Chậm trễ trong kiểm dịch sản phẩm tôm tại Australia

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo Bộ Công thương, trong 6 tháng đầu năm, thương mại song phương Việt Nam và Australia đạt hơn 8 tỷ USD. Nếu tiếp tục giữ được đà này, mục tiêu 15 tỷ USD mà lãnh đạo hai nước kỳ vọng sẽ sớm đạt được trong năm nay. Xuất khẩu từ Việt Nam sang Australia tăng trưởng ấn tượng lên đến hơn 33% so cùng kỳ 6 tháng năm trước, nhiều mặt hàng tăng trưởng mạnh, trong đó mặt hàng tôm. Tuy nhiên, vấn đề kiểm dịch sản phẩm tôm tại thị trường này đang gặp khó.

Kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, và đặc biệt là thời điểm gần đây, việc chậm thông quan hàng hóa nhập khẩu, nhất là ở khâu kiểm dịch đã trở nên trầm trọng, tập trung ở hai bang New South Wales và Victoria. Một trong những lý do chính là hiện nay Australia đang thiếu lao động ở nhiều lĩnh vực, trong khi đó thương mại tăng trưởng và việc lây nhiễm COVID-19 vẫn diễn ra phức tạp. Như vậy, không chỉ mặt hàng tôm mà các mặt hàng cần phải kiểm dịch, khi nhập khẩu vào Australia đều phải đối diện với tình trạng bị chậm trễ trong kiểm dịch, thông quan (không riêng gì hàng hóa từ Việt Nam).

Ngay từ đầu tháng 4, trong bản tin thị trường Australia, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã công bố tình hình và nêu các khuyến nghị về một số biện pháp để giảm thiểu tác động theo đề xuất của Australia (http://vietnamtradeoffice.net/diem-tin-tuan-thi-truong-uc-tu-ngay-08-14-4-2022/). Đối với mùa vụ nông sản tươi, Thương vụ đã đề xuất nhà nhập khẩu vận chuyển bằng đường hàng không. Vận động các nhà nhập khẩu ở Tây Australia, Nam Australia, nơi không bị quá tải như 2 bang nêu trên, đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa. Với các lô hàng quả tươi đến Australia, Thương vụ chủ động làm việc với nhà nhập khẩu về lịch nhập và đề xuất phối hợp, có ý kiến với Cơ quan kiểm dịch. Định kỳ họp với các nhà nhập khẩu.

Thương vụ cũng đã trao đổi với Cơ quan kiểm dịch của Australia, chia sẻ khó khăn của Bạn và đề nghị phía Bạn có giải pháp hỗ trợ hàng Việt Nam, đặc biệt là nông, thủy sản, để góp phần đưa kim ngạch song phương tăng trưởng cao nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao hai nước.

Australia là nước đứng thứ 6 trong nhập khẩu tôm Việt Nam. Ảnh: PTC

Cơ quan Thương vụ tiếp tục đề nghị quý doanh nghiệp: Tuân thủ đầy đủ các điều kiện nhập khẩu vào Australia để tránh phát sinh thêm thời gian trong điều kiện khó khăn hiện nay. Đối với hàng hóa bị ảnh hưởng bởi kiểm dịch chậm, quý doanh nghiệp có kế hoạch xuất khẩu dài hạn, đàm phán với nhà nhập khẩu để nhà nhập khẩu cùng chia sẻ chi phí trong thời gian chờ kiểm dịch. Đối với trái cây tươi, đàm phán với nhà nhập khẩu để có thể vận chuyển bằng đường hàng không và phối hợp với Thương vụ để đẩy mạnh quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ với giá tốt. Chú ý các quy định, thông tin trên nhãn mác, báo bì. 

Một số đề xuất doanh nghiệp để hạn chế bị chậm trễ: Cần điền đầy đủ và chính xác thông tin của khách hàng để khâu đánh giá ban đầu không mất nhiều thời gian; Nếu hàng hóa của doanh nghiệp sẵn sàng để kiểm dịch trong thời gian ngắn (có thể cung cấp hàng kiểm dịch trong vòng 30 phút), doanh nghiệp cần phải thể hiện yêu cầu này trong mục “option” trong yêu cầu kiểm dịch, khi đó doanh nghiệp có thể được xếp vào thứ tự ưu tiên. Thực hiện dịch vụ kiểm dịch ngoài giờ (có thể tính thêm chi phí nếu việc kiểm dịch cần tiến hành trước 6h30 sáng hoặc sau 6h30 chiều từ Thứ Hai đến Thứ Sáu, vào cuối tuần hoặc các ngày lễ). Trường hợp doanh nghiệp cần kiểm dịch ngoài giờ cần nêu rõ thời gian và tình trạng sẵn sàng của hàng hóa; Đảm bảo mọi thông tin bổ sung cần phải được điền trong mục “additional information” trong yêu cầu kiểm dịch của doanh nghiệp và cần sẵn sàng mọi thông tin cần thiết cho buổi kiểm dịch;  Phản ánh với Cơ quan kiểm dịch Australia tại đường links: https://www.agriculture.gov.au/about/contact/phone.

Australia là thị trường nhập khẩu lớn thứ 7 của tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 5% tổng giá trị nhập khẩu tôm của Việt Nam trong năm 2021. Bước sang năm 2022, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Australia ghi nhận mốc tăng trưởng khá cao. Australia đã vượt qua Anh, vươn lên vị trí thứ 6 về nhập khẩu tôm của Việt Nam với tỷ trọng tăng lên 7%. Với các hiệp định thương mại tự do đa phương với Australia, đặc biệt là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực kể từ đầu năm 2022, tôm Việt Nam đi vào thị trường Australia sẽ có khả năng cạnh tranh tốt hơn nhờ lộ trình giảm thuế. Với lợi thế là nguồn cung tôm lớn nhất cho Australia trong nhiều năm qua, cùng với lợi thế từ RCEP, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Australia kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm nay.

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!