỷ lệ 0,93% tổng diện tích thả nuôi cả nước. Các bệnh thường gặp trên tôm nuôi gồm: Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), bệnh đốm trắng (WSD), bệnh đỏ thân, thân trắng, hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan lập biểu mô (IHHND), đường ruột, vi bào tử trùng (EHP). Diện tích cá tra bị dịch bệnh trong năm 2020 là 1.426,33 ha, một số bệnh chủ yếu thường gặp: Bệnh gan thận mủ; bệnh do ký sinh trùng; bệnh xuất huyết, trắng gan, trắng mang, thối đuôi, phù đầu. So với năm 2019, dịch bệnh trên cá tra cao gấp 5,76 lần về diện tích nhưng giảm 0,27 lần về phạm vi.
Gần 3 tháng đầu năm 2021, dịch bệnh trong NTTS đã giảm mạnh, tổng diện tích NTTS bị thiệt hại là hơn 1.897 ha, giảm 61% so cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, đối với ngành tôm, dự báo diện tích nuôi tiếp tục bị thiệt hại có thể tăng mạnh và nguy cơ dịch bệnh trong thời gian tới rất cao. Nguyên nhân do người nuôi tôm bắt đầu thả nuôi trong khi đó các điều kiện bất lợi của thời tiết như: giao mùa, hạn hán, bão và lũ lụt tại một số tỉnh, xâm nhập mặn… tiếp tục diễn biến phức tạp. Đồng thời, các loại mầm bệnh nguy hiểm còn lưu hành ở nhiều vùng nuôi, có thể xâm nhập và gây bệnh cho tôm. Bên cạnh đó, các yếu tố bất lợi về nhiệt độ, độ mặn tăng cao, biến đổi môi trường tăng nhanh, mạnh, theo hướng cực đoan có thể tác động xấu làm tôm chậm lớn, kém phát triển, sức đề kháng yếu, mặt khác, điều kiện môi trường biến đổi tạo thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, gây bệnh cho tôm.
Để giảm thiểu thiệt hại đối với NTTS, các địa phương và người nuôi cần chủ động giám sát dịch bệnh, xử lý môi trường trước khi thả nuôi. Nguồn nước đảm bảo, sử dụng con giống, chế phẩm sinh học có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng. Ngoài ra, cần thả nuôi với mật độ hợp lý sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh phát sinh đối với thủy sản.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để giải quyết tốt công tác thú y phòng bệnh, thì không chỉ có độc lập mỗi lĩnh vực thú y, mà phải đi cùng với cơ quan quan trắc môi trường, giám sát dịch bệnh. Bên cạnh đó, để NTTS an toàn cũng cần đảm bảo các yếu tố khác như giống, thức ăn, quy trình nuôi, chế phẩm sinh học… Đặc biệt là chế phẩm sinh học đang được sử dụng trong NTTS khá nhiều, nên Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo Tổng cục Thủy sản rà soát lại các chế phẩm sinh học, không để người nuôi sử dụng các sản phẩm không hiệu quả, làm tăng giá thành sản phẩm, các chỉ tiêu không đạt khiến hiệu quả giảm, kéo theo sức cạnh tranh của sản phẩm giảm.
Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết, để bảo đảm mục tiêu phát triển thủy sản năm 2021, các địa phương cần phối hợp với Tổng cục và các ngành chức năng nắm bắt tình hình, thời tiết khí hậu để rà soát, điều chỉnh và xây dựng lịch thời vụ thả giống phù hợp với từng địa phương, vùng sinh thái để tăng cường giảm thiểu thiệt hại. Cùng đó, cần thực hiện việc quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh tại các vùng nuôi trọng điểm để kịp thời khuyến cáo người dân, thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người nuôi. Đối với những địa phương chưa xây dựng và phê duyệt kế hoạch quan trắc môi trường, cần khẩn trương tham mưu xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai.
Đặc biệt là khuyến khích và có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người nuôi tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, tối ưu hóa chuỗi sản xuất để giảm giá thành sản phẩm; cấp giấy xác nhận (mã số) cơ sở nuôi; chứng nhận đủ điều kiện đối với các cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường NTTS.
Nguyễn An