Tối 2/6, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã phát đi thông cáo báo chí, khẳng định rằng các sản phẩm hải sản xuất khẩu vẫn đảm bảo chất lượng.
Trước đó, Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Cơ quan thẩm quyền EU vào ngày 24/5 đã có văn bản cảnh báo số 16-814 tới các nước thành viên EU về việc cá chết bất thường tại Việt Nam và đề nghị kiểm soát chặt chẽ các lô hàng thủy sản biển nhập khẩu từ Việt Nam. Vì thế, đã có những lo ngại trong cộng đồng doanh nghiệp trước thông tin này.
Do vậy, tại thông cáo báo chí của mình, VASEP cho biết thực tế các ngư trường khai thác chính nguyên liệu hải sản phục vụ cho xuất khẩu của Việt Nam bao gồm các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào Nam Trung bộ (Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận…) và các tỉnh Nam bộ (Kiên Giang, Cà Mau…) được khai thác bằng các tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ.
Nguồn nguyên liệu của các địa phương này hầu hết cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến hàng xuất khẩu, gồm các mặt hàng hải sản chính như cá ngừ, cua ghẹ, surimi cá khô và cá biển khác… Nhiều doanh nghiệp cũng đang chế biến xuất khẩu từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các nước khác. Trong thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo khảo sát, lấy mẫu và khẳng định các khu vực khai thác xa bờ (vùng biển xa bờ ngoài 20 – 30 hải lý) thuộc 4 tỉnh có hiện tượng cá chết đều an toàn.
Sản phẩm hải sản xuất khẩu vẫn đảm bảo chất lượng – Ảnh: Lê Xuân Chiến
Vì thế, việc cá chết bất thường tại ven biển 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế) không gây ảnh hưởng đến nguồn cung và mức độ an toàn cho nguyên liệu hải sản xuất khẩu… và có thể khẳng định chất lượng các mặt hàng hải sản xuất khẩu không bị ảnh hưởng bởi hiện tượng cá chết ở ven biển bốn tỉnh miền Trung trong thời gian qua.
Năm 2016, xuất khẩu các mặt hàng hải sản đều được dự báo sẽ tăng so với năm ngoái, nhờ nguồn cung ổn định, nhu cầu hồi phục trên các thị trường chính. Trong đó dự báo xuất khẩu cá ngừ sẽ tăng 12%, mực, bạch tuộc tăng 10%, cua ghẹ, surimi, các loại cá biển và cá khô tăng 13%.