Sáng 28/6, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo “Tác động của Hiệp định thương mại Việt Nam – EU tới doanh nghiệp Việt Nam” nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng hiệu quả lợi thế mà Hiệp định mang lại với các doanh nghiệp ngành nông, thủy sản.
Theo ông Nguyễn Tuấn Hải, Phó Trưởng ban Quan hệ quốc tế VCCI kiêm Giám đốc Dự án hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Phần Lan và Bắc Âu (Dự án FLC 14-04), Phần Lan nói riêng và các nước Bắc Âu nói chung có dung lượng thị trường không lớn, đặc biệt lại yêu cầu các tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng rất khắt khe.
Tuy nhiên, ông Hải cũng cho rằng, đây lại là khu vực rất đáng kể cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nghiên cứu để thâm nhập. Khi đã chiếm lĩnh được thị trường này, hiệu quả chắc chắn sẽ không nhỏ với lý do là mùa đông tại khu vực này kéo dài nên nhu cầu về hàng nông thủy sản rất lớn.
Hơn nữa, một khi được chấp nhận thì các sản phẩm sẽ có giá trị gia tăng cao vì mức sống của người dân ở Phần Lan và Bắc Âu tương đối cao so với EU.
Cùng với đó, Chính phủ Phần Lan và Bắc Âu luôn xem Việt Nam là một trong số ít các quốc gia nhận được sự khuyến khích và hỗ trợ trong việc xúc tiến xuất khẩu vào thị trường nước này và dự án FLC 14-04 chính là minh chứng.
Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu – Ảnh: Danh Lam
Chia sẻ thêm những cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp nông thủy sản của Việt Nam, bà Phùng Thị Lan Phương cho rằng, EU hiện vẫn là thị trường nhập khẩu quan trọng hàng đầu đối với doanh nghiệp và hàng Việt Nam thông qua việc gia tăng xuất khẩu một số nông sản truyền thống, có thế mạnh, như cà phê, ca cao, hạt tiêu, điều, tôm…; trong đó, Việt Nam chiếm gần 2/3 giá trị xuất nhập khẩu.
EU cũng là khu vực có tiềm năng và truyền thống rất nổi bật, với sức mua dồi dào và ổn định nhờ thu nhập bình quân đứng hàng đầu thế giới.
Mặc dù vậy nhưng nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU đang giảm dần về số lượng, giá và cả thị phần. Chẳng hạn như đối với sản phẩm chè, nếu năm 2007, tỷ trọng chè của Việt Nam xuất khẩu vào EU là 20%, song đến tháng 8/2014, chỉ còn khoảng 7%.
Nguyên nhân của sự “tuột dốc” này là do chè Việt Nam trên thị trường EU không có nhận dạng xuất xứ nguồn gốc, dư lượng hóa chất quá cao. Thương hiệu chè Việt trên thị trường này lại quá mờ nhạt, không có chứng nhận trách nhiệm xã hội trong sản xuất.
Hơn nữa, không ít doanh nghiệp xuất khẩu nông sản vẫn còn lúng túng trước nhu cầu mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu nông sản vào EU. Đơn cử, doanh nghiệp chế biến cà phê vẫn chấp nhận việc bán sản phẩm mới qua sơ chế hoặc bán thành phẩm, trong khi nhà máy chế biến rau quả lại không làm chủ được vùng nguyên liệu bên cạnh sự bị động về công nghệ, thiếu vốn, phương pháp bảo quản lạc hậu hoặc bất lợi về khoảng cách vận chuyển xa…
Tình trạng doanh nghiệp chấp nhận xuất hàng mới qua sơ chế vẫn khá phổ biến do thiếu nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào bảo đảm cả về khối lượng và chất lượng. Điều đó làm giảm cơ hội tăng giá trị gia tăng của hàng nông sản xuất khẩu cũng như mất cơ hội về việc làm, thu nhập cho người lao động.
Tại hội thảo, không ít ý kiến từ phía các chuyên gia đều cho rằng, đến thời điểm này, các doanh nghiệp của Việt Nam vẫn chưa thực sự có sự chuẩn bị tốt để đón nhận những ưu đãi của Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU. Không những thế, khi ký FTA, doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi thế về thuế suất.
Các nông sản nhiệt đới mà Việt Nam có thể xuất khẩu mạnh, như lúa gạo, rau quả tươi, mật ong, cây thuốc, sữa ong chúa, thủy sản, lúa gạo… sẽ có cơ hội vào EU rất lớn.
Nếu doanh nghiệp chưa sẵn sàng đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, những yêu cầu về trách nhiệm với người tiêu dùng, với xã hội theo yêu cầu của EU thì sẽ khó có sự bứt phá về xuất khẩu.
Để đẩy mạnh xuất khẩu và đón nhận cơ hội khi ký FTA với EU, bà Cao Thanh Diệp, Phó Trưởng phòng ASEAN – Vụ Chính sách thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) khuyến cáo, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt phải tạo dựng được thương hiệu cho sản phẩm để nâng tính cạnh tranh.
Cùng với đó, doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ thị trường EU, vì ngoài tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp phải có trách nhiệm với xã hội, với người tiêu dùng.