Cắt giảm chi phí để tăng tính cạnh tranh

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 4, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào thị trường châu Âu giảm gần 12% so với cùng kỳ năm 2011. Riêng xuất khẩu mặt hàng cá tra giảm gần 14%, mặt hàng tôm giảm 27% giá trị so với cùng thời điểm năm trước.

Thích nghi với thị trường

Châu Âu là một trong 3 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam trong những năm qua. Tuy châu Âu giảm mua thủy sản nuôi để chuyển sang thủy sản đánh bắt như mực, bạch tuộc, cá ngừ, nghêu… song cách thức mua hàng của các nhà nhập khẩu châu Âu cũng đã thay đổi.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó chủ tịch VASEP, mặc dù châu Âu mua nhiều đơn hàng hải sản từ Việt Nam nhưng cách thức mua hàng của họ cũng đã bắt đầu thay đổi so với những năm trước đây. Bà Sắc cho biết, trước đây, các nhà nhập khẩu châu Âu thường đặt hàng theo từng quý, 2 quý hoặc cả năm thì nay họ chỉ mua từng lô hàng một, thời gian trả tiền cũng lâu hơn. Thậm chí, có những nhà nhập khẩu chấp nhận đền bù hợp đồng vì sản phẩm không bán được. Nhận xét chung của bà Sắc là muốn làm ăn với châu Âu thì doanh nghiệp phải tìm cách giảm chi phí giá thành mới mong giữ được thị trường.

Hiện nay, nhiều DN đang phải tìm cách cắt giảm chi phí để tồn tại và cạnh tranh – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Theo VASEP, chuyện các nhà máy chế biến hoạt động chỉ từ 30-50% công suất thiết kế, thậm chí có nhà máy chỉ ở mức 10% công suất thiết kế đang là một thực tế của ngành thủy sản hiện nay. Vì hoạt động không đúng công suất thiết kế nên chi phí giá thành sản xuất 1kg cá tăng cao, làm mất tính cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt trong bối cảnh thị trường châu Âu đang giảm lượng nhập cá tra từ Việt Nam cả về số lượng đơn hàng lẫn giá mua vào.

 

Thay đổi phương thức kinh doanh

Phương án giảm đến mức thấp nhất chi phí giá thành sản xuất đã được ban lãnh đạo nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu đã được đặt ra và tìm cách áp dụng. Công thức mà nhiều doanh nghiệp thủy sản lớn của Việt Nam đã và đang áp dụng là xây dựng một quy trình nuôi, chế biến khép kín để giảm chi phí sản xuất mức thấp nhất.

Một trong những doanh nghiệp thành công trong việc xây dựng mô hình khép kín để hạ giá thành sản xuất 1kg cá xuống mức thấp nhất có thể kể đến là Công ty TNHH Hùng Cá, Đồng Tháp.

Bước đầu tiên mà Hùng Cá triển khai trong kế hoạch giảm chi phí đầu vào là xây dựng được vùng cung cấp nguyên liệu. Hiện, Công ty có 620 ha nuôi cá tra tại ĐBSCL, cung cấp 250 tấn cá/ngày cho hai nhà máy chạy hết công suất.

Theo ông Trần Văn Hậu, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Hùng Cá, bằng việc tự đầu tư vùng nuôi giúp Công ty tiết kiệm được số tiền khá lớn. “Nếu Công ty chúng tôi mua cá tra trực tiếp từ người dân, nghĩa là chúng tôi phải mua giá cá tra cao hơn giá thành sản xuất khoảng từ 2.000-3.000 đồng/kg. Với công suất chế biến 250 tấn cá/ngày, nghĩa là chúng tôi mất đi khoảng 500-750 triệu đồng”, ông Hậu giải thích.

Không chỉ có vậy, Công ty Hùng Cá còn làm việc với các nhà cung ứng nguyên liệu các sản phẩm phụ gia, thùng carton, bao bì ni lông… và chọn ra 3 nhà cung cấp uy tín và số lượng nhiều thay vì phải mua nguyên liệu từ hơn 10 nhà cung cấp như trước đây. Đây là kế hoạch có lợi cho cả bên mua lẫn bên bán, vì khi Hùng Cá mua với số lượng lớn, giá sẽ rẻ hơn. Còn nhà cung cấp bán được nhiều thì lợi nhuận thu về cũng nhiều hơn trước.

Trong bối cảnh thị trường đầu ra khó khăn, không chỉ Hùng Cá mà những doanh nghiệp lớn như Vĩnh Hoàn, Hùng Vương, Việt An… đều phải tìm mọi cách cắt giảm chi phí sản xuất xuống mức thấp nhất để tồn tại và cạnh tranh. Do vậy, sau khi có vùng nuôi, một vấn đề đặt ra là làm sao có được nguồn thức ăn đảm bảo chất lượng với giá thấp nhất.

Câu trả lời của nhiều doanh nghiệp thủy sản lớn hiện nay là xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản. Mục đích chính là cung cấp thức ăn cho vùng nuôi tập trung của doanh nghiệp. Hiện, thức ăn chiếm đến 70% giá thành sản xuất 1kg cá tra. Do đó, việc có nhà máy cung cấp thức ăn thủy sản giúp doanh nghiệp tiếp tục giảm được giá thành sản xuất.

 

Tạo niềm tin với ngân hàng

Theo nhiều doanh nghiệp thủy sản, trong bối cảnh ngân hàng đang quay lưng lại với ngành thủy sản như hiện nay thì cách tốt nhất để thích nghi là tìm cách giảm giá thành, nâng cao cạnh tranh. Đây cũng là một cách tốt để doanh nghiệp tạo niềm tin với ngân hàng cho những kế hoạch dài hạn, thay vì than trách ngân hàng không cho vay vốn nên doanh nghiệp gặp khó trong việc mở rộng thị trường.

“Ngân hàng đã từng cho doanh nghiệp thủy sản vay tiền để đầu tư những dự án sản xuất, nhưng thực tế một số doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành dẫn đến nợ tràn lan thì còn ngân hàng nào còn cho vay nữa”, giám đốc một công ty thủy sản từng bình luận như vậy về những khó khăn trong vay vốn.

Theo ông này thì ngân hàng sẵn sàng cho doanh nghiệp thủy sản vay nhưng ít nhất doanh nghiệp phải chứng minh được năng lực tạo ra giá trị lợi nhuận từ hoạt động của mình vì ngân hàng cũng là một doanh nghiệp làm ăn mà làm ăn thì cần lợi nhuận. “Doanh nghiệp muốn tạo lòng tin với ngân hàng thì cần phải có kế hoạch làm ăn tốt, tạo ra lợi nhuận, cách tốt nhất lúc này là cắt giảm chi phí sản xuất để tăng tính cạnh tranh”, ông cho hay.

>> Theo tính toán của VASEP, một nhà máy chế biến thủy sản có công suất trên 150 tấn/ngày mỗi năm phải trả cả tỷ đồng tiền điện. Do đó, việc cho nhà máy chạy hết công suất thiết kế cũng là một cách để các doanh nghiệp thủy sản giảm được chi phí vận hành, khấu hao máy móc lẫn tiền điện.

Vũ Hạ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!