Khai thác hải sản ở nước ta đạt sản lượng cao song tỷ lệ thất thoát còn lớn, khoảng 20 – 30%. Vì vậy, nâng cao trình độ và công nghệ nhằm tăng giá trị sản phẩm hải sản khai thác là yêu cầu cấp thiết.
Mỗi năm mất 8.000 tỷ đồng
Theo Tổng cục Thủy sản, tổn thất sau khai thác khiến cả nước mất khoảng 400.000 tấn hải sản, tương đương gần 8.000 tỷ đồng/năm.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là những hạn chế về điều kiện bảo quản sản phẩm. Mười năm gần đây, lượng tàu cá tăng đáng kể song phần lớn là tàu nhỏ, được đóng theo các mẫu dân gian và thường không có hoặc có cũng rất hạn chế các điều kiện để bảo quản tốt sản phẩm sau khai thác.
Tàu nhỏ thường thiếu mặt bằng để phân loại sản phẩm. Nhiều tàu không thiết kế hầm bảo quản sản phẩm hoặc có cũng chỉ là hầm chứa sản phẩm với những vật liệu đa dạng, thường không đảm bảo cách nhiệt tốt (như gỗ tấm, xốp miếng ghép, bạt nhựa…). Bên cạnh đó, công tác vệ sinh hầm bảo quản sau mỗi chuyến biển không tốt nên sản phẩm nhiễm vi sinh ngay khi cá được đưa vào hầm bảo quản, cũng làm giảm chất lượng.
Hầm bảo quản sản phẩm của nhiều tàu chưa đáp ứng được yêu cầu, không đảm bảo cách nhiệt tốt – Ảnh: Thanh Nhã
Ngoài ra, quá trình khai thác thủy sản thường không ổn định, thời gian từng chuyến biển không cố định, cộng thêm giá nguyên liệu, chi phí sản xuất liên tục tăng, buộc các thuyền kéo dài thời gian đi biển để đảm bảo sản lượng. Điều này cũng ảnh hướng lớn đến chất lượng sản phẩm.
Giải pháp đồng bộ
Nhằm giảm tổn thất sau khai thác, nâng cao giá trị sản phẩm, cấp thiết triển khai đồng bộ nhiều biện pháp tổ chức lại sản xuất trên biển, tăng cường chất lượng dự báo ngư trường, hướng dẫn khai thác theo mùa vụ, tổ chức lại hoạt động dịch vụ hậu cần khai thác, xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác trên biển…
Đặc biệt, việc tổ chức sản xuất trên biển, các mô hình tổ, đội kết hợp tàu khai thác với tàu thu gom, vận chuyển, tàu mẹ, tàu con; kết hợp giữa chủ tàu khai thác với các tổ chức, cá nhân thu mua, tiêu thụ sản phẩm đã góp phần đáng kể nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch cũng như hiệu quả khai thác. Việc phân loại sản phẩm ngay được xem là biện pháp quan trọng góp phần giảm tổn thất sau khai thác.
Cần chú trọng nâng cao nhận thức, hiểu biết kỹ thuật, công nghệ, luật pháp cho chủ tàu và ngư dân tàu cá; xây dựng và thực hiện các chương trình huấn luyện kỹ năng sơ chế, bảo quản, vận hành và sử dụng thiết bị bảo quản.
Các cơ quan chức năng tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách hiện có, đồng thời nghiên cứu đề xuất Chính phủ ban hành các chính sách mới, hỗ trợ các chủ tàu đầu tư lắp đặt thiết bị, hầm cách nhiệt bảo quản sản phẩm, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến. Ví dụ như hệ thống làm nước đá tự động trực tiếp trên tàu, giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển từ đất liền và giảm hao hụt. Nước đá làm ra có chất lượng đồng nhất, bảo đảm vệ sinh, giúp bảo quản sản phẩm với chất lượng tốt nhất. Bên cạnh đó, công nghệ đóng tàu bảo quản sản phẩm bằng vật liệu cách nhiệt Spray Foam có tính chất cách nhiệt tốt hơn… Đồng thời, cần xây dựng chính sách khuyến khích trên tàu lớn, đối với các đối tượng có giá trị xuất khẩu cao.
>> Tổng cục Thủy sản đề ra mục tiêu đến năm 2020 giảm tổn thất sau thu hoạch trong khai thác thủy sản từ 20% xuống còn 10%. |