(TSVN) – Thông tin từ Cục Quản lý Chất lượng Nông, lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) tại Hội nghị “Công tác chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm thủy sản năm 2022” do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 3/6 tại TP Cần Thơ; qua công tác giám sát chất lượng nông, lâm, thủy sản cả nước cho thấy, số mẫu vi phạm có giảm so cùng kỳ. Điều này có nghĩa chất lượng an toàn thực phẩm của nhóm ngành nông, lâm, thuỷ sản đã có sự cải thiện.
Báo cáo của NAFIQAD, 5 tháng đầu năm nay, Bộ NN&PTNT đã lấy 843 mẫu để giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, phát hiện 12 mẫu vi phạm, chiếm 1,4% số mẫu đã lấy và giảm 2,3% so cùng kỳ năm trước. Các địa phương đã thực hiện lấy 7.897 mẫu nông, lâm, thủy sản để giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, phát hiện có 297 mẫu vi phạm, chiếm 3,76% tổng số mẫu được lấy và giảm 5,65%.
Chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản ngày một cải thiện, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Gia Bảo
Về việc giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, đại diện NAFIQAD cho biết, 5 tháng đầu năm nay, toàn ngành nông, lâm, thủy sản đã thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm đối với 2.467 cơ sở, trong đó, có 2.363 cơ sở đáp ứng đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định, chiếm 95,78% tổng số cơ sở được thẩm định, tăng so cùng kỳ năm ngoái là 91,17%. Với số mẫu cũng như cơ sở hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản vi phạm giảm như nêu trên đồng nghĩa chất lượng nông, lâm, thủy sản đã có sự cải thiện đáng kể. Trong khi đó, ở khía cạnh sản xuất nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm, báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, hiện cả nước có 463.000 ha cây trồng được chứng nhận VietGAP và các tiêu chuẩn tương đương, tăng 33.000 ha so năm 2020; diện tích NTTS được cấp chứng nhận VietGAP và tiêu chuẩn tương đương đạt 16.991 ha, tăng 1.158 ha so năm 2020.
Về việc tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc, giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường, mở rộng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cũng có nhiều tín hiệu khả quan, nhất là lĩnh vực thủy sản. Với thị trường Mỹ, sau đánh giá trực tuyến, Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) tiếp tục công nhận tương đương và bổ sung thêm 6 doanh nghiệp của Việt Nam được phép chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá da trơn (chủ yếu cá tra) vào quốc gia này. Đối với thị trường EU, đã công nhận bổ sung 14 doanh nghiệp thủy sản, nâng tổng số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào thị trường này là 531; 1 doanh nghiệp xuất khẩu ốc, ếch nâng tổng số lên 16 doanh nghiệp xuất khẩu nhóm sản phẩm này vào EU. Còn thị trường Liên minh kinh tế Á-Âu đã bỏ đình chỉ 2 doanh nghiệp và bổ sung thêm 4 doanh nghiệp, nâng tổng số có 77 doanh nghiệp chế biển thủy sản Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường này. Với thị trường Trung Quốc, quốc gia này đã chấp thuận đăng ký xuất khẩu cho 779 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam; công nhận danh mục 128 sản phẩm, danh mục 48 loài và danh sách 45 doanh nghiệp được xuất khẩu tôm hùm, tôm nước lợ, cua sống sang thị trường này.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc bộ và địa phương cần xây dựng các chương trình, kế hoạch và đề án cụ thể để thực hiện tại địa phương, đơn vị mình, đồng thời cần có sự phối hợp tốt với nhau. Ðể nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản, Thứ trưởng cũng lưu ý các địa phương cần tập trung xây dựng vùng nguyên liệu, có mã số vùng đảm bảo truy xuất nguồn gốc, áp dụng các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt… để đảm bảo chất lượng và an toàn và gắn kết với các doanh nghiệp chế biến và nhà tiêu thụ để hình thành các chuỗi. Ðồng thời, quan tâm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân và chú ý thực hiện tốt việc quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản tại các chợ xã, từ đó làm mô hình điểm để nhân rộng…
Hải Lý