Chấn chỉnh công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngày 25/4/2023, Bộ NN&PTNT có Công văn số 2580/BNN-TY đề nghị các địa phương chấn chỉnh công tác phòng chống dịch bệnh, rà soát và báo cáo số liệu dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ.

Mối lo ngại từ dịch bệnh

Theo báo cáo của các địa phương, năm 2022, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là 23.438 ha tại 21 tỉnh, thành phố, tăng 15,5% so năm 2021. Riêng từ đầu năm 2023 tới nay, cả nước có gần 4.024 ha tôm nuôi tại 7 tỉnh bị thiệt hại, trong đó khoảng 2.239 ha thiệt hại do dịch bệnh (chiếm 55,65%), còn lại 1.785 ha thiệt hại do môi trường, thời tiết và không rõ nguyên nhân. 

Tại Kiên Giang, nhất là ở những khu vực phát triển sản xuất theo mô hình tôm – lúa, tôm nuôi quảng canh cải tiến, nhiệt độ cao và nắng nóng kéo dài đã nung nóng vuông nuôi tôm. Tình trạng tôm nuôi chết do bị sốc nhiệt và các loại dịch bệnh nguy hiểm gia tăng trong những ngày qua. Theo Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh Kiên Gia, tổng diện tích nuôi tôm bị thiệt hại trên địa bàn toàn tỉnh lũy kế từ đầu năm đến nay đến nay là 348 ha. Trong đó, nhiều nhất là bị bệnh đốm trắng (298 ha), còn lại là bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp kết hợp, hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô, vi bào tử trùng, hoại tử cơ quan tạo máu và vi bào tử trùng kết hợp…

Dịch bệnh xảy ra trầm trọng nhất tại tỉnh Cà Mau với diện tích nuôi tôm thâm canh bị bệnh 3,94 ha, nuôi tôm quảng canh cải tiến bị bệnh 366,2 ha, mức độ thiệt hại từ 50 – 80% diện tích tôm nuôi bị bệnh, sau đó là tỉnh Bạc Liêu, Trà Vinh và các địa phương khác. Diện tích tôm sú bị bệnh là 442 ha; tôm thẻ chân trắng bị bệnh là 246 ha; diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh bị bệnh là 404 ha, quảng canh, quảng canh cải tiến và tôm lúa là 284 ha; diện tích còn lại khoảng 924 ha, chiếm 57,3% do môi trường, thời tiết. Trong 3 tháng đầu năm 2023, bệnh EHP được ghi nhận tại Sóc Trăng và Cà Mau với tổng diện tích tôm nuôi bị mắc bệnh được báo cáo là khoảng 1,3 ha.

Một số bệnh thường gặp trên tôm. Ảnh: ST

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, qua kiểm tra thực tế và phản ánh của người nuôi tôm, công tác phòng chống dịch và báo cáo dịch bệnh trên tôm nuôi còn nhiều tồn tại, bất cập. Trong đó, việc tuân thủ quy định của pháp luật về phòng chống dịch bệnh, báo cáo dịch bệnh thủy sản chưa được thực hiện nghiêm túc; nhiều ổ dịch nguy hiểm trên động vật thủy sản chưa được người nuôi báo cáo cho nhân viên thú y hoặc chính quyền địa phương. 

Việc thu thập số liệu về thiệt hại, dịch bệnh, tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm xác định nguyên nhân thường không kịp thời và gặp rất nhiều khó khăn; số liệu thống kê, báo cáo về thiệt hại, dịch bệnh trên tôm chưa sát với thực tế, không dựa trên kết quả xét nghiệm và kiểm tra hiện trường; nguyên nhân là do lực lượng thú y tuyến xã quá mỏng.

Công tác thú y thủy sản tại nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức, chưa bố trí đủ nhân lực thú y thủy sản cho cơ quan thú y tuyến huyện và tỉnh; việc bố trí kinh phí cho công tác thú y thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu; do vậy hiện tượng người nuôi tôm không khai báo dịch và tự xử lý dịch bệnh (theo kinh nghiệm bản thân hoặc theo tư vấn của các công ty/ đại lý) là khá phổ biến.

Khuyến cáo để phòng, chống dịch bệnh

Để khắc phục tồn tại, góp phần làm rõ thêm về thực trạng sản xuất và diễn biến dịch bệnh trên tôm, bảo đảm có đầy đủ dữ liệu, số liệu về thiệt hại, dịch bệnh phục vụ công tác phân tích dịch tễ, nhận định tình hình và đưa ra dự báo, cảnh báo, giải pháp xử lý kịp thời, nhằm hạn chế thiệt hại cho người nuôi và tạo điều kiện cho ngành nuôi tôm phát triển bền vững; tại Công văn số 2580/BNN-TY, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương theo chỉ đạo của Trung ương; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí nhân viên thú y cấp xã theo quy định của pháp luật; đồng thời xem xét cân đối và bố trí đủ kinh phí, nguồn lực, nhân lực có chuyên môn phù hợp để phục vụ công tác thú y thủy sản của địa phương.

Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người nuôi và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thú y trong việc báo cáo, chia sẻ thông tin dịch bệnh động vật với nhân viên thú y, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y hoặc chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, bảo vệ vùng nuôi.

Chỉ đạo chấn chỉnh công tác phòng chống dịch động vật thủy sản, thống kê, báo cáo dịch bệnh thủy sản; giao cơ quan quản lý chuyên ngành thú y chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên ngành thủy sản và khuyến nông chủ động nắm bắt tình hình thiệt hại, dịch bệnh trên tôm nuôi; tổ chức điều tra dịch tễ, lấy mẫu, xét nghiệm đối với các trường hợp tôm nuôi bị chết nhiều, chết bất thường nghi do dịch bệnh để xác định rõ nguyên nhân làm căn cứ đề xuất, hướng dẫn giải pháp xử lý phù hợp để giảm thiểu thiệt hại, hạn chế nguy cơ phát tán tác nhân gây bệnh (nếu có) ra vùng nuôi. 

Giao Sở NN&PTNT chỉ đạo cơ quan chuyên ngành thú y, thủy sản và các địa phương xem xét, rà soát số liệu thực tế về thiệt hại, dịch bệnh trên tôm nuôi (về diện tích, mức độ thiệt hại, dịch bệnh, phân loại theo đối tượng nuôi, hình thức nuôi, lứa tuổi, thời gian mắc bệnh…), bảo đảm số liệu chính xác, đầy đủ. 

Tiếp tục triển khai đồng bộ các hoạt động quan trắc môi trường, giám sát chủ động dịch bệnh để đưa ra dự báo, cảnh báo cho người nuôi; hướng dẫn cụ thể cho người nuôi về mùa vụ thả nuôi, quy trình nuôi, hình thức nuôi phù hợp, sử dụng con giống thủy sản, vật tư đầu vào bảo đảm chất lượng và chủ động áp dụng các biện pháp ứng phó sự cố, phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. 

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật trong công tác phòng chống dịch bệnh, báo cáo dịch bệnh, kiểm dịch giống thủy sản, buôn bán, sử dụng thuốc thú y thủy sản trên địa bàn; xử lý nghiêm mọi tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật. 

Diệu An

>> Theo báo cáo của Cục Thú y, từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước có trên 1.612 ha tôm nuôi tại 6 tỉnh bị thiệt hại, trong đó, 688 ha bị thiệt hại do dịch bệnh, tăng gần gấp đôi so cùng kỳ năm 2022. Tác nhân gây bệnh trên tôm nuôi chủ yếu là: Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô và bệnh do vi bào tử trùng. Đây là loại dịch bệnh mới có tốc độ lây lan nhanh, gây thiệt hại nặng cho người nuôi tôm.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!