(TSVN) – Cá cam là đối tượng nuôi biển nhiều tiềm năng trong ngành NTTS. Tuy nhiên, để phát triển nghề nuôi cá biển này một cách bền vững, cần tìm ra nguồn protein thay thế bột cá tự nhiên trong khẩu phần dinh dưỡng của cá cam.
Cá cam là loài cá ăn thịt, có kích thước lớn. Thông thường, thức ăn thương mại cho cá cam có hàm lượng bột cá tự nhiên (WD-FM) trên 30%. Việc cắt giảm bột cá tự nhiên trong khẩu phần ăn của cá cam thương mại là một thách thức lớn.
Nhiều nghiên cứu đã đánh giá tiềm năng của các thành phần thay thế bột cá tự nhiên như protein động vật trên cạn, protein thực vật, tảo, protein vi khuẩn và phụ phẩm từ bột cá. Trong khẩu phần của cá cam, một số thành phần như bột gia cầm (PM), tinh chất protein đậu nành (SPC), phụ phẩm bột cá (BP-FM) được đánh giá cao về tiềm năng thay thế một phần bột cá tự nhiên (WD-FM).
Hiện nay, một số trại nuôi sử dụng PM như một nguồn protein chính ở các tỷ lệ khác nhau trong chế độ ăn của cá cam. Tuy nhiên, tác động lâu dài của việc thay thế WD-FM bằng PM trong khẩu phần dinh dưỡng của cá cam vẫn chưa rõ ràng.
Theo một nghiên cứu gần đây của Stone et al., lượng protein thô và lipid tối ưu trong khẩu phần ăn của cá cam nuôi vào mùa hè là khoảng 43% và 25% tương ứng, trong khi lượng bột cá tự nhiên là 30%. Các chuyên gia dinh dưỡng vẫn đang nghiên cứu chính xác lượng bột cá tự nhiên có thể cắt giảm mà vẫn duy trì hiệu suất tăng trưởng. Trước đó, nhiều nghiên cứu khẳng định một số loại protein có khả năng thay thế bột cá tự nhiên trong khẩu phần của cá cam non. Tuy nhiên, có rất ít nghiên cứu với nội dung tương tự trên các cam cỡ lớn. Do đó, nhóm chuyên gia đã tập trung nghiên cứu cách giảm bột cá tự nhiên trong khẩu phần ăn của cá cam cỡ lớn bằng các loại protein PM, SPC và BP-FM.
Mục tiêu của nghiên cứu là thay thế bột cá tự nhiên bằng các thành phần protein khác gồm bột gia cầm (PM), tinh chất protein đậu nành (SPC) và phụ phẩm bột cá (BP-FM). 6 khẩu phần ăn dễ tiêu hóa, chứa 39% protein (∼45 – 46% protein thô), 23% lipid (∼24 – 25% lipid thô), năng lượng 17MJ/kg (∼19 MJ/kg năng lượng tổng). Cá được cho ăn no theo cữ 1 lần/ngày vào lúc 10 sáng. Các chuyên gia kỳ vọng, các protein thay thế có thể làm giảm 10 – 20% bột cá tự nhiên trong khẩu phần của cá cam thương mại.
Tỷ lệ bổ sung 11,3% PM và 10,9% SPC cho các kết quả tăng trưởng tốt. Nhóm chuyên gia đề xuất các hãng thức ăn có thể sử dụng tỷ lệ này trong công thức thức ăn thương mại của cá cam cỡ lớn. Ở tỷ lệ này, PM và SPC cũng cho kết quả khả quan trên nhiều đối tượng nuôi biển khác như cá hồi vân, cá hồi Atlantic, cá cobia và cá cam non.
Theo quan sát, chế độ ăn có hàm lượng cao nhất phụ phẩm bột cá từ cá ngừ (BP-FM 66%) chỉ đạt mức trung bình về tỷ lệ biến đổi thức ăn (FCR) và tăng sinh khối thấp nhất, mặc dù hiệu suất tăng trưởng không có sự khác biệt đáng kể so với các nghiệm thức khác. Nhóm nghiên cứu cũng báo cáo hàm lượng 2 axit amin giới hạn trong bột cá phụ phẩm gồm lysine và methionine thấp hơn WD-FM (4,3 so với 5,5%) và (1,8 so với 2,2%).
Giá trị tiêu hóa biểu kiến đối với chất khô và protein của cá cam ở khẩu phần 66% BP-FM thấp hơn đáng kể so với nhóm cá 33% BP-FM và 33% BP-FM + 33% PM. Lượng tro cao đã cản trở quá trình tiêu hóa chất dinh dưỡng. Vì vậy, khả năng sử dụng thức ăn của cá cam ở khẩu phần 66% BP-FM cũng kém hơn. Từ phát hiện này, nhóm chuyên gia đề xuất tỷ lệ bổ sung BP-FM chỉ nên giới hạn ở mức 10% trong khẩu phần thương mại chứa 20% WD-FM.
Tất cả các nguồn protein thay thế trong nghiên cứu, bao gồm BP-FM đều giúp làm giảm tỷ lệ sử dụng bột cá (FIFO) lên tới 35,1% mà không ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất hay sức khỏe của cá. Ngoài ra, các thành phần thay thế có giá thành thấp hơn bột cá tự nhiên, giúp tiết kiệm chi phí.
Tuy nhiên, hiệu suất tăng trưởng của cá cam được cho ăn protein thay thế có thể được nâng cao hơn nữa nhờ tăng cường axit amin đặc hiệu. Nhóm nghiên cứu khuyến nghị tỷ lệ methionine trong khẩu phần của cá cam non xấp xỉ 2% để cá đạt tăng trưởng tối ưu. Các chuyên gia sẽ tiếp tục thử nghiệm thay thế bột cá tự nhiên bằng bột gia cầm, tinh chất proptein đậu nành và bột cá phụ phẩm ở quy mô thương mại tại nhiều trại nuôi thí điểm trước khi xây dựng công thức thức ăn đầy đủ.
Vũ Đức
(Theo International Aquafeed)