CECC “thúc giục” Mỹ nhanh chóng giải quyết vấn đề nhập khẩu thủy sản Trung Quốc

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Mới đây CECC đã gửi thư “thúc giục” Bộ Ngoại giao và Bộ An ninh Nội địa Mỹ nhanh chóng giải quyết vấn đề được cho là lao động cưỡng bức trong ngành thủy sản Trung Quốc.

Ủy ban Chấp hành của Nghị viện Hoa Kỳ về Trung Quốc (CECC) đã gửi thư tới ông Antony Blinken, Ngoại trưởng Mỹ, và ông Alejandro Mayorkas, Bộ trưởng An ninh Nội địa Hoa Kỳ, yêu cầu họ “nhanh chóng hành động và quyết đoán giải quyết nạn lao động cưỡng bức trong ngành thủy sản của Trung Quốc; trong thư đề cập đến nội dung người tiêu dùng thủy sản Mỹ có thể đang vô tình ủng hộ Triều Tiên với các kế hoạch tấn công bằng hạt nhân”.

Một nhà máy chế biến cá thịt trắng tại Trung Quốc.

Đầu năm 2024, một cuộc điều tra do Dự án Đại Dương Phi pháp (OOP), đăng tải trên trang The New Yorker, đã vạch trần rất cụ thể và chi tiết về việc người dân Triều Tiên bị ép buộc đi lao động tại các nhà máy chế biến thủy sản ở Trung Quốc, mà thực tế các sản phẩm từ nhà máy này sau đó được xuất khẩu sang Mỹ, xuất hiện trên bàn ăn của người tiêu dùng Mỹ.

Luật pháp Mỹ nghiêm cấm nhập khẩu mọi thực phẩm có sự tham gia của lao động Triều Tiên. Ngoài ra, việc sử dụng lao động Triều Tiên vi phạm Nghị quyết 2397 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc – nghiêm cấm các quốc gia thứ ba sử dụng lao động Triều Tiên. “Theo Nghị quyết 78/218 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (UN), UN nghiêm cấm sử dụng lao động Triều Tiên nhằm ngăn chặn ngoại tệ đổ về nhà độc tài Kim Jong Un của Triều Tiên bởi ông này luôn sử dụng tiền lương thu được của công nhân cho các chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân trái phép”, CECC cho biết.

Dựa theo điều tra của OOP, “thủy sản bày bán tại các cửa hàng tiện lợi và điểm bán sỉ tại Mỹ như Costco và thủy sản phân phối tới các cơ sở quân đội, các chương trình thực phẩm trường học, thậm chí tại các quán ăn tự phục vụ của quốc hội đã khiến cả chính phủ và người tiêu dùng Mỹ vô tình trở thành “đồng lõa” ủng hộ nạn lao động cưỡng bức và hỗ trợ chế độ độc tài của Triều Tiên”, CECC cho biết thêm. Điều này vi phạm trực tiếp luật liên bang, và chính phủ Mỹ cần có động thái ngay lập tức. Trong thư gửi tới Bộ An ninh Nội địa tháng 10/2023, CECC bày tỏ lo lắng sự việc nạn lao động cưỡng bức hiện tại đang “bôi nhọ” chuỗi cung ứng thủy sản của Mỹ; do đó “Quốc hội cần mạnh tay nghiêm cấm nhập khẩu các loại thủy sản có liên quan tới sử dụng lao động cưỡng bức, đồng thời chấm dứt thu mua các thủy sản khai thác và chế biến từ những nguồn cung cấp này” – trong thư nêu rõ.

CECC liệt kê những yêu cầu cần được thực hiện ngay:

– Ngay lập tức chấm dứt nhập khẩu từ các công ty Trung Quốc sử dụng lao động Triều Tiên;

– Yêu cầu triệu họp hoặc ít nhất một cuộc họp dưới hình thức Arria-formula (một cuộc họp không chính thức của các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC), phải được triệu tập bởi một thành viên của UNSC để cuộc họp diễn ra) nhằm thảo luận việc [Trung Quốc] vi phạm các lệnh trừng phạt của UNSC liên quan đến sử dụng lao động Triều Tiên và mối liên hệ giữa tham vọng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và các chương trình chuyển giao lao động cưỡng bức;

– Làm việc với các bên đồng quan điểm để nhấn mạnh việc Cao uỷ Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) đã tiếp cận những lao động Triều Tiên [tại Trung Quốc] và đảm bảo tất cả công nhân Triều Tiên đã được trao cơ hội đi khám tâm thần;

– Chia sẻ thông tin chi tiết với các bên đồng quan điểm, cụ thể là Hàn Quốc và Nhật Bản, để thúc đẩy tính minh bạch và truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng thủy sản [nhập khẩu từ Trung Quốc];

– Thực hiện các quy trình hợp pháp để yêu cầu các bên liên quan tới nhập khẩu thủy sản liên bang của Mỹ cung cấp cho Chương trình Giám sát Nhập khẩu Thủy sản và Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ thông tin về chuỗi cung ứng đầy đủ, ghi chép các hoạt động giao hàng, các kế hoạch ngăn chặn nạn lao động cưỡng bức;

– Ban hành các chỉ dẫn liên quan về những mối nguy mà doanh nghiệp và các nhà quản lý mua bán liên bang có thể gặp phải khi nhập khẩu thủy sản [từ Trung Quốc].

Ủy ban Chấp hành của Nghị viện Hoa Kỳ về Trung Quốc (CECC) được thành lập năm 2000 với nhiệm vụ giám sát việc tuân thủ của Trung Quốc đối với các tiêu chuẩn về nhân quyền quốc tế. 

Công ty thủy sản Trident, High Liner Foods và Sysco của Mỹ đã ngưng tất cả hoạt động thương mại với Dalian Haiqing Food - một hãng sản xuất lớn của Trung Quốc. Trong khi đó tại Anh, một tổ chức phi chính phủ giấu tên đã trình đơn khiếu nại, yêu cầu chính phủ áp dụng lệnh trừng phạt đối với 7 công ty tại Trung Quốc sử dụng lao động cưỡng bức liên quan tới dân tộc Uyghur.

An Vy (Theo Undercurrentnews)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!