Cấp thiết thành lập lực lượng kiểm ngư

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Xuất phát từ nguồn lợi thủy sản đang bị suy giảm nghiêm trọng, vi phạm về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ngày càng tăng, yêu cầu đặt ra hiện nay cần phải xây dựng một lực lượng kiểm ngư đủ mạnh.

Báo động vi phạm nguồn lợi

Tình trạng vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT&BVNLTS) trên các vùng nước có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là các vi phạm về KT&BVNLTS (chiếm khoảng 60% tổng số các vụ vi phạm). Bên cạnh đó, tình trạng tàu thuyền nước ngoài xâm phạm đánh bắt trộm thủy sản diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên do lực lượng kiểm tra, kiểm soát quá mỏng nên chúng ta chỉ chủ yếu phát hiện và xua đuổi, các trường hợp tàu nước ngoài bị ta bắt giữ thường chỉ lập biên bản, cảnh cáo và được ta phóng thích ngay trên biển do không đủ lực lượng và khả năng để đưa về bờ xử lý.

Vài năm gần đây, ngư dân Việt Nam bị các nước khác trong khu vực bắt giữ thường xuyên và tăng đột biến với tính chất vụ việc phức tạp hơn nhiều. Theo thống kê, từ năm 2006 đến nay có 641 vụ bắt giữ xảy ra đối với 1.186 tàu cá và 7.045 ngư dân Việt Nam. Riêng trong năm 2009 có đến 29 vụ liên quan tới Trung Quốc, 45 vụ liên quan tới Malaysia, 2 vụ liên quan đến Philippines, 56 vụ liên quan tới Indonesia và Campuchia có 29 vụ. Một số ngư dân của ta đã bị các nước khác sử dụng vũ khí gây hại đến tính mạng và tài sản. Các trường hợp tàu cá của ta bị nước ngoài bắt giữ đều bị tòa án của các nước xét xử, một số thuyền trưởng đã bị giam giữ, phạt tiền, tàu cá bị tịch thu…

Lực lượng kiểm ngư sẽ được trang bị hiện đại phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát trên biển

 

Chưa kiểm soát hết

Theo thống kê, từ năm 2005 đến nay lực lượng kiểm tra, kiểm soát bảo vệ NLTS đã phát hiện 46.592 vụ vi phạm pháp luật về thủy sản trên biển với 90% các hành vi vi phạm các quy định về KT&BVNLTS; Đã xử phạt 69,1 tỷ đồng, tịch thu 13.800 công cụ, phương tiện vi phạm, đã chuyển hồ sơ khởi tố hình sự gần 100 vụ. Việc kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác trong các vùng nước nội đồng hầu như bị bỏ ngỏ dẫn đến tình trạng sử dụng kích điện, chất độc để khai thác thủy sản ở các vùng nước tự nhiên diễn ra công khai (đặc biệt là ở các địa phương không có cơ quan quản lý chuyên ngành BVNLTS), ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và đa dạng sinh học. Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị 01/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản cho biết, trong vòng 5 năm gần đây các cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 5.600 vụ dùng kích điện để khai thác thủy sản và 47 vụ dùng hóa chất độc hại khai thác thủy sản (chủ yếu ở sông, suối).

Hiện lực lượng thanh tra thủy sản ở 28 tỉnh, thành ven biển có 243 nhân viên với hơn 90 tàu, xuồng, canô phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá với tổng công suất của đội tàu khoảng 21.000 CV và chỉ hoạt động ở tuyến bờ. Hầu hết các phương tiện này được đóng cách đây 10 năm, chủ yếu là cải tiến từ tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần. Bộ NN&PTNT cũng chỉ có hai tàu để phục vụ cho công tác kiểm tra trên biển của Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản hoạt động vùng vịnh Bắc bộ. Tuy nhiên, hai tàu này không có bất kỳ thẩm quyền xử lý nào mà chỉ được theo dõi, phát hiện, lập biên bản vi phạm để phối hợp với lực lượng biên phòng, cảnh sát biển xử lý vi phạm hành chính hoặc xua đuổi tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải.

 

Cấp bách thành lập kiểm ngư

Nguồn lợi thủy sản đang bị suy giảm nghiêm trọng, các vi phạm về KT&BVNLTS ngày càng tăng. Xuất phát từ những mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ quản lý trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng lực lượng kiểm ngư cũng như trang bị cho lực lượng này đủ mạnh là việc cấp bách. Được biết, Đề án Xây dựng lực lượng Kiểm ngư Việt Nam đã được Bộ NN&PTNT trình lên Thủ tướng, chờ phê duyệt.

Khi ra đời lực lượng kiểm ngư sẽ có chức năng đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản trên biển, thi hành pháp luật về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản… Lực lượng kiểm ngư sẽ có trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, cờ hiệu, thẻ, vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị chuyên dụng phục vụ công việc kiểm tra, kiểm soát trên biển. Ngoài ra, kiểm ngư có quyền yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin cần thiết cho việc kiểm tra, kiểm soát trên biển. Xử phạt vi phạm hành chính, được sử dụng vũ khí và công cụ hỗ trợ…

Bên cạnh việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát xử lý các hành vi vi phạm hành chính, lực lượng kiểm ngư phối hợp thanh tra, kiểm tra, kiểm soát BVNLTS cũng góp phần không nhỏ trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Hầu hết các hoạt động tuyên truyền, tập huấn các quy định về KT&BVNLTS đều được giao cho lực lượng này. Đây là lực lượng nòng cốt trong công tác hỗ trợ ngư dân sản xuất trên các vùng nước, đặc biệt là công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng chống lụt bão.

>> Ông Lưu Văn Huy, Chánh Thanh tra Tổng cục Thủy sản: Kiểm ngư ra đời sẽ là lực lượng có chức năng tham mưu cho chính quyền các cấp, bảo đảm thi hành pháp luật về thủy sản, đồng thời là lực lượng nòng cốt tổ chức, hướng dẫn ngư dân bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Giang Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!