Cây tầm ma – nguồn dinh dưỡng mới cho cá hồi Atlantic

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Là loài cây mọc dại rất nhiều tại Bắc u và châu Á, tầm ma đã mang lại kết quả tích cực lên sức khỏe đường ruột sau các thử nghiệm trên một số loài cá hồi nuôi khác nhau, gồm cả cá hồi vân.

Thức ăn chức năng là yếu tố quan trọng nhất trong quản lý sức khỏe cá, giúp tăng cường sức khỏe và thúc đẩy hiệu suất nuôi trong điều kiện căng thẳng môi trường hoặc thách thức dịch bệnh. Lần đầu tiên, cây tầm ma được đưa vào nghiên cứu dinh dưỡng trên đối tượng cá hồi Atlantic. Cá hồi được cho ăn chế độ bổ sung phụ gia chứa thành phần cây tầm ma do công ty Urtica Plus sản xuất. Nhóm nghiên cứu phối chế khẩu phần và cho ăn thử nghiệm, sau đó đánh giá sức khỏe đường ruột và các thông số huyết học của cá hồi vân, đồng thời kiểm tra chức năng miễn dịch sau thử thách mầm bệnh. 

Cây tầm ma có tác động tích cực tới sức khỏe đường ruột của cá hồi. Ảnh: ST

Cải thiện tỷ lệ sống

Thử nghiệm cho ăn kéo dài 12 tuần tại các cơ sở nuôi cá nước ngọt thuộc Đại học Aberdeen tại Anh Quốc. Nghiệm thức đối chứng là thức ăn thương mại của hãng BioMar, và hai nghiệm thức bổ sung được phối chế với cây tầm ma khô theo tỷ lệ lần lượt 1% và 3%. Mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. 

Cá hồi Atlantic thường nhạy cảm với các yếu tố kháng dinh dưỡng gốc thực vật, và điều quan trọng là phải xác định tính toàn vẹn của đường ruột khi kết thúc thử nghiệm. Trong quá trình thử nghiệm, tăng trưởng của cá đạt mức tốt và khác biệt không có ý nghĩa giữa các nhóm cá ở cả ba nghiệm thức. 

Cấu trúc mô học ruột sau của cá cho biết 5 thông số quan trọng để đánh giá sức khỏe đường ruột. Trong nghiên cứu này, nhóm chuyên gia đã phát hiện 2 thông số niêm mạc dưới biểu mô và không bào trên nhân của nhóm cá ở nghiệm thức 3% cây tầm ma có số điểm tăng so với nhóm cá ở nghiệm thức 1% cây tầm ma và nhóm đối chứng. Các thông số huyết học còn lại khác biệt không đáng kể. Những kết quả này đã chứng minh bộ phận ruột cá hồi không phản ứng tiêu cực với chế độ ăn chứa 3% cây tầm ma, nhưng lớn hơn 3% có thể gây hại đến đường ruột. Trong khi đó, khẩu phần ăn bổ sung 1% cây tầm ma có thể mang lại một số lợi ích cho hình thái học đường ruột. 

Để đánh giá sâu hơn về các thông số sức khỏe, thành phần của máu, Đại học West of Scotland cũng thực hiện thêm một loạt thí nghiệm về cây tầm ma trên cá hồi Atlantic. Kết quả cho thấy, cây tầm ma tác động tích cực đến sức khỏe của tim và cơ nhưng nhìn chung sự cải thiện không đáng kể so với nhóm cá ăn khẩu phần thức ăn thương mại. Sau cùng, nhóm chuyên gia kiểm tra tác động của cây tầm ma lên hệ miễn dịch của cá sau thách thức vi khuẩn gây bệnh Aeromonas salmonicida. Theo quan sát thu được, nhóm cá hồi ở chế độ ăn 3% cây tầm ma đạt tỷ lệ sống cao nhất (43.3%), tiếp theo là 1% (36,7%) và sau đó là đối chứng (33,3%). Mặc dù khác biệt về thống kê này không có ý nghĩa, nhưng cho thấy xu hướng cải thiện tỷ lệ sống của khẩu phần bổ sung cây tầm ma.

Hình 1A

Đường ruột khỏe mạnh 

Trong quá trình thử nghiệm, cá được cho ăn lượng thức ăn tương đương 1,5% trọng lượng cơ thể mỗi ngày (trọng lượng ban đầu là 45g). Cá được cân hàng tháng để đánh giá tăng trưởng và điều chỉnh thức ăn. Trọng lượng toàn bộ cơ thể được xác định 4 tuần/lần và không khác biệt đáng kể giữa các chế độ ăn (Hình 1A). Trong thời gian thử nghiệm, máy cho ăn xảy ra sự cố  khiến chất lượng nước giảm trong thời gian ngắn, nhưng nhóm cá ở chế độ 1% cây tầm ma tiếp tục phát triển tốt hơn cá đối chứng và 3% cây tầm ma (Hình 1B). Tuy nhiên, đến cuối thử nghiệm, tất cả các nhóm cá đều có trọng lượng tương đương nhau. Thử nghiệm này chứng minh ca được ăn bổ sung cây tầm ma cũng phát triển tốt như nhóm cá ăn khẩu phần thương mại. 

Hình 1B

Đến nay, các chuyên gia dinh dưỡng vẫn chưa phát hiện các yếu tố kháng dinh dưỡng trong chiết xuất cây tầm ma. Các nghiên cứu trước đây về khô đậu trên cá hồi vân đã dẫn đến mức độ viêm ruột nghiêm trọng. Do đó, trong thử nghiệm về cây tầm ma, nhóm nghiên cứu đánh giá sức khỏe đường ruột sau 88 ngày thông qua mô học đường ruột. Các phân tích mô học được thực hiện trên 9 con cá hồi vân trong mỗi bể để chấm điểm hình thái (0-5 điểm) gồm niêm mạc dưới biểu mô, màng mô liên kết, không bào trên nhân, bạch cầu hạt ưa axit, tế bào gốc và nếp gấp niêm mạc. 

Kết quả cho thấy niêm mạc dưới biểu mô và không bào trên nhân của nhóm cá ăn bổ sung 3% cây tầm ma cao hơn đáng kể so với hai nhóm còn lại (Hình 2). Đối với thông số niêm mạc dưới biểu mô, nhóm cá được cho ăn 1% cây tầm ma thấp hơn nhưng không đáng kể so với nhóm đối chứng. Về nếp gấp niêm mạc, màng mô liên kết và bạch cầu hạt ưa axit, không có sự khác biệt không có ý nghĩa giữa cả 3 nghiệm thức; tuy nhiên nếp gấp niêm mạc ở nhóm cá ăn bổ sung 1% cây tầm ma giảm nhẹ còn nhóm cá 3% cây tầm ma tăng nhẹ. Các kết quả mô học đều chứng minh toàn bộ cá hồi đều có đường ruột khỏe mạnh. Thông số huyết học cho thấy, cá được cho ăn chế độ bổ sung 1% và 3% cây tầm ma đều đạt thông số huyết học trong phạm vi bình thường đối với cá khỏe mạnh. 

Hình 2

Triển vọng

Thử nghiệm ban đầu đã chứng minh tiềm năng của cây tầm ma với vai trò thức ăn chức năng cho cá hồi ở tỷ lệ bổ sung lên đến 3%. Ở tỷ lệ 1%, cây tầm ma giúp cá hồi vân cải thiện thông số mô học đường ruột (dù không đáng kể). Nhưng ở tỷ lệ 3% đã ghi nhận kết quả rõ ràng hơn về cải thiện huyết tương và phản ứng dịch bệnh. Nhóm chuyên gia đề xuất tỷ lệ bổ sung tầm ma tối ưu trong khẩu phần của cá hồi dao động 1-2%. 

Nhóm chuyên gia kỳ vọng cây tầm ma có khả năng được canh tác thương mại để sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Thời gian tới, họ sẽ tiến hành thử nghiệm mầm bệnh đơn lẻ và đánh giá hiệu quả cả cây tầm ma trên cá hồi trong điều kiện căng thẳng hơn như dịch bệnh rận biển. 

Dũng Nguyên

(Theo InternationalAquaFeed)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!