CASEP: Phát triển bền vững từ lợi ích người nuôi tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Thời gian qua Hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Cà Mau (CASEP) đã làm tốt vai trò “bà đỡ” trong việc kết nối doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản với người nuôi tôm trong tỉnh. Một nhiệm kỳ nữa đã qua, với những thành tích đã đạt được, các hội viên tin rằng sẽ luôn chung tay vực dậy ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh này.

Một hành trình

Thành lập năm 1999, trải qua 16 năm với 4 nhiệm kỳ hoạt động; trong nhiệm kỳ qua, tổng sản lượng chế biến hàng xuất khẩu đạt 507.574 tấn, trong đó chế biến tôm đông lạnh 449.115 tấn, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 5,4 tỷ USD, vượt 470 triệu USD so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 đề ra, chiếm trên 16% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước.

Năm 2010 hàng thủy sản xuất khẩu sang 30 nước và vùng lãnh thổ, nay con số này đã là 60. Điều này cho thấy CASEP đã mở thêm thị trường mới, vừa tập trung xuất khẩu mạnh vào những thị trường trọng điểm truyền thống; nhanh nhạy, linh hoạt chuyển hướng thị trường, điều chỉnh thị phần và phương thức mua bán phù hợp với từng thị trường. Từ đó, là tiền đề quan trọng để phấn đấu đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu đạt 1,65 tỷ USD.

Trong nhiệm kỳ mới (2015 – 2020) CASEP sẽ xây dựng ngành công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn, năng lực doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh và hội nhập sân chơi kinh tế thế giới, tạo ra sự chuyển biến chất lượng thủy sản, lấy lợi ích của người dân làm động lực để phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Dũng tặng hoa chúc mừng Ban chấp hành

Đặc điểm nổi bật là sau nhiều năm phấn đấu với nhiều lần lỡ hẹn, năm 2013 xuất khẩu thủy sản Cà Mau chính thức vượt mốc 1 tỷ USD; năm 2014 hơn 1,2 tỷ USD và dự kiến năm nay là hơn 1,3 tỷ USD. Toàn tỉnh hiện có 38 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, trong đó đã có đến 32 nhà máy chế biến tôm với công suất thiết kế khoảng 207.000 tấn/năm, công suất chế biến hàng thủy sản xuất khẩu 186.000 tấn/năm; tăng 1,2 lần so với năm 2010.

Có được thành công này là do sự chủ động của các doanh nghiệp, một số doanh nghiệp đã ứng dụng rộng rãi quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP); xây dựng những vùng nuôi an toàn sinh học; nuôi thủy sản có chứng nhận và bước đầu hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ ao nuôi đến bàn ăn; truy xuất nguồn gốc trong nuôi trồng thủy sản đến nay đã có hơn 10.000 ha được chứng nhận tôm sinh thái.

 

Thời cơ từ sự nhìn nhận đúng

Tuy vậy, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục ngay trong thời gian tới đó là tình trạng “nội đấu, ngoại ép”; khiến doanh nghiệp dù có đơn đặt hàng nhiều vẫn lo, giá tăng hay giảm đều sợ, trúng mùa hay được mùa đều trăn trở… Cùng đó, năng lực tài chính của phần đa kém xa với các doanh nghiệp nước ngoài, hoạt động chủ yếu bằng vốn vay, chi phí vay vốn cao gấp nhiều lần; Mặt khác, các doanh nghiệp tại Cà Mau đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính vì sức cạnh tranh thấp nên rất dễ bị tổn thương, nếu không có sự trợ lực hoặc bước đột phá về chính sách tín dụng thì nhiều doanh nghiệp đang khó khăn sẽ không đủ khả năng tiếp cận nguồn vốn vay mới do nợ xấu quá hạn. Từ đó, tạo ra khoảng cách lớn hơn nữa giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ; giữa doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng.

Mặt khác, có khoảng 80% doanh nghiệp chưa am hiểu nhiều về hiệp định thương mại tự do song và đa phương mà nước ta đã ký kết cũng như điều chỉnh; chưa am hiểu nội dung cam kết cũng những cơ hội, ưu đãi và điều kiện để được hưởng ưu đãi do hiệp định mang lại cho các ngành hàng mà doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh. Vẫn còn phổ biến hiện tượng doanh nghiệp thiếu tin nhau, từ đó không phối hợp với nhau, cạnh tranh không lành mạnh bằng việc hạ giá bán thông qua việc hạ chất lượng sản phẩm; tranh mua nguyên liệu bằng mọi giá; gây hại cho uy tín và quyền lợi của cộng đồng doanh nghiệp. Theo đó, nhiều lô hàng bị trả về và trở thành nỗi lo và là rủi ro thường xuyên doanh nghiệp mà thủ đoạn là hành vi gian lận thương mại, đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sử dụng hóa chất kháng sinh bị cấm trong nuôi trồng, bảo quản nguyên liệu.

Trong giai đoạn 2011- 2015, chế biến tôm đông lạnh của Cà Mau đạt 449.115 tấn – Ảnh: Phú Hữu

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Dũng nhận định, ngoài nỗ lực của tỉnh trong việc tăng nguồn nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu thủy sản ra thì các doanh nghiệp phải tự cố gắng huy động nguồn tôm nguyên liệu trong tỉnh, cùng chung tay giải quyết bài toán khó này. Thời gian tới, phải giải quyết triệt để vấn nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu. Các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với người dân xây dựng vùng nguyên liệu thật ổn định; chủ động trong sản xuất, chia sẻ lợi nhuận với người nuôi tôm. Trong chế biến xuất khẩu thủy sản phải gắn việc chế biến với vùng nguyên liệu, thị trường, sản lượng và chất lượng; đảm bảo hiệu quả kinh tế. Về thị trường xuất khẩu cần chú ý các thị trường lớn, thị trường dễ tính, thị trường trong và ngoài nước, thị trường tiềm năng, thị trường chủ lực từ đó có những kế hoạch sản xuất kinh doanh sao cho phù hợp nhất.

Cái khuyết đã được nhìn nhận, bằng hàng loạt những giải pháp tin chắc rằng con tôm Cà Mau sẽ giữ vững được phong độ bằng sự quyết tâm hơn của một tập thể lãnh đạo hội mới.

>> Ông Ngô Văn Nga, Chủ tịch CASEP phấn khởi trước sự quan tâm của tỉnh nhà đối với ngành, lĩnh vực mình và các doanh nghiệp khác đang kinh doanh. Đồng thời, khẳng định, trong thời gian tới, CASEP sẽ tăng cường tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng đóng góp cho sự phát triển của ngành thủy sản Cà Mau.

Phú Hữu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!