Chất lượng sản phẩm tôm xuất khẩu: Quản lý bắt đầu từ đâu?

Chưa có đánh giá về bài viết

Chất lượng các sản phẩm tôm không đơn giản chỉ dựa vào sự kiểm tra, xử phạt mà trước hết nó xuất phát từ ý thức trách nhiệm của người trong ngành tôm khi xuất đi những sản phẩm liên quan đến an toàn thực phẩm.

Nhiều nhưng vẫn thiếu

Số liệu thống kê 5 tháng đầu năm 2014 có 11 lô tôm Việt Nam bị cơ quan chức năng của EU và Nhật Bản phát hiện có kháng sinh Oxytetraxycline (OTC) vượt mức giới hạn cho phép. Điều này phản ảnh một thực trạng đáng lo ngại là dù có nhiều cảnh báo, nhiều hàng rào kiểm tra kiểm soát chất lượng nhưng sản phẩm của Việt Nam vẫn chưa ổn định về mặt chất lượng khiến các đối tác có thể đưa ra sự trừng phạt bất kể lúc nào. Đâu là mấu chốt của vấn đề?

Nhiều ý kiến cho rằng, việc kiểm soát tôm giống, thuốc kháng sinh, quy trình nuôi trồng vừa qua chưa thật tốt. Cần đẩy mạnh việc kiểm tra xử phạt như đã làm với cá tra. Song theo một số chuyên gia, việc xử phạt chỉ mới là một mặt của vấn đề quản lý, thực tế thì mặc dù xử phạt nhiều nhưng không ít doanh nghiệp vẫn vi phạm về chất lượng.

Các nhà nghiên cứu kinh tế thế giới đã tổng kết hai khuynh hướng kiểm soát chất lượng. Một là dựa vào sự sàng lọc của thị trường – đây được coi là cái lưới lọc lớn nhất. Các sản phẩm không đảm bảo chất lượng sẽ bị đào thải bằng nhiều hình thức. Do đó, việc can thiệp hành chính sẽ giảm thiểu. Hai là kiểm soát bằng các công cụ pháp lý nhà nước; khi đó sự can thiệp của nhà nước và luật pháp sẽ định hướng cho thị trường. Cả hai khuynh hướng này đều có mặt tiêu cực và tích cực, nhưng quan trọng hơn cả là nó phải phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.

Khi xác định kiểm soát và nâng cao chất lượng bằng sự can thiệp hành chính và luật pháp thì dường như không bao giờ đủ. Sẽ ngày càng nảy sinh ra nhiều cơ quan, nhiều bộ phận, nhiều công đoạn giám sát. Chẳng hạn truy xuất nguồn gốc tôm sẽ dẫn đến truy xuất nguồn gốc giống tôm, rồi nguồn gốc thức ăn tôm, các chế phẩm cho tôm, nguồn gốc người nuôi, công nghệ  nuôi… Mỗi phần như thế lại thuộc một cơ quan chức năng khác nhau với những tiêu chí khác nhau. Lúc nào người ta cũng thấy thiếu, sót, lọt một công đoạn nào đó, cần phải siết chặt.

Vấn đề can thiệp hành chính sẽ đưa đến việc tăng chi phí cho sản phẩm: ai sẽ trả tiền cho vô số các khâu kiểm tra kia? Tiền nào để nuôi bộ máy và xử lý phát sinh? Khi doanh nghiệp không kham nổi thì ngân sách phải bao cấp và tính chất thị trường sẽ giảm đi, hoặc thuế đánh vào các doanh nghiệp tôm sẽ tăng lên và ảnh hưởng tới giá thành.

 

Không ít doanh nghiệp vi phạm về chất lượng – Ảnh: An Đăng


Văn hóa kinh doanh…

Trong trường hợp thị trường tự điều tiết chất lượng sản phẩm thì điều cơ bản nhất để duy trì chất lượng ổn định chính là đạo đức, văn hóa kinh doanh. Tự người kinh doanh sẽ cố gắng làm tốt nhất công việc của mình và hạn chế sự gian dối.

Văn hóa trong kinh doanh được đánh giá là nền tảng cơ bản để hình thành nền kinh tế thị trường. Tăng nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, nhưng nếu như các đoàn kiểm tra này không làm hết trách nhiệm của mình thì liệu sự tăng thêm ấy có thật sự làm sạch môi trường sản xuất tôm xuất khẩu hay không? Ai sẽ kiểm tra chính các đoàn thanh tra kiểm tra? Một số doanh nghiệp thường kêu ca rằng rất ngại tiếp các đoàn thanh tra kiểm tra bởi không giải quyết được việc gì rốt ráo cả.

Trong một hội nghị nuôi tôm nước lợ các doanh nghiệp Việt Nam cho biết chi phí để đi xét nghiệm đánh giá các chỉ số lý hóa sinh hiện nay không hề rẻ, chưa kể thời gian kéo dài. Một số doanh nghiệp cho biết tính pháp lý của các cơ sở làm xét nghiệm đến đâu, có giá trị quốc tế hay không… là vấn đề các doanh nghiệp Việt Nam rất đau đầu. Ngược lại, với một số doanh nghiệp xuất khẩu của nước ngoài uy tín, họ luôn có phòng xét nghiệm, nghiên cứu, đánh giá riêng. Thậm chí các doanh nghiệp còn cho biết “hàng tháng gửi mẫu đi về nước đầu tư, đến các trung tâm khoa học lớn để đánh giá”. Như vậy, không phải ai khác mà chính các doanh nghiệp tầm cỡ quốc tế tự hàng ngày đánh giá chất lượng sản phẩm của mình một cách khắt khe nhất. Họ không tìm cách trốn tránh việc kiểm định, đổ vấy lên các điều kiện khách quan; luôn muốn đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất của thị trường mà không hề đợi những đoàn thanh tra, kiểm tra đến rồi tổ chức đối phó.

 

… hay lợi nhuận?

Lợi nhuận thường được tính bằng tiền thu về trong các hợp đồng, nhưng lợi nhuận thu được từ uy tín thương hiệu còn giá trị hơn. Chính vậy các hãng xe hơi uy tín sẵn sàng thu hồi xe khi phát hiện ra lỗi. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu của Việt Nam thường phàn nàn về chính sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, như tỷ lệ đá băng nhiều, hay nguồn gốc nguyên liệu chưa rõ ràng… nhưng đã có công ty nào mạnh dạn xin lỗi, đền bù thiệt hại, thu hồi, đổi tôm cá chất lượng cao cho khách hàng?

Qua sự kiện 11 lô tôm Việt Nam bị cơ quan chức năng của EU và Nhật Bản phát hiện có kháng sinh OTC vượt mức giới hạn cho phép, vấn đề được nhiều doanh nghiệp lo lắng là hàng hóa của mình sẽ không bán được, thị trường sẽ đóng cửa… mà ít khi thấy họ quan tâm đến việc những ai đã ăn phải sản phẩm tôm kém chất lượng được bán từ Việt Nam; những “nạn nhân” ấy cần giúp đỡ gì?

Năm 2013 ngành tôm thu về 3 tỷ USD, một nhà khoa học cho rằng chỉ cần trích một phần nhỏ trong số tiền đó để làm công tác khoa học kiểm định chất lượng thì doanh nghiệp cũng có thể xây dựng cho mình một cơ sở vững vàng trong lĩnh vực này. Nhưng thử hỏi mỗi năm các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư bao nhiêu cho nghiên cứu khoa học, nhằm sàng lọc và đưa ra thị trường sản phẩm tốt nhất? 

Đã đến lúc các doanh nghiệp ngành tôm cần nghiêm túc đầu tư cho công tác khoa học trong kiểm soát chất lượng tôm. Chỉ có như vậy thì doanh nghiệp mới chủ động được toàn bộ quá trình sản xuất và đảm bảo đầu ra của sản phẩm tốt nhất, đồng thời hạn chế rủi ro trong suốt quá trình nuôi. Đây cũng là yếu tố cần được đưa ra để đánh giá năng lực của một doanh nghiệp nuôi trồng và chế biến tôm xuất khẩu trong hoàn cảnh hiện nay.

>> Theo quy định, mức giới hạn cho phép đối với OTC tại EU và Nhật Bản lần lượt là 0,2 và 0,1 ppm. Tuy nhiên, thời gian gần đây các nhà nhập khẩu đã phát hiện nhiều lô hàng tôm của Việt Nam có dư lượng thấp nhất là 0,3 ppm và cao nhất là 2,1 ppm.

N. A

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!