T2, 06/07/2020 01:56

Chấn chỉnh việc xác nhận, chứng nhận sản phẩm khai thác

Chưa có đánh giá về bài viết

Án phạt “thẻ vàng” vẫn treo lơ lửng khiến thủy sản Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong xuất khẩu, nhất là vào thị trường EU. Việc chấn chỉnh và minh bạch trong khai thác, chứng nhận nguồn gốc đang được ngành thực hiện rất gắt gao, nhất là trong thời điểm chuẩn bị tiếp đón đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC).

Yêu cầu doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ

Để có được kết quả tốt trong đợt đón đoàn kiểm tra lần này, Bộ NN&PTNT yêu cầu các doanh nghiệp chế biến thủy sản có nguồn gốc khai thác xuất khẩu vào EU chủ động tập trung nguồn lực để cập nhật toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật về IUU và nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các đơn vị chức năng thuộc Bộ về chấp hành Quy định về IUU và xác nhận/chứng nhận IUU trong thời gian qua.

Cùng đó, khẩn trương rà soát các quy định nội bộ, biện pháp quản lý/giám sát đối với nguồn gốc nguyên liệu trong nước và nhập khẩu bảo đảm truy xuất nguồn gốc trước, trong và sau khi xuất khẩu sản phẩm vào EU và đáp ứng các quy định về IUU.

 Cụ thể, thủ tục, quy trình kiểm soát nội bộ nhằm phân tách các lô nguyên liệu khai thác khác nhau trong quá trình thu mua, bảo quản, đưa vào chế biến; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các lô nguyên liệu nhập khẩu để chế biến xuất khẩu. Đồng thời, lưu trữ đầy đủ, dễ truy cập và khoa học đảm bảo truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu khai thác đưa vào chế biến theo đúng các quy định IUU của EU và của Việt Nam tại doanh nghiệp.

Sản phẩm khai thác thủy sản cần được xác nhận, chứng nhận trước khi xuất khẩu – Ảnh: Hồng Thắm

 

 Chấn chỉnh công tác xác nhận, chứng nhận

 Theo Tổng cục Thủy sản, từ ngày 22/5/2019 đến nay, Tổng cục tiếp tục nhận được 5 yêu cầu xác minh liên quan hồ sơ chứng nhận thủy sản khai thác với các lỗi gặp phải như: chưa cập nhật mẫu con dấu, khai sai mã sản phẩm, sai ngày hết hạn của giấy phép khai thác, thiếu chữ ký của cơ quan thẩm quyền.

Mặt khác, theo phản ánh của Ban quản lý cảng cá Tiền Giang, VASEP, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản đang gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc thực hiện xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác đối với tàu thu mua, chuyển tải thủy sản. Phụ lục V, Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT về bảng viết tắt các loại nghề khai thác thủy sản không có nghề thu mua/chuyển tải. Do vậy, khi khai “nghề khai thác thủy sản” cho tàu thu mua, chuyển tải thủy sản vào nhóm “nghề khác” có mã nghề “OTH”, các nước nhập khẩu thuộc EU không chấp nhận.

Để chấn chỉnh công tác thực hiện xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác, chứng nhận thủy sản khai thác, chấm dứt tình trạng mắc lỗi như thời gian vừa qua; đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác, Bộ NN&PTNT ban hành Công văn số 7649/BNN-TCTS đề nghị Sở NN&PTNT khẩn trương thực hiện: Tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho thuyền trưởng, chủ tàu; cán bộ tại cảng cá, Chi cục Thủy sản, các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan các nội dung quy định tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ NN&PTNT.

Cùng đó, kiểm tra, rà soát việc thực hiện xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác, chứng nhận thủy sản khai thác tại các đơn vị được giao nhiệm vụ; đối với những hồ sơ có lỗi, sai sót, khẩn trương có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh phù hợp.

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện việc xác nhận thủy sản khai thác để đảm bảo phù hợp theo mẫu giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác (Mẫu số 01, Phụ lục III), hướng dẫn cách ghi và trình tự thủ tục theo quy định của Thông tư số 21. Cụ thể, đối với lô hàng thủy sản bốc dỡ qua cảng từ tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản: ghi các thông tin của tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản và kèm theo các thông tin của tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản đã bán hoặc chuyển tải thủy sản cho tàu hậu cần; Đối với giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác thì thực hiện chứng nhận theo tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản.

Đây là những hoạt động cần thực hiện nghiêm túc và đạt hiệu quả cao, nhằm tạo thuận lợi cao nhất khi đón đoàn làm việc của EC.

>> Từ đầu năm đến nay, thực hiện công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá, Chi cục Thủy sản Hải Phòng đã cấp 57 Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá (Trong tháng 9 cấp Giấy Chứng nhận cho 3 tàu), cấp sổ danh bạ thuyền viên cho 24 tàu; tham mưu cho Sở NN&PTNT cấp Văn bản chấp thuận cho 9 tàu. Đồng thời, Chi cục đã tiến hành kiểm tra an toàn kỹ thuật cho 40 tàu cá trong tháng 9, nâng tổng số tàu cá đã kiểm tra an toàn kỹ thuật từ đầu năm đến nay lên 256 tàu; giám sát việc đóng mới 6 tàu. Tuy nhiên, hiện các tàu đã đóng xong, đi vào hoạt động nhưng đơn vị chưa lập hồ sơ đăng kiểm được vì chủ tàu chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.

Bảo Hân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!