Câu chuyện bảo tồn rạn san hô ở Hòn Mun

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trước tình trạng hàng loạt rạn san hô chết, bị hư hại ở quanh Khu bảo tồn Hòn Mun, thuộc vùng lõi của vịnh Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Tỉnh ủy Khánh Hòa đã yêu cầu UBND tỉnh làm rõ tình trạng, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp xử lý, khắc phục. Đến ngày 21/6/2022, Tỉnh ủy Khánh Hòa ra Thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy liên quan đến vấn đề này.

Giá trị lớn

Hòn Mun là một trong bốn đảo đẹp nhất ở vịnh Nha Trang gồm: Hòn Mun, Hòn Tre, Hòn Tằm, Hòn Yến. Điều khiến người ta ấn tượng nhất khi đến nơi đây chính là màu xanh ngọc của nước biển, hòa phối với màu đen của đá, tạo nên một bức tranh thiên nhiên với màu sắc hài hòa. Đảo Hòn Mun có diện tích 160 km2, trong đó có 122 km2 là bờ biển, 38 km2 là tổng diện tích đảo gồm động đá và hang yến. Đặc biệt, nơi đây thu hút khách du lịch chính bởi những rạn san hô tuyệt đẹp, với khoảng 340 loài san hô trên tổng số 800 loài ở trên thế giới, vừa có thể lặn biển, hoặc ngồi trên thuyền đáy kính để chiêm ngưỡng vẻ đẹp dưới đáy biển.

Năm 2015, theo các nhà địa chất học đánh giá, rạn san hô ở đây ở tình trạng tốt. Tuy nhiên, năm 2022 thì tình trạng san hô chỉ được đánh giá ở mức trung bình và kém. Những rạn san hô hiện nay được báo cáo là bị bạc trắng và chết theo sóng đánh dạt lên bờ biển, người ta tìm được rất nhiều những san hô bị trôi dạt, thậm chí có những cụm nặng tới 50 – 70 kg.

San hô chết trắng ở khu bảo tồn biển Hòn Mun. Ảnh: N.S

Vịnh Nha Trang là một trong 16 khu bảo tồn biển quốc gia (theo Quyết định 742/QĐ-TTg năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020) và cũng là khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam. Do đó, việc bảo tồn, giữ gìn và phục hồi hệ sinh thái biển đa dạng tại vịnh Nha Trang, trong đó có rạn san hô tại khu bảo tồn biển Hòn Mun là một trong những nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp thiết, vừa lâu dài của tỉnh Khánh Hòa nói chung và TP Nha Trang nói riêng, nhất là trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ quan điểm: Xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa phải dựa trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên biển, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cấp thiết công tác phục hồi, bảo tồn

Nội dung thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa cho thấy, qua ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, báo cáo của Ban quản lý vịnh Nha Trang, UBND TP Nha Trang, việc suy giảm phần lớn rạn san hô tại khu bảo tồn biển Hòn Mun là một quá trình chịu tác động tích lũy từ nhiều năm, gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân khách quan là do tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của cơn bão Damrey năm 2017 và cơn bão số 9 năm 2021 (không có hiện tượng axit hóa đại dương). Nguyên nhân chủ quan là do công tác quản lý nhà nước, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương liên quan, hoạt động của Ban Quản lý vịnh Nha Trang còn nhiều bất cập, hạn chế, thiếu sót; nhiều hoạt động của con người tác động lên hệ sinh thái biển vịnh Nha Trang nói chung và rạn san hô tại khu bảo tồn biển Hòn Mun nói riêng vẫn chưa được xử lý kịp thời (khai thác thủy sản trái phép, nạo vét, xây dựng các công trình ven biển không đúng quy định, xả thải từ các hoạt động du lịch…).

Giải pháp trước mắt, đề nghị Ban cán sự đảng, UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo UBND TP Nha Trang tạm dừng hoạt động du lịch lặn biển tại các khu vực dễ làm tổn hại rạn san hô trong khu vực vùng vịnh Nha Trang, đặc biệt là tại khu vực Hòn Mun. Đồng thời, khoanh vùng bảo vệ các khu vực nhạy cảm, đang có dấu hiệu phục hồi các hệ sinh thái (điển hình là rạn san hô và các bãi giống, bãi đẻ) của vịnh Nha Trang. UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý vịnh Nha Trang trong hoạt động giám sát, quản lý vịnh Nha Trang; tăng cường hiệu quả hoạt động của đội kiểm tra liên ngành trong công tác tuần tra, bảo vệ nghiêm ngặt khu vực bảo tồn Hòn Mun, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, hủy hoại môi trường tại khu vực này.

Về lâu dài, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát lại toàn bộ cơ chế quản lý, bảo tồn vịnh Nha Trang, công tác phối hợp liên ngành giữa các sở, ngành, địa phương trong tỉnh, công tác phối hợp giữa UBND tỉnh Khánh Hòa các với bộ, ngành Trung ương (Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường) để ban hành hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế quản lý, bảo tồn vịnh Nha Trang hiệu quả, bền vững, đúng quy định.

Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND TP Nha Trang rà soát, củng cố, kiện toàn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban quản lý vịnh Nha Trang hoặc nghiên cứu mô hình Ban điều phối vịnh Nha Trang có đủ thẩm quyền theo quy định, gắn với trách nhiệm của tập thể và người đứng đầu trong công tác quản lý vịnh Nha Trang; xem xét, hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính để Ban quản lý thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo nghiên cứu phương án quản lý, khai thác vùng mặt nước trong vịnh Nha Trang theo hướng xã hội hóa, xây dựng mô hình quản trị công tư, kết hợp hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ gắn với nhiệm vụ bảo vệ các khu bảo tồn biển trên vịnh Nha Trang một cách hiệu quả, bền vững.

Hồng Hạnh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!