Chăn nuôi thủy sản an toàn

Chưa có đánh giá về bài viết

5 năm trở lại đây, dịch bệnh trên đàn cá liên tiếp xảy ra, nhất là vào mùa nắng nóng khiến người chăn nuôi bị thiệt hại nặng. Giải pháp nào phòng ngừa dịch bệnh và hạn chế thấp nhất thiệt hại ở Bắc Giang?

Ao nuôi ô nhiễm

Theo Chi cục Thủy sản Bắc Giang (Sở NN&PTNT), mỗi năm người nuôi thủy sản trong tỉnh đều bị thiệt hại do dịch bệnh. Cao điểm là năm 2010, toàn tỉnh có tới 100 tấn cá bị chết do bệnh nấm mang và liên cầu khuẩn. 

Riêng 7 tháng đầu năm nay, có gần 7 tấn cá chết do hai loại bệnh này. Anh Nguyễn Văn Đạo, thôn Tĩnh Lộc, xã Nghĩa Trung (Việt Yên) phản ánh: “Gia đình tôi có 1 mẫu ao nuôi cá ở cuối kênh dẫn nước của thôn. Tháng 6 và 7 vừa qua, do nhiệt độ ngoài trời nhiều ngày ở mức 36 – 38 độ C, cộng thêm nguồn nước bị ô nhiễm bởi lấy từ kênh dẫn có chứa chất thải chăn nuôi của các hộ trong thôn nên cá có triệu chứng lồi mắt, bơi không định hướng rồi chết hàng loạt, thiệt hại gần 70 triệu đồng”. Cùng thời điểm này, cá của nhiều hộ dân khác ở thôn Tĩnh Lộc cũng bị chết rải rác, ước hơn 1 tấn. 

Ở vùng nuôi thủy sản tập trung xã Thái Đào (Lạng Giang), trong tháng 6 và tháng 7 cũng bị thiệt hại do dịch bệnh. Ông Nguyễn Sỹ Nghĩa, Chủ nhiệm HTX nuôi trồng Thủy sản Thái Đào cho biết: “Toàn xã hiện có 60 ha mặt nước nuôi thủy sản theo phương thức bán thâm canh và quảng canh. Phần lớn các hộ dân đều nuôi lợn, tận dụng phân làm thức ăn cho cá với lượng lớn nên bệnh nấm mang và liên cầu khuẩn thường xuyên xảy ra làm cá chết nhiều, nhất là vào ngày nắng nóng”. 

Nhiều hộ xả phân và nước thải trực tiếp ra mương máng, chảy sang ao của nhà khác làm ô nhiễm nguồn nước. Năm 2014, toàn xã thiệt hại 5 tấn cá do dịch bệnh; năm nay vẫn có chiều hướng tiếp diễn ở một số hộ nuôi cá thường xuyên mà không sử dụng chế phẩm hoặc vôi bột khử trùng nguồn nước. 

Chăn nuôi,  thủy sản,  an toàn, Bắc Giang

Nhiều hộ dân ở xã Quang Châu (Việt Yên) sử dụng máy sục khí để tăng hàm lượng ôxy trong ao.

 

Chăn nuôi an toàn 

Trong số gần 14,5 nghìn hộ nuôi cá toàn tỉnh có 30% số hộ thải phân gia súc, gia cầm xuống ao không xử lý qua hầm khí biogas. Thêm vào đó, hiện nay diện tích nuôi cá thâm canh và bán thâm canh ngày càng mở rộng, trong khi  nhiều hộ chưa chú trọng cân đối khẩu phần thức ăn nên lượng thức ăn dư thừa, lưu cữu nhiều năm dưới đáy ao không được nạo vét sau mỗi vụ thu hoạch đã làm phát sinh khí độc như H2S, NH3 khiến cá dễ mắc bệnh. 

Kết quả kiểm tra mẫu nước và mẫu cám năm 2014 của Chi cục Thủy sản tại 60 hộ nuôi cá ở một số huyện cho thấy có 3/25 mẫu nước; 2/14 mẫu thức ăn có chỉ tiêu ôxy hóa học và ôxy hữu cơ hòa tan trong nước cao hơn giới hạn cho phép; 2/14 mẫu thức ăn không đạt chất lượng như công bố trên bao bì. 

Đặc biệt, hiện nay 20 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trong tỉnh đều lấy nước trực tiếp từ hệ thống sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam nhưng chưa kiểm soát được chất lượng nguồn nước đầu vào cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh dễ bùng phát.

Năm 2014 sản lượng cá toàn tỉnh đạt 29,6 nghìn tấn, năm nay ước khoảng 30 nghìn tấn, doanh thu hàng nghìn tỷ đồng. Nếu xảy ra dịch bệnh diện rộng sẽ ảnh hưởng lớn đến việc làm, thu nhập của nhiều hộ dân. 

Theo ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, không như các loài vật trên cạn, phòng bệnh cho cá rất khó. Để giảm bớt thiệt hại, Sở cử cán bộ hướng dẫn người dân kỹ thuật điều trị bệnh bằng việc áp dụng tổng thể các giải pháp như: khử trùng nguồn nước định kỳ, kết hợp sử dụng thuốc kháng sinh trộn lẫn thức ăn cho cá. Giao cơ quan chuyên môn xây dựng mô hình nuôi cá an toàn sinh học tại huyện Việt Yên và Tân Yên với diện tích hơn 70 ha mỗi năm, phấn đấu đến năm 2020 mở rộng lên 750 ha. 

Trước mắt, người dân nên duy trì mật độ thả 2 – 3 con/m2, thức ăn cho cá phải bảo đảm chất lượng và số lượng. Hằng tháng sử dụng vôi bột, muối hạt, tỏi xay nhuyễn hoặc chế phẩm sinh học để khử trùng nguồn nước, tuyệt đối không xả phân chuồng trực tiếp xuống ao. Ở vùng nuôi thủy sản tập trung, người dân nên xây dựng riêng hệ thống bể lắng lọc xử lý mầm bệnh trước khi dẫn nước vào ao cũng như trước khi thải ra môi trường để tránh lây lan ngay trong ao và các ao liền kề. 

>> Theo Sở NN&PTNT, cá nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, năng suất ước đạt ước 15 tấn/ha, thu lãi 130 triệu đồng/ha, tăng khoảng 15% so với phương pháp thông thường.

Hải Minh

Báo Bắc Giang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!