Chiều 27/10, tại Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp phối hợp với Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam và Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu văn hóa nước mắm và ẩm thực Việt Nam với một số cơ quan ngoại giao, tham tán nước ngoài tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp nhấn mạnh, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nền văn hóa ẩm thực độc đáo, vô cùng tinh tế không thua kém các nước trên thế giới. Với hơn 3.260 km đường biển và 28 tỉnh thành có bờ biển, mỗi địa phương đều có các đặc sản sản phẩm mắm và nước mắm truyền thống. Đây chính là sự kết tinh từ giá trị tài nguyên bản địa truyền thống văn hóa cùng với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo ra sản phẩm truyền thống đáp ứng nhu cầu hiện đại.
Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: KT
Năm 2018, Chính phủ triển khai chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP), đến nay đã có hơn 10.323 sản phẩm OCOP. Và hầu hết 28 tỉnh ven biển đều có nước mắm được công nhận sản phẩm OCOP. Buổi tọa đàm với mục đích trao đổi, giới thiệu về văn hóa, giá trị ẩm thực của nước mắm truyền thống, tạo cơ hội để các sản phẩm nước mắm và sản phẩm văn hóa ẩm thực Việt Nam được đưa tới thị trường quốc tế, đồng thời góp phần quảng bá, giới thiệu văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Chia sẻ về giá trị nước mắm truyền thống, bà Trần Thị Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam cho biết, hiện nay ở nước ta, nghề làm nước mắm truyền thống có sự tham gia của trên 4.250 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, tạo công ăn việc làm cho trên 9.500 lao động, sản lượng nước mắm gần 237 triệu lít. Tất cả giá trị của nước mắm truyền thống chính là chữ “truyền thống”, là sản phẩm được bao thế hệ người Việt sáng tạo, truyền từ đời này qua đời khác. Cũng theo bà Dung, tuy cùng được đem ủ chượp cá với muối để làm nước mắm, nhưng nước mắm của các vùng miền khác nhau lại có bản sắc, đặc trưng khác nhau về mùi, vị và màu sắc. Bởi mặc dù đều được làm từ các loài cá nổi: cá cơm, cá trích, cá nục, tuy nhiên chúng lại được thu hoạch ở những vùng biển khác nhau (gần cửa sông như sông Hồng và sông Cửu Long), theo mùa vụ khác nhau… Cùng đó, với sự đa dạng trong phương pháp chế biến của người dân đã tạo ra sản phẩm nước mắm đặc trưng của vùng miền. Có thể nói, nước mắm truyền thống làm cho ẩm thực Việt Nam tạo sự khác biệt với ẩm thực các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…
Nước mắm truyền thống là sản phẩm được bao thế hệ người Việt sáng tạo, truyền từ đời này qua đời khác. Ảnh: Lê Gia
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được lắng nghe những chia sẻ, kinh nghiệm trong hành trình xuất khẩu nước mắm truyền thống. Theo đó, ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm & TMDV mắm Lê Gia cho rằng, để xuất khẩu được nước mắm, đòi hỏi phải có sự kiên trì. Bên cạnh đó là đầu tư nguồn lực (từ sản phẩm đến tiếp thị, xúc tiến…). Đặc biệt, ngoài nỗ lực của các chủ thể/doanh nghiệp thì sự quan tâm, đồng hành của các cơ quan quản lý, cơ quan xúc tiến thương mại là vô cùng quan trọng. Qua buổi tọa đàm này, ông Lê Anh cũng mong các cơ quan liên quan sẽ quan tâm, hỗ trợ hơn nữa cho nước mắm truyền thống trong tươi lai. “Việc xuất khẩu nước mắm truyền thống không chỉ là hoạt động Kinh tế – thương mại đơn thuần, nó còn là xuất khẩu văn hóa ẩm thực”, ông Lê Anh nhấn mạnh.
Cũng tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được tham gia nếm thử những món ăn ẩm thực được chế biến từ nước mắm truyền thống.
>> Buổi tọa đàm là sự kiện nằm trong khuôn khổ tuần lễ Tuần lễ giới thiệu, kết nối ẩm thực nông sản Việt Nam gắn với hệ thống cơ quan ngoại giao, tham tán nước ngoài ở Việt Nam. |
Lê Loan