(TSVN) – Kiểm dịch hầu hết sản phẩm thủy sản nhập khẩu, từ đông lạnh cho đến chế biến sâu là biện pháp kiểm soát quá mức, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu… Trước những ý kiến xung quanh vấn đề này, Cục Thú y, Bộ NN&PTNT đã có thông tin cụ thể.
Theo đó, Danh mục đối tượng thuộc diện kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản được áp mã HS (8 số), cắt giảm nhiều so với trước đây, cụ thể đã cắt giảm 160 mã hàng hóa/tổng số 450 mã hàng hóa so với trước đây (được cắt giảm 36%).
Về tần suất lấy mẫu, thực hiện việc kiểm dịch, lấy mẫu kiểm tra theo nguyên tắc phân loại sản phẩm, trên cơ sở mức độ nguy cơ rủi ro đối với sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu.
Đối với sản phẩm động vật thủy sản có nguy cơ thấp (đã qua chế biến) cứ 5 lô hàng thì lấy mẫu 1 lô hàng để kiểm tra (được cắt giảm 80% số lô hàng phải lấy mẫu kiểm tra); đối với sản phẩm động vật thủy sản có nguy cơ cao (sản phẩm ở dạng sơ chế, tươi sống, đông lạnh, ướp lạnh) thực hiện lấy mẫu của 3 lô hàng liên tiếp, nếu kết quả kiểm tra đạt yêu cầu sẽ áp dụng tần suất 5 lô hàng lấy mẫu của 1 lô hàng để kiểm tra (đã cắt giảm 80% số lô hàng phải lấy mẫu). Cục Thú y không thực hiện việc kiểm dịch đối với sản phẩm thủy sản đã chế biến chín, đóng bao bì kín khí, có nhãn mác theo quy định và sử dụng để ăn ngay.
Chỉ tiêu kiểm tra, xét nghiệm so với trước đây theo từng nhóm sản phẩm động vật thủy sản cũng được cắt giảm. Đối với Nhóm sản phẩm thủy sản tươi sống/đông lạnh/ướp lạnh đã cắt giảm 2/6 chỉ tiêu kiểm tra. Đối với Nhóm sản phẩm thủy sản sơ chế đã cắt giảm 3/7 chỉ tiêu kiểm tra. Đối với Nhóm sản phẩm thủy sản chế biến đã cắt giảm 4/8 chỉ tiêu kiểm tra.